TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Khu điều trị Covid-19 Đạ Lây - Những ngày không quên In trang
09/07/2021 03:29 CH

Những ngày đầu tháng 7, cái nắng của ngày hè cộng với những ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện khiến vùng đất Đạ Tẻh trở nên nóng hơn bao giờ hết. Điểm nóng nhất có lẽ là tại khu cách ly, điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 được thiết lập theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Khuôn viên trạm y tế được trưng dụng làm khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại huyện Đạ Tẻh
Khuôn viên trạm y tế được trưng dụng làm khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại huyện Đạ Tẻh

 

Chúng tôi không đơn độc

Được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Đạ Tẻh, tôi được phép tiếp cận khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại một trạm y tế cũ trên địa bàn xã Đạ Lây, nơi đang điều trị cho 6 bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. 

Để giữ an toàn cho phóng viên trong lúc tác nghiệp, đội ngũ cán bộ khu hậu cần Đạ Lây cũng đã chuẩn bị sẵn một bộ đồ bảo hộ chuyên biệt. Trong khi đó, bác sĩ Bế Thị Lan Hương - Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh đứng từ xa, tận tình hướng dẫn cho phóng viên các trình tự để mặc một bộ đồ bảo hộ đúng cách. Từ khâu vệ sinh tay, mang bao giày, vệ sinh tay trước khi mặc bộ quần áo choàng liền quần, rồi lại vệ sinh tay trước khi đeo khẩu trang, mắt kính, đội mũ và đeo găng tay.

Những câu chuyện bị ngắt giữa chừng với bộn bề công việc. Mọi người không ai nói với nhau nhiều. Họ hạn chế tiếp xúc gần để tránh lây nhiễm nhất có thể.

Khu điều trị trưng dụng một trạm y tế cũ của xã Hương Lâm đã ngưng hoạt động kể từ sau khi xã Hương Lâm sáp nhập vào xã Đạ Lây. Khác với vẻ đìu hiu của những ngày bình thường, từ khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện được đưa về điều trị tại đây, mọi công việc diễn ra tại dãy nhà 2 tầng của trạm y tế này trở nên hối hả hơn. Từ những y bác sỹ lần đầu tiên đặt chân đến đây làm nhiệm vụ đến những người làm công tác hậu cần – ai nấy đều có những nỗi niềm riêng. Nhưng xao động nhất có lẽ là 6 F0 được đưa đến đây cách ly điều trị. 

Đối diện trực tiếp và làm công tác điều trị cho ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ Bế Thị Lan Hương không khỏi lo lắng, hồi hộp và căng thẳng. Nhưng rồi, những băn khoăn và lo lắng ban đầu ấy cũng nhanh chóng biến mất, thay vào đó là là trọng trách, là tinh thần trách nhiệm làm hết mình của một người bác sĩ đứng trước một nhiệm vụ mới. 

Trên chiếc bàn đơn sơ, bác sĩ Lan Hương chăm chú ghi chép tỉ mỉ, lật xem từng hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Phút chốc, đôi mắt chị lại dán vào màn hình máy tính kèm tiếng lóc cóc gõ bàn phím để nhập các dữ liệu của bệnh nhân, nhằm kịp thời báo cáo về Trung tâm Y tế huyện và tuyến trên.

Theo bác sĩ Hương, đa phần 6 ca bệnh mắc Covid-19 đang chữa trị tại đây những ngày qua đều đang ở mức độ nhẹ. Đây được coi là một trong những thuận lợi trong công tác điều trị. Chỉ duy nhất bệnh nhân số 20534, khi nhập khu điều trị ngày 5/7 là có triệu chứng bị cảm và sốt khá cao. Bệnh nhân cũng có bệnh nền là tiểu đường và tăng huyết áp. 

Tuy nhiên, nhờ can thiệp, điều trị kịp thời, chỉ sau vài ngày nhập khu điều trị, các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở của các bệnh nhân đều ghi nhận chuyển biến rõ rệt. Hiện, sức khỏe của cả 6 bệnh nhân đều đang duy trì ổn định. 

