TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh: Bệnh tuyến trùng đang lan nhanh trên cây dâu tằm In trang
08/08/2022 08:04 SA

Đạ Tẻh là một trong những địa phương phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm lớn của tỉnh Lâm Đồng, với hơn 1.660 ha dâu tằm. Hiện tại, tuyến trùng đang phát tán mạnh gây hại trên cây dâu tằm khiến hàng trăm hecta bị nhiễm bệnh thối rễ chết dần hoặc làm giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương.

Cây dâu tằm bị tuyến trùng gây hại lâu ngày bị chết

 

HƠN 500 HECTA DÂU TẰM BỊ TUYẾN TRÙNG GÂY HẠI

Dâu tằm được phát triển mạnh tại các xã Mỹ Đức, Đạ Pal, Quốc Oai, Đạ Kho, Triệu Hải, Quảng Trị và thị trấn Đạ Tẻh. Trung bình, người dân trồng dâu nuôi tằm đang có được nguồn thu nhập cao và ổn định từ 350 – 400 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thư – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, vào cuối năm 2020, tại một số địa phương xuất hiện nhiều diện tích cây dầu tằm bị vàng lá, giảm năng suất. Qua kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, các diện tích dâu bị vàng lá giảm năng suất và bị chết do bộ rễ bị tuyến trùng gây hại với mật đội từ 150 – 250 con. Tuyến trùng gây hại làm tổn thương bộ rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm trong đất phát triển gây thối rễ, vàng lá và chết cây dâu.

Từ đó, ngành nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cùng chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống tuyến trùng hại cây dâu tằm. Các loại thuốc tiêu tuyến trùng 18EC+thuốc Ric 10WP, thuốc Tervigo 020SC… kết hợp với vôi được đưa vào sử dụng phòng chống bệnh; đồng thời, tuyên truyền và mở các lớp tập huấn để chuyển giao cách phòng chống bệnh tuyến trùng tới người trồng dâu nuôi tằm.

Tuy nhiên, với tập quán canh tác của người trồng dâu nuôi tằm tại nhiều địa phương trên địa bàn, trong đó việc áp dụng tưới nước xả tràn đã khiến tuyến trùng lây lan nhanh trên diện rộng.

Qua công tác điều tra, nắm bắt diễn biến, đến thời điểm hiện tại, diện tích dâu tằm nhiễm tuyến trùng trên địa bàn toàn huyện là hơn 500 hecta, chiếm gần 30% tổng diện tích dâu tằm trên toàn huyện. Tỷ lệ nhiễm tuyến trùng từ 14,7% - 23,3%. Trong đó, diện tích nhiễm nặng bị thối rễ chết là hơn 110 hecta, nhiễm trung bình hơn 140 hecta và nhiễm nhẹ hơn 250 hecta. 

Hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc đăng ký phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm. Vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát, phòng trừ tuyến trùng gây hại trên cây dâu tằm tại địa phương gặp nhiều khó khăn. 

Hiện tại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã có công văn hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm và ngành nông nghiệp địa phương đang triển khai tới người dân áp dụng nhằm ổn định sản xuất giảm thiểu thiệt hại.

Vườn dâu tại xã Quốc Oai bị tuyến trùng gây hại nặng đang chết dần

 

NHIỀU DIỆN TÍCH TRỒNG DÂU KHÔNG THỂ PHỤC HỒI

Để tìm hiểu rõ hơn về những tác hại mà bệnh tuyến trùng gây ra đối với cây dâu, chúng tôi đã có mặt tại 2 địa phương có diện dâu tằm nhiễm tuyến trùng cao nhất trên địa bàn huyện Đạ Tẻh là Mỹ Đức và Quốc Oai. Đối với xã Mỹ Đức, hiện địa phương đã có hơn 370 hecta dâu tằm, với hàng trăm hộ dân trồng dâu, nuôi tằm; trong đó, hơn 245 hecta bị tuyến trùng gây hại, hơn 83 hecta nhiễm nặng và đang bị chết. Trong số diện tích dâu tằm bị chết do tuyến trùng gây hại đã có hơn 5 hecta bị bỏ hoang không thể phục hồi.

Bà Phan Ngọc Bé (ngụ tại thôn Yên Hòa, xã Mỹ Đức) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi 7 sào đất nông nghiệp trồng dâu, nuôi tằm. Trung bình mỗi tháng, nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 15 – 17 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vườn dâu chết sạch do tuyến trùng gây hại nên đành bỏ hoang. Mất nguồn thu từ trồng dâu, nuôi tằm, vợ chồng tôi đành phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mong rằng tới đây, gia đình nhận được sự hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng để chờ thời gian trồng lại dâu khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm”.

Tương tự, xã Quốc Oai đang có hơn 268 hecta dâu tằm; trong đó, có 146 hecta bị nhiễm tuyến trùng, với 40 hecta bị nhiễm nặng bắt buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác như sầu riêng, bưởi, ngô và các loại hoa màu ngắn ngày. Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng (thôn Hà Lâm) là 1 trong hàng chục hộ dân tại xã Quốc Oai lâm vào cảnh vườn dâu bị xóa sổ do tuyến trùng gây hại. Hiện tại, diện tích dâu bị nhiễm tuyến trùng đã được gia đình ông Đồng chuyển qua trồng sầu riêng.

Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Đạ Tẻh lấy mẫu xét nghiệm cây dâu bị tuyến trùng

 

TẬP TRUNG TRIỂN KHAI PHÒNG CHỐNG BỆNH TUYẾN TRÙNG

Ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, cho biết: Hiện tại, tốc độ tuyến trùng gây hại trên cây dâu tằm đang lây lan quá nhanh, khiến công tác phòng chống bệnh của địa phương gặp nhiều khó khăn. Địa phương đang theo dõi thống kê diện tích dâu tằm bị nhiễm tuyến trùng nặng để có kế hoạch, biện pháp giúp bà con chuyển đổi cơ cấu câu trồng ổn định sản xuất; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống xử lý tuyến trùng gây hại đối với những diện tích bị nhiễm nhẹ nhằm hạn chế tốc độ lây lan đảm bảo nguồn nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thư – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tuyến trùng lây lan trên diện rộng, Trung tâm đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi luân canh các diện tích cây dâu bị tuyến trùng gây hại nặng; đồng thời, khuyến cáo bà con tuân thủ các quy trình kỹ thuật trồng dâu như sử dụng phân hữu cơ kết hợp các chế phẩm nấm đối kháng như tiêu diệt tuyến trùng; lắp đặt hệ thống tưới tự động (không tưới xả); đối với diện tích dâu trồng mới phải cày ải và sử dụng vôi diệt tuyến trùng ít nhất 3 tháng mới xuống giống…

Ông Tống Giang Nam – Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Cùng với các biện pháp đã và đang triển khai, huyện Đạ Tẻh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông, lâm nghiệp Lâm Đồng xây dựng đề tài phòng, trừ bệnh tuyến trùng gây hại trên cây dâu; đồng thời, khảo sát thực trạng và đưa ra các biện pháp phòng trừ bệnh tuyến trùng hiệu quả nhất, đảm bảo để người dân ổn định sản xuất. Từ đó, đảm bảo nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn phát triển bền vững.

Nguồn: BaoLamDong.vn

Lượt xem: 1.551
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003030953
  •  Đang online: 81
  •  Trong tuần: 12.473
  •  Trong tháng: 82.362
  •  Trong năm: 82.362