TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Nét đẹp của một cựu giáo chức In trang
14/11/2019 03:23 CH

 

Ông kể tôi nghe, hàng năm cứ vào tháng mười một là ông nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, già có, trẻ có. 

Nhà giáo Nguyễn Xuân Lương
Nhà giáo Nguyễn Xuân Lương

- Anh ạ, hôm đó tôi đang nhặt cỏ ngoài vườn thì có tiếng chuông điện thoại reo. - Gương mặt bừng rạng rỡ, tươi vui, ông phấn chấn tâm sự - Tôi cầm máy lên nghe tiếng: “Dạ, a lô thầy phải không, thầy phải không?”. “Xin lỗi, anh là ai ạ?”. “Em đây, em đây, thầy không nhận ra em sao. Em, Kỷ lớp 10C ạ”. Lặng đi một lúc, tôi hỏi: “Anh… anh học khóa nào nhỉ”. Có tiếng cười khúc khích trong máy… Tôi bỗng thốt: “À, rồi, Kỷ “sao y” phải không?”. 

Ký ức ùa dậy, ông sôi nổi hẳn lên:

- Anh ạ, tôi không chủ nhiệm lớp Kỷ, nhưng tuần nào cũng “tiếp” cậu ta ở văn phòng trường. Lâu ngày không liên lạc vì em ấy tốt nghiệp phổ thông, đỗ đại học rồi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài ngay.

Tôi hỏi ông: “Kỷ “sao y” là thế nào ạ?”. Ông cười thành chuỗi: 

- Chuyện là thế này. Cậu ta rất thông minh nhưng lười học, giờ kiểm tra nào cũng tìm cách giở sách để chép, cả lớp gọi là “sao y bản chính” mà. 

Ông thổ lộ tiếp:

- Kỷ là học sinh cá biệt, được trường lớp rèn giũa nhiều. Nhưng tình thầy trò vẫn sâu đậm lắm. Cậu ấy nói, dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam tới sẽ về thăm tôi.

Người kể chuyện trên là nhà giáo đã nghỉ hưu gần mười tám năm nay, hiện đang giữ trọng trách Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Bao nhiêu người “qua sông” ngày xưa ấy vẫn nhớ hoài về “người lái đò” cần mẫn - Nhà giáo Nguyễn Xuân Lương…

* * *

Ông quê miền chiêm trũng thuộc thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Tốt nghiệp trung học sư phạm, nhưng chưa bằng lòng, ông xin học tiếp Đại học Sư phạm I (Khoa Văn, Sử, Địa) tại Hà Nội. Thời ấy đi học nhiều gian nan lắm, ăn đói, mặc rách nhưng vẫn lạc quan “đội bom đi học”.

 

Xuân Trường là vùng đất văn hiến và là quê hương của nhiều nhà hoạt động cách mạng xuất sắc… đã truyền cho ông tình yêu đất nước và tình yêu văn chương. Mười lăm năm dạy học trên quê hương (1961 - 1985) ông đã truyền cảm hứng và đào tạo nhiều thế hệ học sinh xuất sắc trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Năm 1986 chuyển công tác vào huyện Đạ Tẻh, gia đình đông con, lại ở xa thị trấn gần 10 cây số - xã Đạ Pal ngày nay. Nhưng với chiếc xe đạp cũ, sáng tinh mơ ông đã ra chợ huyện mua mớ rau con cá giúp vợ, rồi đến trường dạy học. Trưa về phụ vợ làm bếp, cơm nước xong xuôi, ông lại “xe ta bon nhanh trên dặm đường” cho kịp giờ buổi chiều. Bao nhiêu năm lăn lộn, gắn bó với sự nghiệp trồng người, khi là giáo viên Trung học cơ sở Triệu Hải, lúc làm cán bộ Phòng Giáo dục - Nhà trẻ, rồi làm cán bộ quản lý - Hiệu phó (1988 - 1993) và Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đạ Tẻh (1993 - 2003)… song ông luôn sống giản dị, làm việc cần cù, được cha mẹ học sinh tin tưởng, học trò mến yêu, kính trọng. Bao lớp học trò của ông, có rất nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực của đời sống như: Chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, nghiên cứu khoa học… đều luôn nhớ đến ông, coi ông là “người cha thứ hai” của mình.

Rời mái trường thân yêu, rời những kỷ niệm của bao mùa hoa phượng đỏ, thầy giáo Nguyễn Xuân Lương được Huyện ủy Đạ Tẻh lần lượt trao cho các nhiệm vụ: Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi của huyện (2003 - 2007), Chủ tịch Hội Cựu giáo chức (2012 đến nay). Tôi hỏi:

 

- Là nhà giáo có nhiều năm gắn bó trên bục giảng, nay ở cương vị mới, ông thấy vai trò của Hội Cựu giáo chức trong đời sống như thế nào?

