Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình thiết thực, sáng tạo trong xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, qua đó đã phát huy được vai trò của nông dân, lan tỏa trong cộng đồng những việc làm ý nghĩa. Đến nay, 100% cơ sở Hội trên địa bàn huyện đã và đang duy trì, xây dựng 35 mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Cụ thể: 10 mô hình thu gom vỏ lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng kênh mương; 09 mô hình trồng cây bóng mát đường quê; 09 mô hình biến rác thành tiền; 03 mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò; 02 mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; 01 mô hình nhà rác thân thiện với môi trường; 01 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt...
Hội viên chi hội Biến rác thành tiền mang chai nhựa thu gom tại gia đình tập kết về hội trường thôn
Nhận thấy vẫn còn tình trạng vứt các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng bừa bãi trên các đồng ruộng, kênh mương, tháng 5/2016 Hội Nông dân huyện đã thành lập 10 mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại 9/9 cơ sở Hội. Hỗ trợ kinh phí mua 96 bi cống có kích thước chiều cao 1,2m, chiều rộng 0,8m, có nắp đậy đặt tại các tuyến đường nội đồng. Trong các buổi sinh hoạt chi hội, Hội tuyên truyền cho bà con nông dân rác thải thuốc BVTV đã qua sử dụng vào trong các bi cống tránh ô nhiễm môi trường. Hàng tháng, Hội tổ chức đi thu gom các vỏ bao bì từ các bể chứa để đưa đi tiêu hủy theo quy định. Nhờ vậy, đồng ruộng không còn vỏ bao bì thuốc BVTV. Cách làm này giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường.
Hội viên xã An Nhơn ra quân dọn Vệ sinh môi trường
Ngay từ gia đình hội viên, việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường cũng được các cấp Hội tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện. Các loại rác thải phân hủy được thì Hội hỗ trợ mua thùng nhựa về ủ làm phân bón và xây dựng mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón”; các loại rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy sẽ tập kết lại cho một hội viên đứng ra thu mua và thành lập mô hình “Biến rác thành tiền”, số tiền thu được từ mô hình là 14.320.000 đã hỗ trợ cho 01 hội viên khó khăn và mua sách vở cho 35 cháu là con em hội viên nghèo hiếu học. Ông Trần Đức Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Pal cho biết: xã chúng tôi có 5 chi hội, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho hội viên tham gia công tác bảo vệ môi trường, đã có 4/5 chi hội xây dựng mô hình “Biến rác thành tiền” và được hội viên nông dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia.
Hướng dẫn hội viên cách ủ phân
Phát huy vai trò trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã phát động phong trào trồng cây gây rừng và triển khai xây dựng mô hình “Trồng cây bóng mát đường quê”. Từ năm 2017 đến nay, 100% cơ sở Hội đã triển khai và trồng được 2.416 cây (sao và dầu) với tổng chiều dài 24,6 km tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn các xã, thị trấn, khuôn viên nghĩa trang, nhà văn hóa các thôn. Bên cạnh đó, hội viên nông dân tích cực tham gia hưởng ứng trồng 3,592 triệu cây xanh do UBND huyện phát động; cùng với toàn dân ra quân vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật tuần đầu tiên hàng tháng; nạo vét kênh mương, cắt tỉa hàng rào cây xanh với hàng ngàn ngày công lao động tham gia mỗi đợt. Ngoài ra, Hội còn đảm nhận việc trồng và chăm sóc 24.000m các tuyến đường hoa cỏ lạc, hoa hoàng yến, hoa huỳnh anh, hoa mẫu đơn, hoa mai vàng...Nguồn kinh phí một phần xin hỗ trợ ngân sách, một phần vận động trong cán bộ, hội viên đóng góp, số còn lại trích một phần kinh phí hoạt động trong năm.
Mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón
Nhằm đổi mới tư duy và thay đổi tập quán trong chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn của bà con dân tộc phía bắc để bảo vệ sức khỏe đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, Hội đã triển khai xây dựng mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò tại thôn 5 xã An Nhơn và tổ dân phố 8A thị trấn Đạ Tẻh với quy mô 30 chuồng trại và 30 hộ dân tham gia. Quy cách cụ thể: hố phân xây bao bằng gạch xung quanh và tô với chiều dài 3,5 m; chiều rộng 2 m; chiều sâu 0,5m; chiều cao 1,5m; có mái che. Tổng kinh phí thực hiện 180.200.000 đồng, trong đó Hội hỗ trợ 100.200.000đ, nông dân đóng góp 80.000.000đ. Ông Triệu Văn Phổ xã An Nhơn phấn khởi nói. “Gia đình tôi có 5 con trâu, sau khi được cán bộ Hội Nông dân huyện hướng dẫn, gia đình tôi và nhiều hộ khác đã xây dựng chuồng trại theo đúng quy cách để xử lý chất thải của đàn trâu. Từ khi có chuồng trại, mùi hôi thối và ruồi, muỗi do chất thải của đàn trâu gây ra đã giảm đáng kể”.
Một buổi thu gom bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng của hội viên nông dân xã Triệu Hải
Hiện nay, Hội Nông dân huyện quản lý 7.192 hội viên, 09 cơ sở hội trực thuộc, mỗi cơ sở hội với những cách làm khác nhau, phù hợp với từng địa bàn để phát huy được lợi thế của địa phương trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường. Những việc làm thiết thực, những hiệu quả thực tế mà các mô hình đem lại có ý nghĩa rất lớn, có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng sâu rộng, kêu gọi nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng làng xanh, ngõ sạch, đường đẹp. Qua đó khẳng định được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh ở địa phương.
Ra quân trồng tuyến đường hoa của Hội ND xã Đạ Pal
Tham gia trồng cây phân tán
Tuyến đường hoa cỏ lạc Hội nhận trồng và chăm sóc
Cao Thủy