TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
9X đầu tư tiền tỷ trồng quýt đường sinh học In trang
21/11/2019 10:34 SA

 

Từ những mô hình đã thành công của người dân địa phương, anh Nguyễn Thái Sơn (28 tuổi, Thôn 3B, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh) đã bỏ ra hơn 15 tỷ đồng mua đất và đầu tư trồng quýt đường theo hướng sinh học.

Anh Nguyễn Thái Sơn (bìa phải) giới thiệu trang trại quýt đường sinh học của mình với khách đến tham quan.
Anh Nguyễn Thái Sơn (bìa phải) giới thiệu trang trại quýt đường sinh học của mình với khách đến tham quan.

Theo anh Sơn, năm 2017, khi nghỉ việc tại Trung tâm Y tế về làm nông dân trồng quýt, anh đã gặp không ít áp lực từ gia đình và chính bản thân mình. “Khi quyết định chuyển qua đầu tư trồng quýt đường, tôi xác định đây là ngã rẽ quyết định sự thành, bại trong cuộc đời mình. Kinh nghiệm, kiến thức nông nghiệp đều là con số “không” tròn trĩnh, nhưng ý chí lại thôi thúc đến với cây quýt. Thật may, tôi đã mua được diện tích đất trồng quýt tại Thôn 3B (xã Triệu Hải), với giá rẻ bất ngờ từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Sau khi mua được 3 ha đất, tôi đã xuống giống trồng quýt đường. Vừa làm, vừa học hỏi và đầu tư mua thêm đất để mở rộng diện tích thành trang trại. Đến nay, tổng diện tích tôi đang có là 30 ha, với tổng mức đầu tư đã lên đến hơn 15 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Trong đó, tôi đã trồng được 15 ha quýt, xen thêm bưởi da xanh và sầu riêng” - anh Sơn cho biết.

Hiện tại, tất cả diện tích 15 ha, với hơn 4.000 cây quýt đường và 400 cây bưởi da xanh đã xuống giống đều được anh Sơn chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học. Để cây quýt và bưởi phát triển thuận theo tự nhiên, anh Sơn đã lặn lội về xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) tìm gặp “phù thủy” quýt đường Trần Văn Minh “bái sư” học hỏi kinh nghiệm.

Anh Sơn chia sẻ: “Trồng quýt đường sinh học là để cây quýt phát triển tự nhiên như cây rừng vậy, khi nào cây gặp vấn đề về bệnh tật thì mình mới can thiệp. Thầy Minh đã dạy cho tôi những kỹ thuật căn bản để áp dụng có hiệu quả vào quá trình chăm sóc vườn quýt. Để vườn quýt sinh trưởng và phát triển tốt, phân chuồng và sản phẩm Tricho - MX là không thể thiếu và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt nấm. Trong phương pháp khắc phục bệnh cây quýt thì khâu quan trọng là kiểm tra độ PH của đất và dùng sản phẩm tạo kháng thể cho cây. Nhờ vậy, cây quýt phát triển xanh tốt và chống chọi được với hầu hết các loại sâu bệnh”.

Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc, 15 ha quýt của anh Sơn đã phủ một màu xanh bạt ngàn trên vùng đất sỏi đá Thôn 3B (xã Triệu Hải). Trong đó, có 3 ha đã được anh Sơn áp dụng các kỹ thuật ra bông vụ đầu tiên. Diện tích còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết vườn, nên luôn được anh theo dõi sát sao để bổ sung các loại phân bón hữu cơ kịp thời cho cây phát triển. Theo anh Sơn, với diện tích 30 ha đất hiện có thì anh đang chú trọng đầu tư mở rộng thêm diện tích trang trại; đồng thời, hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm quýt sạch và xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

“Tôi xác định, hiệu quả kinh tế là đích đến lâu dài mà mình phải hướng tới. Ngoài 15 ha quýt đang trong giai đoạn kiến thiết, tới đây, tôi sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật ra bông, dưỡng trái để có thu nhập. Đối với 15 ha đất đang trống, tôi sẽ đầu tư trồng thêm một số loại cây ăn trái như bưởi da xanh, sầu riêng và cây na để đa dạng hóa cây trồng cho trang trại. Hy vọng, trong 2 đến 3 năm tới, vườn cây ăn trái sẽ mang lại lợi nhuận cho gia đình tôi” - anh Sơn tin tưởng.

Anh Hà Vĩnh Du - Bí thư Đoàn xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) cho biết: “Hiện nay, phong trào lập thân, lập nghiệp của lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) địa phương đang phát triển rất mạnh mẽ. Phần lớn họ đều chọn nông nghiệp để phát triển kinh tế, bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và diện tích đất, nên các mô hình mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ từ 6 sào đến 2 ha/mô hình. Riêng mô hình trồng quýt đường sinh học của anh Nguyễn Thái Sơn là bước đột phá và thể hiện khát vọng, ý chí và quyết tâm vương lên làm giàu của tuổi trẻ địa phương. Đây sẽ là mô hình để địa phương đưa vào OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) trong thời gian tới”.

Lượt xem: 827

Góp ý của bạn đọc

CAPTCHA image
Enter the code shown above in the box below.
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003025656
  •  Đang online: 179
  •  Trong tuần: 7.176
  •  Trong tháng: 77.065
  •  Trong năm: 77.065