TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu người dân nông thôn In trang
22/12/2020 02:32 CH

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Những năm qua, huyện Đạ Tẻh đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho LĐNT, với những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tế của người dân và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Chị em phụ nữ buôn Tố Lan (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) có thêm nguồn thu nhập sau khi tham gia lớp học nghề đan thủ công
Chị em phụ nữ buôn Tố Lan (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) có thêm nguồn thu nhập sau khi tham gia lớp học nghề đan thủ công

Dạy nghề theo nhu cầu

Là một huyện thuần nông, dân cư và dân trí huyện Đạ Tẻh không đồng đều; nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề luôn đặt ra những đòi hỏi bức thiết và cũng là một trong những chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vì vậy, huyện Đạ Tẻh xác định, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, các ngành chức năng tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Từ đó, triển khai việc tuyên truyền, định hướng học nghề cho người dân làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo và đề xuất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phân bổ chỉ tiêu các ngành nghề, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ hướng đi này, huyện Đạ Tẻh đặt ra mục tiêu sau đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn với nhu cầu kiếm tìm việc làm và áp dụng có hiệu quả vào việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của người dân. 

Theo đó, các lớp đào tạo tập trung vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp như cạo mủ cao su, trồng cây lâu năm, chăn nuôi, trồng dâu nuôi tằm, mây tre đan, may mặc, chế biến món ăn và sửa chữa máy nông nghiệp... Đây là những ngành nghề, việc làm mà người dân huyện Đạ Tẻh đang có nhu cầu học hỏi để tìm kiếm việc làm và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Ông Đỗ Phú Hùng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên GDNN - GDTX huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế của LĐNT đăng ký học nghề, Trung tâm đã chủ động triển khai các lớp học tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên. Đối với các ngành nghề phi nông nghiệp, cần sử dụng các trang thiết bị dạy học, chúng tôi mở các lớp ngay tại Trung tâm; đồng thời, dành phần lớn thời gian để học viên thực hành rèn kỹ năng thực tế. Cùng với đó, Trung tâm còn liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tìm kiếm việc làm cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. Đối với các nghề nông nghiệp, chúng tôi đã tìm về tận các thôn, buôn trên địa bàn để tổ chức các lớp học, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con tham gia”.

Theo bà Dương Thị Ngọc Hà - Tổ trưởng đào tạo nghề hướng nghiệp Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đạ Tẻh, việc đưa các lớp dạy nghề nông nghiệp về tận các thôn, buôn trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nổi bật là khích lệ được tinh thần ham học hỏi của các học viên đăng ký tham gia các khóa đào tạo. “Với phương châm đào tạo “cầm tay chỉ việc” cho các học viên, chúng tôi đã chủ động dành phần lớn thời gian đào tạo hướng dẫn học viên thực hành ngay trên vườn cây, đàn vật nuôi của gia đình. Từ đó, các học viên được tiếp cận các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm cây trồng tiên tiến; thực hành các kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, cách nhận biết các dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống… Điều đáng mừng hơn là ngoài những học viên đăng ký, các lớp học còn nhận được sự quan tâm và tham gia của người dân địa phương”.

Học xong có việc làm

Theo thống kê của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đạ Tẻh, trong 10 năm qua (từ 2010 - 2020), toàn huyện đã có hơn 2.460 LĐNT trên địa bàn được đào tạo nghề. Trong đó, riêng năm 2020, đơn vị đã tổ chức được 7 lớp dạy nghề cho hơn 170 LĐNT trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, có 4 lớp dạy nghề phi nông nghiệp (1 lớp chế biến món ăn, 1 lớp may công nghiệp và 2 lớp đan thủ công); 3 lớp nghề nông nghiệp (trồng cây lâu năm, trồng dâu nuôi tằm và thú y). Thông qua các lớp đào tạo, người học được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho chính bản thân và gia đình. Từ đó, theo đánh giá của địa phương, bằng những hình thức khác nhau, hầu hết các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề đều tìm kiếm được việc làm ổn định.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn - cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Vừa qua, trên địa bàn xã có 30 chị em phụ nữ tham gia lớp học đan thủ công tại Trung tâm GDNN - GDTX. Sau khi hoàn thành khóa học, tất cả các chị em đều tìm kiếm được việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình, đặc biệt là lúc nông nhàn. Đối với những chị em làm việc thường xuyên tại các cơ sở đan thủ công có được nguồn thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng; còn những chị em chỉ tranh thủ lúc nông nhàn cũng kiếm thêm được nguồn thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng”.

Trong khi đó, đối với các nghề nông nghiệp, sau khi học nghề, người nông dân đã áp dụng các kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Trong đó, nhiều học viên đã áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng gia trại, trang trại. Bà Vũ Thị Tuất, học viên tham gia lớp học thú y (ngụ Thôn 7, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh), cho hay: “Từ những kiến thức học được, tôi đã xây dựng mô hình nuôi heo với quy mô hơn 100 con heo thịt và mở đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm. Nhờ am hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh đúng quy trình nên đàn heo gia đình ít bệnh tật. Hàng năm, từ nghề nuôi heo và kinh doanh thức ăn gia súc đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng”.

Tương tự, sau khi tham gia học nghề, gia đình chị Ka Đơm (thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal) đã thành công với nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện, với hơn 1 ha dâu đang mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập 130 - 150 triệu đồng/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Ông Hồ Quốc Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh, cho hay: “Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng phát huy hiệu quả, các ngành chức năng và xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người LĐNT biết và tích cực tham gia học nghề. Đồng thời, làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động và thực tế của địa phương để có phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT. Đặc biệt, các ngành chức năng tiếp tục có sự tham mưu để UBND huyện thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gắn với việc làm, nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Lượt xem: 1.395
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003110604
  •  Đang online: 75
  •  Trong tuần: 28.248
  •  Trong tháng: 122.793
  •  Trong năm: 1.099.013