Dù vậy, đội ngũ y, bác sĩ vẫn xác định không được chủ quan. Ngoài việc tuân thủ các phác đồ, quy định của Bộ Y tế, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tại khu điều trị cũng luôn chú trọng cá thể hóa trên từng người bệnh để có có liệu trình phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. 

Ở một góc làm việc khác, bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Chiến cùng cộng sự là điều dưỡng Phan Bảo Quốc đang cùng nhau xem xét kết quả phim X-Quang của các bệnh nhân trước giờ thăm khám. Anh Chiến và anh Quốc được Sở Y tế Lâm Đồng điều động từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đến Đạ Tẻh từ ngày 4/7 để tăng cường, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn. 

Bác sĩ Chiến cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các bệnh nhân đều có diễn biến sức khỏe tốt. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa khu điều trị dã chiến bớt gánh lo. Bởi, ngoài nhiệm vụ chữa trị cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải chăm sóc sức khỏe an toàn cho người ở trong khu cách ly. 

Bác sĩ Bế Thị Lan Hương cẩn thận ghi chép bệnh án, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mỗi bệnh nhân
Bác sĩ Bế Thị Lan Hương cẩn thận ghi chép bệnh án, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mỗi bệnh nhân

 

“Kể từ lúc tôi đặt chân đến đây, khu vực điều trị đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, thuốc men, trang bị phòng hộ… để đảm bảo bệnh nhân được theo dõi liên tục, xử trí, cũng như cấp cứu nhanh chóng theo từng diễn biến của bệnh. Ngoài ra, phác đồ điều trị cần phải đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo... Hơn nữa, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân dương tính, các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý luôn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện của tuyến trên” - Bác sĩ Chiến cho hay.  

Áp lực chữa trị về bệnh lý cho các bệnh nhân rồi cũng tạm qua đi, nhưng yếu tố tâm lý của 6 F0 được đưa đến đây cách ly điều trị cũng rất cần được quan tâm. Một bệnh nhân đã tâm sự với cán bộ y bác sĩ ở nơi đây rằng: “Điều trị bệnh tại đây, được quan tâm, chăm sóc đặc biệt, tôi đặt niềm tin mình sẽ chiến thắng bệnh tật. Nhưng hàng ngày, đọc các tin tức trên các phương tiện truyền thông khiến tôi rất sợ, sợ những điều tiếng và kỳ thị bên ngoài đối với những người nhiễm bệnh như chúng tôi và gia đình. Cũng giống như tất cả mọi người, chúng tôi cũng không bao giờ mong muốn mình mắc phải Covid-19”.

Chính vì vậy, theo bác sĩ Lan Hương, ngoài chữa trị về mặt bệnh lý, những người bệnh nhân nơi đây cũng rất cần được chữa trị về tâm lý. Trong thời gian điều trị cách ly, từ các bác sĩ đến các y tá đều rất quan tâm, động viên bệnh nhân. 

“Đối với những người y, bác sĩ như chúng tôi, bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ không đơn độc trong những ngày cách ly. Tôi cũng không phân biệt làm việc ở đâu, điều trị bệnh thông thường hay Covid-19, chúng tôi luôn dốc hết sức, hết lòng với mong muốn bệnh nhân mau chóng hồi phục. Đó là niềm hạnh phúc không riêng gì những người làm công tác chuyên môn mà cả những người đang điều trị tại đây” - Bác sĩ Hương chia sẻ.  

Bác sĩ Đỗ Văn Chiến cùng cộng sự là điều dưỡng Phan Bảo Quốc trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, đang xem xét X-Quang phổi của bệnh nhân
Bác sĩ Đỗ Văn Chiến cùng cộng sự là điều dưỡng Phan Bảo Quốc trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, đang xem xét X-Quang phổi của bệnh nhân
Để được tác nghiệp, phóng viên được trang bị bộ đồ bảo hộ chuyên dụng dưới sự giám sát của các cán bộ y tế
Để được tác nghiệp, phóng viên được trang bị bộ đồ bảo hộ chuyên dụng dưới sự giám sát của các cán bộ y tế

 

Hậu cần đi trước về sau

Trải qua gần 10 ngày chống dịch đầu tiên, điều quý giá nhất mà những người như bác sĩ Chiến, bác sĩ Hương, các anh điều dưỡng, hộ lý và bệnh nhân tại khu điều trị nhận được là tình cảm quý mến của người dân đã sẵng sàng “chia lửa” và sự hỗ trợ hết mình của các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã tiếp thêm sức mạnh họ trong công tác chữa trị.

