TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Nông thôn mới nhìn từ buôn làng nhỏ In trang
20/09/2023 09:12 SA

Phải khẳng định rằng nông thôn mới (NTM) không chỉ là đầu tư điện, đường, trường, trạm… mà chính là thay đổi đời sống của Nhân dân, lấy người dân làm chủ thể. Tại thôn Tố Lan (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) những năm về trước, cuộc sống của người dân còn bấp bênh, bữa đói bữa no. Thế rồi… cán bộ, đảng viên, chính quyền địa phương lên tận rẫy đồi; tra từng giống tre tầm vông; hỗ trợ con giống chăn nuôi. Nhờ đó, đói, nghèo đã dần bị đẩy lùi trên buôn làng Mạ bản địa; một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, khởi sắc mọi mặt…

Sản phẩm nội thất, phục vụ nghỉ dưỡng đậm chất núi rừng của thôn Tố Lan

 

TỪ TRỒNG CÂY ĐẾN LÀNG NGHỀ

Tôi đến thôn Tố Lan khá nhiều trong mỗi dịp công tác; người dân địa phương vẫn quen gọi là buôn, buôn làng của đồng bào Mạ bản địa ở Nam Tây nguyên. Nhiều lần hỏi thăm, lần dở về tên của buôn; một số người già nơi đây cho biết, tên Tố Lan có thể xuất phát từ một ngọn đồi cao có cây bông gòn nở hoa trắng ở trên đó… Mọi người sống quây quần bên nhau, bên ngọn đồi, bên cây bông gòn này.

Theo các bậc cao niên trong buôn làng, ngày trước, đời sống của người dân còn vất vả, khó khăn; bữa đói bữa no vì căn bản không có nguồn thu nhập ổn định, cách thức làm ăn cũng manh mún, không tập trung.

Năm 2012, thực hiện kế hoạch của UBND huyện Đạ Tẻh về phát triển sản xuất, cải thiện đời sống tại thôn Tố Lan giai đoạn 2013 - 2015; cây tre tầm vông bắt đầu được trồng tại buôn. Một chặng đường đầy gian nan để tầm vông bén rễ… cho đến hình thành xưởng, làng nghề như hiện nay.

Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Trong năm 2013, UBND xã An Nhơn xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển 30 ha tre tầm vông tại thôn Tố Lan. Chính quyền địa phương đã tiến hành giải tỏa đất và giao được 24,68 ha cho 18 hộ với tổng số 13.391 cây tre tầm vông. Trồng xong nhưng qua kiểm tra thực tế thì tre tầm vông phát triển kém, có đến 10.713 cây chết; nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, trồng trái vụ, chất lượng cây giống không đảm bảo, công tác bảo quản, chăm sóc diện tích tre tầm vông của một số hộ chưa thực sự sâu sát.

Khó khăn là vậy, 13.391 gốc tre tầm vông chỉ sống được 2.660 gốc nhưng trong gian nan càng sáng ngời ý chí quyết tâm thay đổi đời sống của bà con Nhân dân trong thôn. Những gò đồi cao chẳng lẽ lại bỏ phí cho lau lách, cây bụi, cỏ dại. UBND xã An Nhơn đã mời 18 hộ dân họp bàn về kế hoạch trồng lại tầm vông, các hộ dân đều đồng thuận, quyết tâm cao cùng với chính quyền địa phương. Phương án thay thế cây tầm vông giống rễ trần bằng gốc ươm trong bầu được áp dụng. Nông hộ trực tiếp tham gia phải được tập huấn, tuân thủ mọi sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, khi đánh giá được kết quả sẽ tổ chức hội thảo tổng kết mô hình cho bà con xung quanh đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng.

Trong lần trồng tầm vông thứ 2 này, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên huyện Đạ Tẻh, xã An Nhơn trực tiếp tham gia. Những ngọn đồi rộn vang tiếng cười cho dù ai nấy cũng thấm đẫm mồ hôi, hy vọng một mai “có một cây là có rừng”. Đất không phụ công người, tầm vông đã bén rễ, xanh tốt. Đến nay, diện tích tầm vông của thôn là 50 ha với 43 hộ trồng. 

Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề trồng, chế biến tre tầm vông tại thôn Tố Lan. Năm 2022, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ làng nghề với 28 máy để sản xuất gồm: máy chẻ ống tre, máy phóng nan tre, máy cưa tay. Làng nghề tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động có thu nhập ổn định 7,5 triệu đồng/tháng và 45 lao động thời vụ tham gia. 

Một tín hiệu đáng mừng trong những tháng đầu năm 2023 này khi Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Tố Lan đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp S - Green với 43 hộ dân. Số tiền thu mua sản phẩm tre tầm vông 2 đợt đầu năm ở thôn là trên 500 triệu đồng. Công ty này cũng đang thực hiện dạy nghề chế biến tre tầm vông cho bà con.

Ông Ngụy Văn Tiên - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp S - Green cho biết thêm rằng, hiện nay, đơn vị đang sản xuất các sản phẩm nội thất, phục vụ nghỉ dưỡng cho thị trường trong và ngoài nước từ sản phẩm tre tầm vông. Ngoài ra, công ty còn thực hiện các homestay, nhà bungalow từ loại vật liệu đặc biệt này. 

ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ CHO BÀ CON

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ của buôn Tố Lan còn mạnh dạn nuôi heo rừng lai để phục vụ thị trường. Trong năm 2022, vợ chồng anh K’ Kiểm và chị Ka Biểu đã thu được trên 50 triệu đồng từ nuôi heo. Chị Ka Biểu chia sẻ: “Ngày thường thì giá heo hơi khoảng 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/kg, dịp Tết Nguyên đán thì giao động từ 120 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/kg. Đã có nhiều người gọi điện đặt mua trước, vì vậy vợ chồng tôi chăm sóc đàn heo tỉ mỉ để làm hài lòng khách hàng. Ngoài ra, gia đình cũng đang nuôi heo rừng lai sinh sản để cung cấp con giống cho các hộ dân ở địa phương”.

Là một vùng đồi núi, thức ăn từ cây cỏ có sẵn; thôn Tố Lan có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi dê. Từ 5 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, gia đình anh K’ Đô đã phát triển đàn dê lên đến 30 con, gia đình có thu nhập ổn định từ việc bán dê giống và dê thịt.

Ông Bùi Trung Văn - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn trước đây từng làm công tác khuyến nông của huyện Đạ Tẻh phân tích: Thôn Tố Lan có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Riêng về trồng trọt thì đến nay cây tre tầm vông đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Còn việc chăn nuôi heo rừng lai, chăn nuôi dê cũng bước đầu hình thành, một số gia đình đã có thu nhập ổn định. Cuối năm 2023 này, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm cho bà con Nhân dân 5,6 sào đất bãi bồi ven suối thích hợp cho trồng cây dâu đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hiện nay, giống cây dâu cũng đang được cơ quan chức năng tính toán để phòng trừ các bệnh, đặc biệt là bệnh tuyến trùng.

Đến thôn Tố Lan hôm nay, sự thay đổi rõ rệt về kinh tế - xã hội là điều rất dễ nhận thấy; người người, nhà nhà tích cực lao động sản xuất; xưởng tre tầm vông hoạt động nhộn nhịp trong ngày mùa khai thác. Gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho bà con, bản sắc, truyền thống văn hóa được phát huy; hủ tục, lạc hậu, đói nghèo rời xa buôn làng.

Nói về sự thay đổi của thôn Tố Lan, Trưởng thôn K’ Mưn cảm nhận: Thôn có 93 hộ dân, trong đó đa phần là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống bà con thay đổi hẳn về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, nhiều gia đình khá giả, thôn hình thành được làng nghề, có cả xưởng sản xuất. Ai ai cũng chung niềm vui vì NTM khởi sắc từng ngày. Toàn thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, bà con đang phấn đấu để không còn hộ nghèo trong thời gian tới. 

TỨ ĐỨC (Baolamdong.vn)

Lượt xem: 563
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003117284
  •  Đang online: 72
  •  Trong tuần: 34.928
  •  Trong tháng: 129.473
  •  Trong năm: 1.105.693