TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Cô giáo Ka Rêu "cháy" hết mình vì sự nghiệp In trang
08/06/2020 08:05 SA

Mới chỉ vào nghề 7 năm, cô giáo Ka Rêu đã trở thành đảng viên, đạt nhiều danh hiệu giáo viên (GV) giỏi cấp huyện. Với vai trò phân hiệu trưởng, cô năng nổ và trách nhiệm, tận tâm với học sinh (HS) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ka Rêu vừa được vinh dự là một trong 13 cá nhân tiêu biểu của huyện Đạ Tẻh trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cô giáo Ka Rêu hướng dẫn HS lớp 5 học theo mô hình VNEN
Cô giáo Ka Rêu hướng dẫn HS lớp 5 học theo mô hình VNEN

Sinh ra trong gia đình nông dân dân tộc Mạ khó khăn, nhưng có truyền thống học hành, với 3 anh em tốt nghiệp đại học chính quy, anh trai K’Xuyên hiện là GV Lịch sử THCS, Bí thư Đoàn trường, em gái Ka Thanh Thanh là GV Mầm non và Ka Rêu. Cô Ka Rêu sinh ngày 10/4/1990, tốt nghiệp loại Giỏi của Trường Đại học Tây Nguyên năm 2013, ngành Giáo dục Tiểu học. Ra trường, cô được phân công dạy Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Đạ Tẻh 2 năm và sau đó điều động vào Trường Tiểu học Quốc Oai từ 2015, phụ trách lớp 4. Năm học 2019-2020 này, cô Ka Rêu phụ trách lớp 5C, 100% HS Mạ và đông nhất trường với 29 em. Thôn Đạ Nhar là thôn vùng III đặc biệt khó khăn, cách xa trường chính gần 4 km. Phân trường có 123 HS, chủ yếu dân tộc Mạ, ngoài 5 lớp HS tiểu học còn có 2 lớp THCS mượn phòng học; thế nhưng môi trường hoạt động giáo dục nề nếp, đặc biệt huy động HS trong độ tuổi ra lớp 1 luôn đạt 100%, duy trì chuyên cần thành công. Nhà trường quyết định phân công Ka Rêu vào đảm nhận từ 3 năm nay, và giao trọng trách phân hiệu trưởng. Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm đến Đạ Nhar, từ cơ sở trang thiết bị dạy - học hiện đại đến đội ngũ. Trường có 9 đảng viên, trong đó 7 đảng viên GV thì Đạ Nhar chiếm 4 GV (gồm Tổ trưởng Khối 3, Tổ trưởng Khối 4-5, Bí thư chi đoàn trường và cô Ka Rêu). Thầy Nguyễn Phúc Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Cô Rêu là GV tốt nghiệp đại học chính quy, có năng lực; và nổi bật đặc biệt là tinh thần trách nhiệm rất cao, tâm huyết với học trò. Tôi dự giờ phát hiện ở cô Rêu trong giảng bài là luôn phải tìm mọi cách để học trò hiểu cho được, nghĩa là rất tận tâm. Phẩm chất chính trị và năng lực tốt, cô Rêu có tiềm năng phát triển và đã được quy hoạch nguồn cán bộ quản lý trong tương lai”.

Hàng ngày, đồng bào Mạ thôn Đạ Nhar thường thấy cô Rêu ngoài việc lên lớp, hướng dẫn HS làm sạch sẽ môi trường khuôn viên phân hiệu, những tiết trống giờ dạy cô đi từng nhà phụ huynh mãi cho đến 6 giờ chiều mới lên xe máy về lại gia đình mình, ở tận thị trấn Đạ Tẻh, cách mười mấy cây số. 

