TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Người tiên phong làm "vườn xanh - ngõ đẹp - đường sạch" In trang
14/08/2018 12:00 SA

Mỗi buổi sớm - chiều, người dân Thôn 3 (xã Quảng Trị, huyện Ðạ Tẻh) lại thấy ông cầm chổi quét dọc con đường trước nhà. Ðó là một trong số những công việc mà ông cho rằng mình phải làm trước để bà con noi theo, có như thế thì phong trào “vườn xanh - ngõ đẹp - đường sạch” mới lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Ông Phan Văn Đãi cắt tỉa hàng rào cây xanh trước nhà. Ảnh: Đ.Anh
Ông Phan Văn Đãi cắt tỉa hàng rào cây xanh trước nhà. Ảnh: Đ.Anh

Nhà ông Phan Văn Đãi (72 tuổi, đảng viên 45 năm tuổi Đảng) nằm ngay cổng chào văn hóa Thôn 3 (xã Quảng Trị). Dọc hai bên tuyến đường dẫn vào thôn và kéo dài đến tận trung tâm xã, hoa cỏ lạc nở vàng rực rỡ. Theo ông Nguyễn Quốc, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị, cũng là người dân Thôn 3, để có “con đường hoa” chạy dài hai bên đường như hiện nay thì “công lớn nhờ bác Đãi”. Ông là người đầu tiên ở Thôn 3 trồng hoa cỏ lạc trước nhà rồi vận động bà con trồng theo. Cứ thế, phong trào trồng hoa cỏ lạc ngày càng lan rộng và hàng ki lô mét hoa cỏ lạc cứ thế kéo dài hai bên đường. Không chỉ thế, trong nhiều phong trào khác như làm cột cờ, làm bờ rào... ông Đãi đều làm trước để noi gương cho bà con làm theo.

Là người con quê gốc ở xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), ngôi nhà gỗ ba gian truyền thống của ông Đãi được làm từ những năm 80 là niềm tự hào không chỉ riêng của gia đình ông mà còn của bà con xung quanh. Lối vào nhà với hàng rào cây xanh đẹp mắt, sân vườn được quét dọn sạch sẽ với nhiều loại cây trái. Cách đây vài năm, khi xây ngôi nhà mới, ông Đãi vẫn giữ lại ngôi nhà gỗ, một phần như để lưu giữ kỷ niệm, phần khác để nhắc nhớ truyền thống cho các thế hệ con cháu về một thời khốn khó khi mới vào đây lập nghiệp. Ông Đãi tham gia cách mạng năm 1964 tại chiến trường Quảng Trị, sau đó, ông bị thương và được đưa ra Bắc để điều trị, học tập. Đến năm 1972, ông trở lại Thành cổ Quảng Trị làm ở Thị đội Quảng Trị và được nghỉ mất sức năm 1977 với mức xếp hạng thương binh 3/4. Trở về cuộc sống đời thường, ông lấy vợ, sinh con trai đầu lòng và theo lời kêu gọi đi kinh tế mới vào vùng đất Đạ Tẻh lập nghiệp. Là một trong những người đi tiền trạm và bám trụ lại với quê hương mới cho đến nay, ông Đãi và vợ con đã trải qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu vào đây lập nghiệp. Khó khăn là thế, nhưng ông vẫn tham gia rất nhiệt tình các phong trào của địa phương. Khi chưa chia tách xã, đường sá đi lại khó khăn nhưng dù đêm hay ngày ông vẫn đi bộ hàng ki lô mét sang trung tâm xã Triệu Hải để sinh hoạt và tổ chức các hoạt động phong trào. Gần 20 năm, ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị ở thôn như bí thư, thôn trưởng, cán bộ mặt trận, cựu chiến binh… Ông Đãi chia sẻ: “Dù làm việc gì, tôi cũng rất tâm huyết với thế hệ trẻ nên lúc nào cũng chú trọng đào tạo lớp trẻ. Nhờ vậy mà số lượng đảng viên trẻ ngày càng được phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng. Từ một tổ đảng ban đầu, đến nay đã có nhiều chi bộ được thành lập. Đối với các công việc xã hội, nếu mình nói nhiều mà không làm thì người dân không thích nên bản thân tôi cứ làm trước mọi việc, người dân thấy mình làm rồi cũng sẽ tự giác làm theo”.

Thôn 3 là đơn vị đầu tiên của xã Quảng Trị được công nhận thôn văn hóa và đây cũng là thôn đã được nhận giải nhì trong cuộc vận động xây dựng khu dân cư văn hóa kiểu mẫu do huyện Đạ Tẻh phát động năm 2016. Những thành quả đó là kết quả của cả tập thể cán bộ, nhân dân Thôn 3 và những con người tiên phong như ông Đãi cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ông Nguyễn Quốc, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị chia sẻ: “Trước đây, khi còn là tổ đảng thì ông Đãi làm tổ trưởng và vào thời điểm này, năm 1996, Thôn 3 là thôn đầu tiên được công nhận thôn văn hóa. Là người đảng viên cựu trào, ông Đãi có đóng góp lớn trong quá trình xây dựng thôn văn hóa và xã nông thôn mới như hiện nay. Tất cả các phong trào, ông Đãi đều là người xung phong đầu tiên, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông cũng thường xuyên chỉ bảo cho thế hệ cán bộ, đảng viên sau này tinh thần cách mạng của thế hệ đi trước. Từ đó, anh em cũng phấn đấu, nêu gương ông và dần dần hoàn thiện bản thân mình trong tất cả các mặt công tác”.

Tại xã Quảng Trị hiện nay có đình làng và nhà thờ dòng họ Phan. Vào các dịp lễ, tết, các hoạt động truyền thống đều được tổ chức bài bản, chu đáo mà theo ông Đãi là để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu. Với thế hệ những người trẻ được sinh ra và lớn lên tại vùng kinh tế mới xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh), việc làm này rất có ý nghĩa, bởi từ đó, họ biết đâu là nguồn cội, đâu là truyền thống quý báu của dòng tộc để noi gương, tiếp tục thực hiện. Riêng đối với các con của ông Đãi, truyền thống của gia đình, phẩm chất của bố mẹ đều được các con học tập và làm theo. Hiện, cả ba người con của ông Đãi đã trưởng thành và có việc làm ổn định. Người con trai út Phan Trung Hòa hiện đang sống cùng với bố mẹ và làm việc tại Văn phòng UBND xã Quảng Trị chia sẻ: Những việc làm của bố dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với anh em chúng tôi. Bản thân tôi lấy đó làm tấm gương sáng để noi theo hôm nay và mãi về sau này.

Theo Báo Lâm Đồng

Lượt xem: 527
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003230589
  •  Đang online: 87
  •  Trong tuần: 87
  •  Trong tháng: 70.577
  •  Trong năm: 1.218.998