TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Nhọc nhằn vắt đất thành vàng In trang
03/01/2020 03:04 CH

Với 3 sào vườn ban đầu, 26 năm sau, anh Phạm Văn Xã, Thôn 6, xã Mỹ Đức, đã có 30 ha đất canh tác, trong đó 20 ha trồng cây nông nghiệp lâu năm, mang lại thu nhập 3 tỷ đồng/năm. Anh là nông dân sản xuất giỏi của huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Tôi tìm đến nhà Phạm Văn Xã ở Cầu Treo (nay là Thôn 6), nơi tận cùng của xã Mỹ Đức. Đứng trước căn nhà khang trang mới xây trị giá khoảng 1 tỷ nằm giữa màu xanh miên man của sầu riêng, bưởi da xanh và nhiều loại cây ăn trái khác khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. 

Anh Phạm Văn Xã ngoài rẫy sầu riêng.
Anh Phạm Văn Xã ngoài rẫy sầu riêng.

Khởi đầu từ 3 sào đất

Sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Oai - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), năm 1984, khi ấy Xã 14 tuổi đang học lớp 8/10, bố Xã quyết định đăng ký theo đoàn kinh tế mới vào Lâm Đồng. Gia đình có bảy người, nhưng chỉ bố và Xã đi trước, nếu làm ăn thuận lợi sẽ đưa toàn bộ gia đình vào. 

Ông cán bộ xã khi ấy chỉ tay vào rừng nói với mọi người: “Bà con tự chia đất với nhau nghe. Mỗi hộ 30 m mặt đường, chiều sâu thì thỏa sức khai phá…”. Ổn định chỗ ở, mọi người bắt tay vào khai phá đất đai. Những ngày đầu không quen khí hậu, anh cảm thấy không còn sức lực, chỉ muốn ngủ. Lần đầu anh phát rừng nên rất vụng về. Người làm quen, chặt một nhát là đứt cây mung, với anh, phải hai, ba lần chặt. Sau mấy tháng làm việc cật lực, hai bố con có chừng 6 sào đất, đốt, dọn sạch sẽ. Đầu mùa mưa, hạt giống được tra xuống. Khi cây lúa vươn khỏi mặt đất chừng gang tay, cỏ cũng mọc theo. Ngày hai buổi, anh cùng bố tập trung làm cỏ cho lúa. Bước vào mùa mưa, mưa rả rích triền miên khiến việc lao động ngoài trời rất cực, người khi nào cũng ướt nhẹp. Muỗi rừng thì nhiều vô kể, chúng đốt nhoi nhói làm mẩn ngứa rất khó chịu. Khu vực Cầu Treo khi ấy là trung tâm của ổ dịch sốt rét. Người dân thường nói: “Sốt rét ở Cầu Treo là nghĩa vụ”. Không ai thoát khỏi bệnh sốt rét! Anh đã bị sốt vài lần nên rất sợ. Cắt sốt, đầu đau như bổ búa, khắp người ê ẩm, da bủng mắt vàng. 

Sáu năm sau, hai bố con anh không khai phá được thêm đất sản xuất bởi năm nào cũng bị sốt rét làm suy kiệt sức khỏe, không thể lao động. Vùng đất Cầu Treo những năm ấy, người chết vì sốt rét ác tính năm nào cũng có. Xã nói rằng, trong thời kì ấy, chính gia đình nhà vợ anh có 4 người bị chết vì bệnh sốt rét. Một lần, đích thân Chủ tịch UBND huyện - ông Hoàng Hiển vào tận nơi, kêu gọi bà con tạm rời Cầu Treo. Ông vận động những hộ bên ngoài khu vực Cầu Treo cho bà con ở nhờ nhằm giảm bớt bệnh tật, mặc dù đó chỉ là giải pháp tạm thời.

 

Thất bại về kinh tế, sức khỏe suy kiệt vì bệnh tật và sốt rét, bố anh quyết định bỏ tất cả trở về quê. Ra đi với bao ước vọng nhưng chưa thể thực hiện kể cả việc đi học, bởi trường cấp 3 cách nhà 30 km. Không thể về với hai bàn tay trắng, anh xin bố ở lại và hứa sẽ làm được một điều gì đó mới trở về và được bố đồng ý. Không có tiền, anh phải bán đi 3 sào đất cho bố làm lộ phí. Tiễn bố lên xe về Bắc xong, anh bắt đầu cuộc sống không người thân với tài sản là 3 sào đất còn lại.

