Hàng năm, Hội LHPN xã Đạ Lây xác định nhiệm vụ tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Nhiều năm qua, Hội đã tiên phong đi đầu tuyên truyền vận động, trong khó khăn đã nổi bật lên những cách làm hay, mô hình sáng tạo được hội viên và nhân dân đồng thuận cao. Đó là thành công của một tập thể làm “Dân vận khéo”. Hiện nay Hội LHPN xã có 1069 hội viên/1268 hội viên từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tập hợp hội viên phụ nữ vào Hội đạt 84,3%.
Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã Đạ Lây nhiệm kỳ 2016-2021
Xác định công tác dân vận khéo là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa phù hợp đặc trưng của giới, vừa phù hợp với chức năng hoạt động của Hội, vì vậy trong 05 năm qua (2016-2020), Hội LHPN xã đã có nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa, thiết thực, phát huy được vai trò của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thông qua các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Hội LHPN xã xác định mọi hoạt động hướng về chi hội, đặc biệt là chú trọng thực hiện nhiệm vụ 3 “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”. Hội LHPN xã đã tập trung khảo sát chi hội, thường xuyên về các thôn để nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, kịp thời tuyên truyền, phổ biến và vận động phụ nữ nắm vững các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, nhờ làm tốt công tác "Dân vận khéo", Hội xã đã xây dựng được 15 mô hình trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 06 mô hình về phát triển kinh tế; 06 mô hình về lĩnh vực văn hóa xã hội; 03 mô hình về đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các mô hình đều gắn quyền lợi, trách nhiệm của hội viên và đã đem lại hiệu quả rõ nét. Thu hút tập hợp được 445 hội viên phụ nữ tham gia các mô hình.
Trước hết Hội thảo luận lấy ý kiến trong BTV, BCH, xây dựng kế hoạch cho mỗi mô hình, chọn chi hội, cá nhân để thực hiện mô hình gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phân công thành viên Ban chấp hành phụ trách từng phần việc cụ thể. Khảo sát, nắm rõ thế mạnh, ưu điểm và hạn chế của từng chi hội là bước quan trọng để xây dựng mô hình. Làm việc với Bí thư chi bộ, trưởng thôn, Ban công tác Mặt trận thôn và các Chi đoàn Chi hội ở thôn để tranh thủ sự phối hợp thực hiện để mô hình thành công. Những mô hình Dân vận khéo do Hội xây dựng thành công chính là nhờ sự đồng lòng chung sức và quyết tâm của hội viên phụ nữ và nhân dân tại các thôn.
Tổ hợp tác làm bánh lọc xã Đạ Lây
Có thể kể đến các mô hình nổi bật trong phong trào vận động hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế như: Mô hình "Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” ở chi hội Lộc Hòa, Phú Bình có 12 thành viên. Khảo sát tình hình thực tế ở các chi hội cho thấy số hội viên phụ nữ có nhu cầu chăn nuôi gà thả vườn là rất lớn. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi còn thủ công, chưa tuân thủ quy trình sản xuất chăn nuôi khép kín. Chất lượng gà giống chưa được chọn lọc, còn phụ thuộc nhiều vào vắc-xin trong chăn nuôi, thức ăn chưa tận dụng từ thiên nhiên…dẫn đến chi phí đầu tư cao, chất lượng gà không đảm bảo, giá cả không được đảm bảo.
Nắm được tình hình thực tế tại các chi hội, BTV Hội LHPN xã đã họp, triển khai kế hoạch thành lập “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” tại chi hội Lộc Hòa. Mô hình có quy chế hoạt động chặt chẽ, chủ yếu là giúp nhau về con giống, kỹ thuật chăn nuôi gà, hỗ trợ vốn xoay vòng cho các thành viên trong tổ hợp tác, số tiền huy động được là 300.000.000đ. Tổng số gà bán ra trong 01 năm là: 14.400 con. Thu nhập đã trừ chi phí mỗi hộ là 97.200.000đ. Mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch” đã được UBND Huyện Đạ Tẻh tặng giấy khen công nhận là mô hình dân vận khéo năm 2017.
Mô hình “Tổ hợp tác làm bánh Huế” của chi hội Hương Thuận, Phú Bình có 10 thành viên. Hội tiến hành khảo sát tình hình thực tế ở các chi hội cho thấy, số hội viên phụ nữ làm bánh Huế đang có xu hướng tăng nhanh, số lượng bánh tiêu thụ càng nhiều, kinh tế gia đình hội viên làm bánh ổn định, hộ khá giả, hộ giàu tăng lên. Tuy nhiên, do hoạt động của hội viên là tự phát và nhỏ lẻ, chưa được tập hợp trong một tổ chức nên chưa có quy mô, bánh Huế chưa đến được với nhiều người trên khắp cả nước.