Cách khu điều trị không xa, một khu hậu cần với hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đạ Tẻh cũng miệt mài, không quản ngày đêm, với mong muốn làm tốt nhất công tác phục vụ, chăm sóc, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cho những bệnh nhân và đội ngũ cán bộ trong khu điều trị. 

Thiếu tá Bùi Xuân Hợi - Chỉ huy trưởng tại khu hậu cần khu cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 xã Đạ Lây cho biết: Đơn vị đã huy động 14 cán bộ, chiến sĩ để thành lập các bộ phận gồm chỉ huy, cảnh vệ, hậu cần và phục vụ để phân công thực hiện nhiệm vụ. Riêng UBND xã Đạ Lây cũng đã bố trí, tăng cường thêm các tình nguyện viên nhằm phục vụ và hỗ trợ thêm cho người dân đang điều trị. 

Hàng ngày, Ban Chỉ huy khu hậu cần phân công cán bộ, chiến sĩ nấu các suất ăn cho những người ở trong khu điều trị và người tham gia phục vụ. Ngoài ra, đơn vị cũng cử cán bộ, chiến sĩ túc trực, sẵng sàng đáp ứng các yêu cầu của các y, bác sĩ và bệnh nhân khi cần. 

Người dân từ khắp nơi trong tỉnh gửi đến khu điều trị các nhu yếu phẩm với mong muốn cùng địa phương đẩy lùi dịch Covid-19
Người dân từ khắp nơi trong tỉnh gửi đến khu điều trị các nhu yếu phẩm với mong muốn cùng địa phương đẩy lùi dịch Covid-19

 

Chia lửa với khu hậu cần, những ngày qua, nhiều tổ chức xã hội và Nhân dân địa phương cũng đã chung tay để chăm lo cho khu điều trị. Lúc phóng viên vừa đến khu hậu cần, cũng là lúc các cô giáo Trường Mầm non Hoa Mai đến thăm và trao các nhu yếu phẩm cần thiết cho đơn vị. 

Thiếu tá Bùi Xuân Hợi chia sẻ: Ở đây, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn gì cả. Từ mỗi cân gạo, thịt, mớ rau, mỗi quả bí, quả bầu... đều được người dân từ khắp nơi trong tỉnh gửi đến khu điều trị. Gói gém trong đó là cả tình cảm mà người dân gửi về để sẻ chia cùng lực lượng quân sự, công an, y tế địa phương trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Rời khu điều trị với lần tác nghiệp đáng nhớ, tôi lại được bác sĩ Lan Hương một lần nữa hướng dẫn các bước để tháo bỏ bộ đồ bảo hộ theo đúng quy trình, theo nguyên tắc thứ gì mặc vào trước thì cởi bỏ sau cùng, trước khi trải qua thêm bước sát khuẩn vô cùng nghiêm ngặt. 45 phút ngắn ngủi với những cuộc trò chuyện bị ngắt quãng nhiều lần, chẳng thể nghe hết những nỗi niềm riêng, chẳng thể thấy hết những nỗi vất vả, càng không nghe thấy một lời than thở, nhưng đủ để tôi hiểu rằng, mọi khó khăn, vất vả trong khu điều trị đều đang đượt vượt qua hết bởi trách nhiệm và tình người. 

Còn đối với những người nhận nhiệm vụ và tình nguyện làm việc nơi đây, những ngày tháng chống dịch và đồng hành cùng người bệnh, người ở trong khu cách ly chắc hẳn sẽ là những kỷ niệm khó quên mà mỗi người sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 477
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003033276
  •  Đang online: 70
  •  Trong tuần: 14.796
  •  Trong tháng: 84.685
  •  Trong năm: 84.685