Và trở thành “Kẻ nghiện đất”

Năm 2003, Xã lập gia đình. Nhớ lại thời còn ngoài Bắc, cả nhà phải ăn cháo su hào thay cơm nhưng cũng không đủ. Nhiều bữa, mới ăn được một chén, đưa mẹ múc, ánh mắt mẹ buồn rầu nhìn con giọng ngậm ngùi: - “Hết rồi con ạ!”. Nghĩ tới cảnh ấy, anh đặt quyết tâm phải phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn cho tương lai. Trăn trở tìm hướng đi, anh lại nhớ tác phẩm “Đất rừng phương Nam” viết về miệt Nam Bộ bạt ngàn cây trái. Vào Nam đã 10 năm vẫn chưa được ăn sầu riêng mà toàn “ăn” sốt rét nên ý tưởng trồng sầu riêng, măng cụt để làm kinh tế và được ăn cho thoả thích nảy sinh từ đó. Nhưng muốn trồng cây ăn trái thì phải có thật nhiều đất. Muốn có nhiều đất phải có tiền để mua. Cố gắng lao động, ăn mặc tằn tiện, tích cóp mới mong có hy vọng. Với 3 sào đất, thay vì tỉa lúa, mỗi năm 1 vụ như mọi người, anh tỉa ngô, 1 năm làm 3 vụ. Ngô được mùa, có năm hai vợ chồng thu về hơn 10 tấn, nhưng là vùng sâu, đường đi lại rất khó khăn, thương lái không vào thu mua nên ngô chất đầy nhà. 

Vùng đất Cầu Treo sau hơn 10 năm vẫn nghèo đói. Rất nhiều hộ muốn bán đất rời đi nhưng chẳng ai mua nên họ đành sống lay lắt. Đầu năm 2004 khi tỉnh Đắk Nông thành lập, người dân kháo nhau rằng, đất bên Đắk Nông rất tốt, khí hậu trong lành nên nhiều hộ trong xã Mỹ Đức rời qua Đắk Nông, có người bỏ cả đất vì bán không được. Trong hoàn cảnh ấy, Xã đem ngô đổi đất, cứ 1 tạ ngô đổi 1 sào đất. Hết ngô anh vay lời ngoài, vay ngân hàng để mua. Mấy năm sau, toàn bộ diện tích đất của 40 hộ, gần 20 héc ta đã thuộc quyền sở hữu của anh. Người dân Cầu Treo khi ấy cho rằng, không thể sinh sống trên vùng đất ấy nên bỏ đi thì Xã lại mua vào với diện tích rất lớn. Nhiều người nói anh nghiện đất, là thằng điên! 