Nắm được tình hình thực tế tại các chi hội, BTV Hội LHPN xã đã họp, triển khai kế hoạch thành lập “Tổ hợp tác làm bánh Huế” tại chi hội Phú Bình, Hương Thuận, 02 chi hội này có những thuận lợi cơ bản trong việc thành lập mô hình, như:
+ Mật độ dân cư sống thôn dày đặc địa bàn đẹp thuận lợi kinh doanh buôn bán.
+ Nằm trên trục đường 721 nối liền Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
+ Đa số gia đình đều mặt tiền và phương tiện làm bánh đúng tiêu chuẩn, có truyền thống làm bánh của các thế hệ trong gia đình.
+ Hội viên và nhân dân có tinh thần đoàn kết cao
Hội tổ chức họp BCH mở rộng mời các hộ dân làm bánh Huế trong xã thông qua kế hoạch thành lập “Tổ hợp tác làm bánh Huế ”. Với các nội dung cụ thể:
+ Tuân thủ các quy định của Tổ hợp tác.
+ Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Đảm bảo tính truyền thống trong quy trình làm bánh.
Các thành viên mô hình tán thành quy chế hoạt động, tình nguyện viết đơn tham gia tổ hợp tác. Thu nhập mỗi năm thu nhập 120 triệu đồng/ hộ. Mô hình “Tổ hợp tác làm bánh Huế” đã được UBND Huyện Đạ Tẻh tặng giấy khen công nhận là mô hình dân vận khéo năm 2020.
Ngoài ra Hội LHPN xã còn xây dựng thành công các mô hình “Nhóm phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi” ở chi hội Phú Bình, huy động số tiền là 300 triệu đồng cho vay không tính lãi để giúp các chị phát triển sản xuất kinh doanh. Mô hình “Vườn rau sạch trong hội viên tiểu thương” tại chi hội Vĩnh Phước, Thuận Lộc với 15 thành viên, cung cấp và bán nông sản sạch cho hội viên Đạ Lây; mô hình “Xây dựng tổ tiết kiệm hùn vốn nuôi heo đất tiết kiệm giúp phụ nữ thoát nghèo” tại 9 chi hội, tổng số tiền huy động hơn 2 tỷ gồm 10 tổ tiết kiệm, 07 tổ hùn vốn, 08 tổ nuôi heo đất tiết kiệm, giúp 2115 lượt chị vay vốn không tính lãi. Mô hình này đã được UBND huyện khen thưởng là mô hình dân vận khéo cấp huyện; mô hình “Tuyến đường hoa Thôn Vĩnh Phước” có 120 chị tham gia, trồng 03 km tuyến đường hoa Hoàng Anh và hoa Hồng Lộc, “Chi hội phụ nữ tiết kiệm mua BHYT vì sức khỏe phụ nữ tại chi hội Vĩnh Phước, Sơn Thủy có 515 chị tham gia, mua mới 1895 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện, mô hình “Phân loại và xử lý rác bằng chế phẩm sinh học” thành lập năm 2016 tại chi hội Hương Thuận, Phú Bình” với 30 thành viên, UBND xã hỗ trợ kinh phí mua bi cống và men vi sinh, Hội LHPN xã triển khai thực hiện. Hàng năm đã thu được khoảng 2,5 tấn phân vi sinh; mô hình “Biến rác thải nhựa thành học bổng Lê Thị Pha” tại 9 chi hội có 65 thành viên, mô hình xây dựng theo sự chỉ đạo của Hội LHPN Huyện về kế hoạch chống rác thải nhựa. Mỗi hội viên thực hiện phân loại và thu gom rác thải tại nhà, rác thải nhựa được tập hợp thu gom và đem bán vào chiều thứ 6 hàng tuần, số tiền thu được sẽ trao học bổng Lê Thị Pha vào dịp tổng kết công tác Hội cuối năm. Tính đến tháng 6/2020, hội trao 23 xuất/ tổng số tiền 46.000.000đ ; mô hình “Bếp sạch, bếp đẹp” ở chi hội Phú Thành, Sơn Thủy có 22 thành viên, là mô hình thực hiện cuộc vận động 5 không 3 sạch, số tiền huy động 211.200.000đ ...Các thành viên mô hình hỗ trợ nhau vần công đổi công được: 1895 công lao động, 2168 cây con giống, hướng dẫn 165 buổi về kỷ thuật trồng trọt chăn nuôi, giúp cho 711 lượt chị có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn vươn lên. Đầu năm 2016, số hộ nghèo có hội viên là 48 hộ, đầu năm 2020 giảm còn 04 hộ,tăng hộ khá, giàu.
