TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên: đưa công nghiệp về làng quê Đạ Tẻh In trang
01/01/2021 09:50 CH

Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên được đánh giá là một trong những điểm sáng đưa Công nghiệp về làng quê, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở huyện Đạ Tẻh.

Ông Đặng Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên (thứ ba bên phải) giới thiệu về hoạt động của Công ty. Ảnh Đức Thiệm
Ông Đặng Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên (thứ ba bên phải) giới thiệu về hoạt động của Công ty. Ảnh Đức Thiệm

Theo lời giới thiệu của một cán bộ tỉnh, từ Đà Lạt, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi xuôi về phía Nam, qua gần 200 km với nhiều đoạn đường đèo dốc để đến với Đạ Tẻh, một trong ba huyện phía Nam của tỉnh. Điều chúng tôi được bà Phan Thị Hồng Loan – Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy chia sẻ là những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện tiếp tục có sự phát triển. Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân nói chung và các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách nói riêng. Nhân dân các dân tộc trong huyện ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, sản xuất, vì vậy đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện đã ngày càng được nâng lên.

Cũng theo bà Loan, huyện Đạ Tẻh có 09 đơn vị hành chính (01 thị trấn, 08 xã), 77 thôn, tổ dân phố. Diện tích tự nhiên là 52.419,33 ha, dân số toàn huyện có 52.972 người với 12.886 hộ, gồm 13 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số 12.162 người (chiếm 23% dân số), dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên có 872 hộ với 3.177 người (chiếm 0,6% dân số). Cùng với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước thì sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cũng bước đầu góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thay đổi cách nghĩ, cách làm của những người dân từ lâu được coi là thuần nông ở đây. Trong số đó phải kể đến sự tiên phong đầu tư của Chi nhánh 2 - Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên (Công ty) tại Thôn 4, xã Đạ Kho.

Người lao động Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên vui vẻ chia sẻ về việc làm, tiền lương ở Công ty. Ảnh Đức Thiệm
Người lao động Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên vui vẻ chia sẻ về việc làm, tiền lương ở Công ty. Ảnh Đức Thiệm

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty – ông Đặng Bằng cho biết, được thành lập và đi vào hoạt động ổn định từ giữa 2018 với ngành nghề may đồ truyền thống Hàn Quốc, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng tình của các đoàn thể và nhân dân trong huyện. Đến nay Công ty sử dụng thường xuyên hơn 150 lao động, trong đó hầu hết là lao động nữ (gần 90%). Doanh thu năm 2020 ước đạt 20 tỷ đồng, quỹ tiền lương bình quân gần 1 tỷ đồng/tháng, thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Công ty là trên 5 triệu đồng/người/tháng ngoài số tiền đã tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định pháp luật.

Ngoài số lao động ổn định trên, Công ty còn tạo việc làm cho không ít người lao động theo mùa vụ trong thời gian sản xuất nông nghiệp nhàn rỗi và một số lao động trẻ em, lao động là người khuyết tật ở địa phương.

Cũng là người lao động địa phương vào làm việc trong Công ty, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty vui vẻ chia sẻ, ngoài việc thực hiện đúng quy định pháp luật về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, Công ty cũng luôn quan tâm chăm lo, động viên khen thưởng người lao động, từ đó đã tạo sự đồng thuận, thúc đẩy thi đua sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống người lao động.

Một ca làm việc của người lao động ở Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên. Ảnh Đức Thiệm
Một ca làm việc của người lao động ở Công ty TNHH Công nghiệp Trân Nguyên. Ảnh Đức Thiệm

Theo đó Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty đã trao đổi và thống nhất ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như trong thời gian nghỉ chờ việc do thiếu đơn hàng hay do lý do khách quan khác (mất điện, nước) thì người lao động được trả 100% tiền lương theo hợp đồng lao động. Ngoài những ngày nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật, người lao động còn được nghỉ thêm và hưởng nguyên lương khi anh chị em ruột mất là 1 ngày, nghỉ khi vợ sinh con là 05 ngày.

Công ty hỗ trợ 100% học phí khi nười lao động tham gia các khoá học nghề do Công ty yêu cầu và cam kết bố trí việc làm tại Công ty sau khi học nghề từ 02 năm trở lên, hỗ trợ triền nhà trọ và tiền xăng xe cho người lao động mức 400.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ bữa ăn giữa ca trị giá 14.000 đồng/suất, trường hợp làm thêm giờ từ 02 giờ/ngày trở lên, Công ty hỗ trợ thêm một bữa ăn nhẹ bằng mì hoặc sữa trị giá bằng 10.000 đồng/người, hỗ trợ quà trung thu 60.000 đồng/người, mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ cho toàn bộ người lao động đã ký hợp đồng lao động đang làm việc tại Công ty.

Chính sách thưởng cũng được Công ty quan tâm trích thưởng từ 10% đến 20% trên giá trị thu được từ các sáng kiến, cải tiến và từ 10% đến 50% giá trị nguyên vật liệu tiết kiệm đối với người lao động, thưởng lương tháng 13 vào dịp tết hằng năm và tổ chức cho người lao động đi tham quan du lịch…

“So với những doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, đô thị phát triển thì quy mô của Công ty chưa lớn, mức tiền lương của người lao động cũng chưa cao, song đối với một địa phương thuần nông như ở huyện Đạ Tẻh thì đây là một trong những điểm sáng đưa công nghiệp về với làng quê, giải quyết việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của địa phương, hơn nữa là tác động tích cực đến thay đổi tư duy kinh tế của người nông dân và tạo diện mạo mới, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở vùng quê Đạ Tẻh” – bà Phan Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đạ Tẻh chia sẻ.

Nguồn: lamdong.gov.vn

Lượt xem: 1.239
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003232124
  •  Đang online: 265
  •  Trong tuần: 446
  •  Trong tháng: 72.112
  •  Trong năm: 1.220.533