Thực hiện ước mơ

Có được diện tích đất như mơ ước, hai vợ chồng bắt tay vào cải tạo. Nhiều diện tích đất bỏ hoang lâu năm, cỏ phát triển lút đầu. Để biến đất hoang thành vườn, hai vợ chồng phải trần mình từ sớm đến tối mịt. Mặc dù rất cố gắng nhưng với 20 ha hai vợ chồng cũng không thể làm xuể, lại vay tiền, mướn người. Có ngày mướn tới 10 lao động. Vất vả cực nhọc mấy năm dòng, những diện tích đất hoang đã thành bờ xôi ruộng mật. Đến lượt mua cây giống cũng thật gian nan bởi chỉ ngoài Quốc lộ 20 cách nhà 40 cây số mới có. Mỗi lần mua cũng chỉ được chừng 100 cây vì không có tiền. Trồng xong lại lo kiếm tiền mua tiếp. Cứ như vậy tới khi xuống kín 20 ha với đủ loại cây: điều, tiêu, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, cam, quýt… Xuống cây giống xong là thời gian đằng đẵng 4 - 5 năm chăm sóc, chờ đợi tới ngày cây cho trái. Đó là khoảng thời gian mà anh sợ nhất. Khi ấy, vợ lại sinh đứa con đầu. Vừa chăm vợ đẻ, lo kiếm tiền sinh hoạt, tiền tháng cho người làm công, nhiều khi thấy hụt hơi muốn gục xuống. Thế rồi ngày được hưởng trái ngọt cũng tới, song chưa kịp mừng nỗi lo đã ập đến. Số là ngày xuống giống cây, anh cứ theo nhà vườn ngoài Quốc lộ 20, họ trồng gì anh trồng theo. Khi cây thu trái, ngoài Quốc lộ 20 bán được còn anh thì không, bởi chẳng thương lái nào vào tới nơi khỉ ho cò gáy mua cho. Vậy là hàng ngày phải cắn răng chở từng sọt ra chợ huyện để bán dù đắt hay rẻ, miễn là bán hết. Thất vọng, anh xách dao chặt bỏ hết từ mít, xoài, chôm chôm… Sau khi phá tan hoang vườn cây, anh nằm bẹp cả tháng không ra khỏi nhà. Nhưng nghĩ tới vợ, con (khi đó đã có 3 đứa) anh lại đứng dậy, quyết tâm làm lại từ đầu. Lại vay vốn, xuống giống, với 7 ha sầu riêng, bưởi da xanh, 5 ha cao su, còn lại là điều, cây dâu. Lại một chu kì trông cây chờ ngày thu hoạch. Khi những dòng mủ cao su được thu, bưởi, sầu riêng, và điều đồng loạt cho sản phẩm, mang về cho anh cả tỷ đồng một năm khiến anh vui lắm. Tưởng sẽ không có gì ngăn anh làm giàu. Vậy nhưng, ông trời một lần nữa lại thử thách lòng kiên nhẫn của anh. 7 ha bưởi da xanh và sầu riêng bước sang vụ thu hoạch thứ 2 bỗng vàng lá, trút quả rồi chết hàng loạt. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh cuống cuồng tìm mọi cách cứu chữa, song tất cả đều thất bại. 500 cây sầu riêng, hơn 100 cây bưởi đúng vào vụ thu hoạch chỉ còn trơ cành, khô héo. Thất vọng ê chề, anh muốn buông xuôi tất cả. Được sự động viên của vợ, bạn bè và người thân anh lại quyết tâm làm lại. 

Anh mời kỹ sư nông nghiệp về thăm vườn, nguyên nhân cây chết được cán bộ nông nghiệp chỉ ra: Do cây bị đói! Thoạt nghe rất khó tin nhưng lại là sự thật. 2 năm ung dung thu trái, anh không hề bỏ một đồng tái đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, không tỉa cành tạo tán. Khi sức khỏe của cây suy giảm, sâu đục thân, bệnh thán thư phát triển nhanh chóng dẫn tới cây chết. Thiếu hiểu biết khoa học kỹ thuật, anh phải trả giá quá đắt. Sau bài học nhớ đời ấy, lại cặm cụi xử lý số cây chết, lại xuống giống. 

Nghe câu chuyện của Xã tới đây tôi cắt ngang: 

- Vậy thực sự Xã thành công từ khi nào? 

 Anh cười thật thỏa mãn rồi nói: 

- Thực ra em mới thành công và có thu nhập ổn định từ 4 năm trở lại đây thôi. Những năm đầu thu được hơn 1 tỷ nhưng trả nợ, trả công lao động, tái đầu tư, tiền sinh hoạt hàng ngày nên chưa có dư. 2 năm nay, thu được hơn 2 tỷ/năm. Có dư một chút nên mới xây nhà và mua thêm 10 ha đất nữa. Giờ em có tổng cộng 30 ha, đã trở thành tỷ phú. Giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân hậu, khi HTX nông nghiệp dịch vụ trái cây của xã Mỹ Đức thành lập, anh được tín nhiệm bầu làm Giám đốc. Với trách nhiệm này, anh luôn tận tâm hướng dẫn các thành viên trong HTX từ kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và cho nhiều hội viên vay vốn không lấy lãi với số tiền tới 500 triệu đồng. Hàng năm, anh thường hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo khoảng 500 cây giống (trợ giá 50% so với giá thị trường) và luôn luôn làm từ thiện giúp đỡ những hộ nghèo trong xã…

Những việc làm đầy lòng nhân ái của anh, đã được các cấp chính quyền ghi nhận. Năm 2019, Phạm Văn Xã được Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh tặng giấy khen, biểu dương điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được tỉnh chọn giới thiệu giao lưu gương nông dân sản xuất giỏi diễn ra tại tỉnh Gia Lai.

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 709
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003025529
  •  Đang online: 66
  •  Trong tuần: 7.049
  •  Trong tháng: 76.938
  •  Trong năm: 76.938