TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh tiếp tục các mục tiêu phát triển nông nghiệp In trang
18/05/2023 11:22 SA

Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là kim chỉ nam để huyện Đạ Tẻh thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở nhìn nhận rõ tình hình thực tiễn, địa phương này tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp trong năm 2023.

Huyện Đạ Tẻh đang hoàn tất các thủ tục để cấp chứng nhận nhãn hiệu Bưởi da xanh. Ảnh: Hồng Thắm

 

Ngành Nông nghiệp hiện chiếm khoảng 42,3% trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện Đạ Tẻh. Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp ước đạt trên 6%.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện, tổng diện tích gieo trồng đạt 23.509 ha. Trong đó có trên 851 ha đã được chứng nhận VietGAP, 19 ha được công nhận sản xuất thông minh và 12 ha sản xuất hữu cơ. Hiện, trên địa bàn có 571 ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 105,2 triệu đồng/ha.

UBND huyện Đạ Tẻh đánh giá, ngành Nông nghiệp của địa phương phát triển ổn định. Cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh diện tích cây trồng có giá trị gia tăng cao, giảm dần những diện tích có giá trị sản xuất thấp, không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh để tăng nhanh hiệu quả, năng suất, chất lượng; hình thành các khu vực chuyên canh cao su, dâu tằm, cây ăn trái, lúa nếp quýt gắn với an toàn thực phẩm, đạt các tiêu chuẩn GAP để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển thương hiệu, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cạnh tranh, nhu cầu xuất khẩu cao (cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng, xây dựng thương hiệu Bưởi da xanh Đạ Tẻh, hình thành các chuỗi liên kết gắn với phát triển hợp tác xã, phát triển các loại nông sản đạt OCOP, đẩy mạnh chế biến nông sản như cấp đông sầu riêng, ươm tơ…).

Năm 2023, huyện Đạ Tẻh đặt mục tiêu, nâng tổng diện tích gieo trồng lên trên 24 ngàn ha; phấn đấu đưa giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 110 triệu đồng; chuyển đổi vườn điều, vườn tạp hiệu quả thấp khoảng 300 ha; phấn đấu tổng diện tích được cấp mã số vùng trồng khoảng 930 ha (lúa 260 ha; sầu riêng 670 ha); diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.100 ha (sử dụng giống, hệ thống tưới tiết kiệm, cơ giới hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…); đưa vào thử nghiệm một số giống dâu tằm mới để đánh giá sự thích ứng và khả năng kháng sâu bệnh; kiểm soát không để bệnh tuyến trùng lây lan…

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, trên cơ sở nhìn nhận những thực tiễn đang đặt ra và những chỉ đạo chung của UBND huyện, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Nông nghiệp địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục phát triển đúng hướng.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, huyện Đạ Tẻh đang tiếp tục chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng cây ngắn ngày như bắp, bí đỏ, rau màu, dưa hấu… tại các xã Đạ Lây, Đạ Kho, An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh. Phát triển khu vực sản xuất lúa nếp quýt, lúa chất lượng cao với quy mô từ 1.600 - 1.800 ha tại các xã An Nhơn, Đạ Kho, Triệu Hải. Mở rộng diện tích lúa sản xuất đạt các tiêu chuẩn GAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó phát huy vai trò trung tâm trong liên kết của các hợp tác xã sản xuất lúa.

Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh cũng đang khuyến khích bà con nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích vườn điều, vườn tạp kém hiệu quả, giá trị kinh tế thấp để chuyển sang trồng cây trồng khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, chất đất, quy hoạch. Tiếp tục phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Năm 2023 địa phương này đưa vào thử nghiệm 4 - 5 ha giống dâu mới để đánh giá năng suất và khả năng kháng sâu bệnh; hỗ trợ cải tạo xây dựng vườn dâu mẫu an toàn dịch bệnh (25 ha); hỗ trợ chuyển đổi vườn dâu bị bệnh tuyến trùng nặng sang cây trồng khác (35 ha).

Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: xây dựng các mô hình điểm về nông nghiệp để tuyên truyền cho bà con tự sản xuất. Chăm sóc khu vực cao su tập trung, tre tầm vông, dâu tằm… Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện liên kết sản xuất. Triển khai có hiệu quả các mô hình khuyến nông về trồng trọt nhằm đa dạng hóa cây trồng, góp phần đa dạng hóa sinh kế, tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân.

Huyện Đạ Tẻh cũng đã tiến hành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện lên sàn giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện hồ sơ, thủ tục nhằm cấp mã vùng trồng đối với các cây trồng chủ lực, giá trị kinh tế cao và có khả năng xuất khẩu. Đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản: Hoàn tất các thủ tục để cấp chứng nhận nhãn hiệu Bưởi da xanh Đạ Tẻh; phát triển mới các sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, đối với các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP có kế hoạch để phát triển nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với liên kết sản xuất. Xây dựng kế hoạch phát triển thêm 1 chứng nhận nhãn hiệu nông sản cho Đạ Tẻh.

NGỌC NGÀ (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 750
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003233454
  •  Đang online: 152
  •  Trong tuần: 1.776
  •  Trong tháng: 73.442
  •  Trong năm: 1.221.863