Cô tốt nghiệp đại học loại giỏi và khi ra trường, cô nhận ra yếu tố thuận lợi để phát huy, đó là vận dụng từng phụ trách lớp có 100% HS là người Kinh và lớp có 100% HS là DTTS để “nhìn nhận những ưu điểm, những tồn tại của HS người Mạ và từ đó có những phương pháp cụ thể dạy HS DTTS học tập tốt lên”, cô Rêu nói. Tuy năm đầu tiên đảm nhận lớp 5, lại là HS DTTS, ban đầu cô Rêu cũng rơi vào áp lực lo lắng. 

Cô tích cực học hỏi những đồng nghiệp đi trước có kinh nghiệm, ngay cả những giáo viên trẻ mới ra trường để biết tránh những hạn chế có thể mắc phải. 

Còn học kinh nghiệm quản lý, cô được thầy hiệu trưởng gợi ý và cũng là yêu cầu học qua cô Loan, một người nhiều năm thành công trong quản lý. Ngoài ra tích lũy kỹ năng từ thực tiễn, Ka Rêu thường xuyên tìm hiểu qua tài liệu trên mạng để làm giàu cho mình vốn tri thức dạy học. Tôi rất tán đồng với tâm niệm của cô Rêu về phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục DTTS, đó là bản thân GV ngoài nỗ lực trong chuyên môn còn tích cực, nhiệt tâm trong công tác chủ nhiệm. Đây là điều mà cô Rêu thường xuyên lui tới phụ huynh để nhận những tâm tư chia sẻ của họ cho mình và cả những đồng nghiệp khác. “Em đến với phụ huynh phần vì trách nhiệm mình là phân hiệu trưởng, phần khác rất thương học trò không học được là em buồn lắm”, Ka Rêu bộc bạch chân tình với tôi. 

Là GV, cô hiểu ngôn ngữ là phương tiện của tư duy, đặc biệt với HS DTTS bậc tiểu học càng cần phát triển vốn tiếng Việt thì mới tiếp thu bài giảng được. Cô Rêu vận dụng linh hoạt các phương pháp của mình bằng thông qua ngôn ngữ Mạ, để vừa tạo sự gần gũi, thân thiện với HS vừa phát triển tư duy cho các em thông qua nhiều hoạt động, từ giảng dạy trên lớp đến các hoạt động ngoài giờ... “HS phải coi cô giáo như người thân trong gia đình. Tạo sự gần gũi thì HS mới chia sẻ, tuy nhiên cần có sự nghiêm nghị trong đó, phải có khoảng cách giữa GV và HS”, cô Rêu nói. Các HS như K’Miệt, K’Tuấn, K’Quân và nhiều HS khác nữa đã được cô dìu bước trong hành trình đi tìm cái chữ thật cảm động. Những kinh nghiệm mà cô Ka Rêu đúc kết đã cho những quả ngọt về kết quả nâng cao chất lượng giáo dục cũng như duy trì chuyên cần trên lớp đối với HS là DTTS. Đây là thế mạnh của Ka Rêu được vận dụng sáng tạo. Nó đã trở thành đề tài của “Sáng kiến kinh nghiệm” cho cô trong các cuộc thi GV giỏi và được đánh giá xuất sắc. 

Cô giáo Ka Rêu nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt danh hiệu GV dạy giỏi, GV Chủ nhiệm giỏi và GV giỏi Nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp huyện các năm học và còn được chọn thi GV giỏi cấp tỉnh. Cô Ka Rêu còn là thí sinh đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi “Cán bộ công đoàn giỏi” do Liên đoàn Lao động huyện tổ chức; thí sinh kể chuyện hay nhất về Bác Hồ của Cụm 1 tại Cuộc thi “Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Huyện ủy Đạ Tẻh tổ chức... Tại Hội nghị Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cô Ka Rêu là một trong 13 cá nhân tiêu biểu toàn huyện được UBND huyện Đạ Tẻh trao tặng giấy khen.

Nguồn: Minh Đạo_baolamdong.vn

Lượt xem: 694
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 002363217
  •  Đang online: 56
  •  Trong tuần: 15.765
  •  Trong tháng: 27.447
  •  Trong năm: 351.626