TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Pal và bước chuyển mình In trang
23/05/2023 08:38 SA

So với những địa phương khác của huyện Đạ Tẻh, Đạ Pal vẫn còn đó một số khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường của những năm về trước, Đạ Pal hôm nay dần “thay da đổi thịt” với những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho bà con Nhân dân.

Tranh thủ những ngày nông nhàn, chị Huê lại đưa tằm chín lên né

 

KHÁT VỌNG THAY ĐỔI Ở MỘT VÙNG QUÊ

Như để minh chứng cho sự đổi thay của Đạ Pal, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal Trịnh Văn Khả dẫn chúng tôi “mục sở thị” một số công trình trọng điểm, mô hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Trên đường đi, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal tự hào khoe rằng: “Bây giờ bà con trong này làm kinh tế giỏi lắm, đặc biệt là nghề trồng dâu nuôi tằm ngày càng phát triển. Bởi đây là nghề truyền thống của bà con từ những ngày đầu đi làm kinh tế mới”.

Theo chị Nguyễn Thị Huê, thôn Xuân Châu, dựa vào lợi thế của gia đình chồng có nghề trồng dâu nuôi tằm để lại từ 30 năm nay, gia đình chị quyết tâm theo đuổi nghề truyền thống của gia đình. “Nông dân xã Đạ Pal ngoài sản xuất lúa, trồng khoai, sắn, cây ăn quả, chăn nuôi…, thì trồng dâu nuôi tằm vẫn được bà con gìn giữ và chỉ xem là nghề phụ, mãi cho đến về sau, khi bà con đã biết trồng giống mới cho năng suất, chất lượng cao, giá kén tằm đi vào ổn định. Nghề “ăn cơm đứng” nàyđược người dân phát triển và trở thành thu nhập chính trong gia đình”, chị Huê tâm sự.

Đến nay, gia đình chị Huê đang trồng hơn 6,5 sào dâu để phục vụ cho việc nuôi tằm. Thông thường vợ chồng chị sẽ thu từ 3 đến 4 hộp/đợt, giá bán kén tằm tùy thuộc vào thị trường lúc đó. Trung bình gia đình chị Huê có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng là 1.725 ha, tăng 49 ha so với đầu nhiệm kỳ và đạt 93,24% nghị quyết Đảng bộ xã; trong đó, cây hàng năm 52 ha; dâu 212,6 ha; tiêu 9,75 ha; điều 596,53 ha; cà phê 380,4 ha; chè 27,2 ha; cao su 56,2 ha; cây ăn trái 236,5 ha; cây keo lai 80 ha.

Những năm qua, xã Đạ Pal luôn xác định cây dâu là cây trồng chủ lực nên địa phương tích cực định hướng người dân tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích dâu tằm trên địa bàn. Riêng sản lượng kén tằm 320 tấn tăng 80 tấn, đạt 91,4% so với nghị quyết.

Để giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương vận động người dân thực hiện tốt việc giảm dần diện tích vườn điều, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng ngắn ngày theo nhu cầu thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất.

Cũng trong thời gian này, với mong muốn sản phẩm của người dân có đầu ra ổn định và gầy dựng nên thương hiệu riêng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận nông sản và sản phẩm OCOP tiếp tục được địa phương quan tâm.

NỖ LỰC CHO NHỮNG KỲ VỌNG

“Là tiền thân của xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh), năm 2003, xã Đạ Pal được hình thành. Không còn những khó khăn, vất vả từ nhiều năm trở về trước, vóc dáng nông thôn mới trù phù và tràn đầy nhựa sống ở Đạ Pal ngày càng rõ nét. Bởi những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân đã được minh chứng qua những con số ấn tượng đã đạt được từ các chỉ tiêu đã đặt ra trong từng nhiệm kỳ”, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal khẳng định.

Từ sự quan tâm của cấp trên, của lãnh đạo huyện và phát huy nội lực của địa phương, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã Đạ Pal đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở.

Từ những kết quả thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2023 như con số “biết nói” đã minh chứng cho sự phát triển của Đạ Pal. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đạt 101 triệu đồng/ha; tổng diện tích gieo trồng 1.725 ha; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 còn 11 hộ, đạt 1,46%; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 96%; thôn văn hóa đạt 5/5 thôn; Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 98,5%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội luôn thực hiện tốt, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Đặc biệt, trong thực hiện các công trình trọng điểm, địa phương đã xây dựng và hoàn thành tuyến đường giao thông nông thôn Xuân Thành - Xuân Châu trong năm 2022 với chiều dài 1.358 m với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2020 - 2022, Đạ Pal được đầu tư xây dựng bê tông hóa và cứng hóa 11 tuyến đường giao thông nông thôn với nguồn kinh phí 20,439 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước đầu tư 10,540 tỷ đồng và Nhân dân đóng góp 9,899 tỷ đồng. Song song với đó, công trình xây dựng tuyến đường Xuân Thành - cống hộp Xuân Châu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2023 - 2025.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân, của những hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã Đạ Pal dần được cải thiện và nâng cao. Những ngôi nhà tạm bợ ngày nào, nay đã vươn mình trở thành nhà tường, mái ngói và miếng cơm manh áo giờ đây không còn là nỗi lo thường trực của bà con trong xã.

THÂN THU HIỀN (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 664
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003029535
  •  Đang online: 89
  •  Trong tuần: 11.055
  •  Trong tháng: 80.944
  •  Trong năm: 80.944