Điểm mới, sáng tạo trong xây dựng mô hình dân vận khéo đó là: kêu gọi tính tập thể, đoàn kết, giúp nhau. Phải có tính sáng tạo, cách làm mới, linh hoạt, mềm dẻo, vận dụng linh hoạt chỉ đạo của Đảng ủy, bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng của địa phương để thực hiện.
Từ năm 2016-2020, đã có 44 hộ gia đình phụ nữ là hộ nghèo được thoát nghèo, trong đó có 41 hộ là phụ nữ làm chủ, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Điểm nổi bật của phong trào xây dựng mô hình Dân vận khéo của Hội LHPN xã Đạ lây đó là tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau, vần công đổi công, hỗ trợ kỷ thuật trồng trọt chăn nuôi, hỗ trợ vốn xoay vòng không tính lãi. Tính đến tháng 6/2020, số vốn xoay vòng các tổ hợp tác, các mô hình Dân vận khéo đạt trên 2 tỷ đồng.
Hội xác định nhiệm vụ xây dựng mô hình Dân vận khéo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ANQP tại địa phương. Trong các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, Hội được giao phối hợp thực hiện tiêu chí 10 (Thu nhập), tiêu chí 11 (Hộ nghèo), tiêu chí 12 (lao động việc làm), tiêu chí 15( BHYT), tiêu chí 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm). Các mô hình được xây dựng đã góp phần hoàn thành và vượt chỉ tiêu các tiêu các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của xã. Đến nay, xã Đạ Lây đã đạt và vượt các tiêu chí: Hộ Nghèo: Cuối năm 2015 là 7,22% đến đầu năm 2020 là 3,07%; BHYT năm 2015 là 58 %, đến năm 2020 là 92 %; xã Đạ Lây đạt chuẩn Nông thôn mới vào tháng 3 năm 2019.
Hội đã khắc phục những khó khăn như việc chọn mô hình và chi hội phù hợp để tiến hành xây dựng mô hình, tìm nguồn kinh phí để nhân rộng mô hình rộng hơn, lớn hơn. Hội đã đề xuất ý tưởng xã hội hóa mô hình Dân vận khéo và được Đảng ủy đồng ý. Trong 15 mô hình, có 13 mô hình tập thể và 02 mô hình cá nhân. Trong đó có 01 mô hình được Đảng ủy hỗ trợ 3.000.000đ (Tuyến đường hoa thôn Vĩnh Phước), 02 mô hình kêu gọi sự đóng góp xây dựng của cộng đồng (Mô hình Biến rác thải nhựa thành học bổng Lê Thị Pha và mô hình Phụ nữ tiết kiệm mua Bảo hiểm y tế vì sức khỏe phụ nữ ).
Trong tổng số 15 mô hình xây dựng trong 05 năm (2016-2020), có 05 mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế được các cấp khen thưởng, trong đó có 03 mô hình dân vận khéo cấp huyện, 02 mô hình Dân vận khéo cấp xã. Thành công lớn nhất của tập thể Hội LHPN xã Đạ Lây đó là tạo được sự đoàn kết trong tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, và các tầng lớp nhân dân, được dân yêu mến, nói dân nghe, dân tin, dân làm theo.
Quán triệt quan điểm “Cán bộ là gốc của phong trào”, “ở đâu có phụ nữ ở đó có tổ chức Hội”, Hội vừa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Hội, vừa quan tâm đến việc tập hợp, thu hút hội viên. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội ngày càng tăng, trong 05 năm, toàn xã đã phát triển mới 230 hội viên, nâng tỷ lệ thu hút hội viên đạt 84,3%.
Với những phấn đấu nổ lực trên, Hội LHPN xã Đạ Lây là đơn vị được UBND xã khen thưởng tập thể có thành tích xuất sắc xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, là tập thể điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020. Hội LHPN xã Đạ Lây là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm liền (năm 2016, 2017, 2018, 2019).
Năm 2020 Hội LHPN xã Đạ Lây là một trong những đơn vị được Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng lựa chọn để Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen thưởng tập thể điển hình tiên tiến 5 năm giai đoạn 2015-2020.
Trịnh Khuyên