- Anh ạ, danh từ “giáo chức” xuất hiện trong cuộc đấu tranh của các nhà giáo và học sinh miền Nam chống chế độ ngụy quyền Sài Gòn, phát triển mạnh mẽ ở các vùng đô thị trước năm 1975. Theo nguyện vọng của đông đảo nhà giáo đã nghỉ hưu, Đảng và Nhà nước ta cho thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu hoặc chuyển ngành, được thành lập từ tháng 7 năm 2004. Suy cảm như vậy để thấy rằng Nhà giáo Việt Nam và Cựu giáo chức Việt Nam là cùng một truyền thống phát triển trong dòng chảy của đất nước và dân tộc. Nghĩ về cựu giáo chức là nghĩ về những nhà giáo đã qua cả quãng đời giáo dục và dạy học, toàn tâm và toàn đức cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước.

Nhiều năm công tác quen biết ông, tôi được biết lắm người cũng chưa hiểu rõ Hội Cựu giáo chức làm gì, ông thường xuyên gặp gỡ, tâm tình và giảng giải: “Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là cùng ngành Giáo dục - Đào tạo thực hiện “4 cùng”. Đó là cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục, cùng bàn giải pháp đổi mới, cùng tổ chức một số hoạt động có liên quan và cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức hoặc nghỉ hưu. Nghe ông chia sẻ, nghĩ về những việc ông làm mới thấy cái tâm cái đức của thầy gửi gắm vào cuộc sống kể từ ngày về hưu. Hội Cựu giáo chức huyện Đạ Tẻh do ông lãnh đạo có tính gương mẫu khá rõ trong Hội Người cao tuổi và trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bởi tính trí tuệ, văn hóa mẫu mực của nhiều nhà giáo lão thành luôn luôn được cộng đồng nể trọng. Mặt khác, Hội còn là lực lượng chủ yếu và nòng cốt của Hội Khuyến học. Hầu hết các cán bộ chủ chốt của Hội Khuyến học là cựu giáo chức hoặc chiếm tỷ lệ cao nhất bởi khuyến học là việc làm vốn đã gắn bó sâu đậm với các nhà giáo từ khi mới vào nghề.

* * *

Ở tuổi gần tám mươi (sinh 1942) nhưng sức làm việc của nhà giáo Nguyễn Xuân Lương thật đáng nể. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức tỉnh Lâm Đồng từ 2012, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4A, thị trấn Đạ Tẻh bốn khóa liền (2013 đến nay). Chi bộ do ông đứng đầu liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng bằng khen về mười năm thực hiện chuyên đề “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2008 - 2018”. Các đồng chí thường trực Đảng ủy thị trấn Đạ Tẻh vừa nhận xét vừa tự hào về ông:

- Ông Nguyễn Xuân Lương hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Năm 2004, ông được tham dự Hội nghị Biểu dương người cao tuổi tiêu biểu trên lĩnh vực Giáo dục - Y tế do Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức. Cũng năm đó, tại Hà Nội, ông lại được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam biểu dương là một trong năm gia đình khuyến học của tỉnh Lâm Đồng.

Tôi được biết thêm, trong năm 2018, ông còn giành giải nhất Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi cấp huyện rồi cấp tỉnh. Là một trong 88 gương xuất sắc về giáo dục của khối đại đoàn kết toàn dân được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng biểu dương.

Có hai điều mà bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp… sống quanh ông đều ghi nhận là: Ông rất tận tình, thủy chung với người vợ cùng làm nghề giáo đã nghỉ hưu - bà Nguyễn Thị Xô. Nhiều năm nay, sức khỏe bà giảm sút, đi lại không vững, phải ngồi xe đẩy. Mọi việc trong nhà từ chợ búa, tắm giặt, cơm nước… đều tự tay ông đảm nhận. Ra khỏi nhà là lao vào việc chung, về tới nhà là chăm cho vợ và ông không một lời kêu ca, phàn nàn. Một tấm gương sáng trong, cho con cháu noi theo và bất cứ ai, người được học ông, người ngang tuổi hay hơn tuổi ông, cả người không được học ông… đều trân trọng gọi ông là “Thầy Lương”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, một vinh dự lại đến với thầy Lương khi ông là một trong ba người thay mặt cho hàng trăm cựu giáo chức tỉnh Lâm Đồng được bình chọn là đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu giáo chức Việt Nam lần thứ IV tổ chức từ ngày 10 đến ngày 13/11/2019 tại Hà Nội.

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 1.914
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003027955
  •  Đang online: 186
  •  Trong tuần: 9.475
  •  Trong tháng: 79.364
  •  Trong năm: 79.364