TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao In trang
03/08/2021 06:11 CH

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đạ Tẻh đã và đang bắt tay thực hiện nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, nhiều loại nông sản như trái cây, lúa, điều, được người tiêu dùng đón nhận, giúp thu nhập của nông dân tăng đáng kể.

Sử dụng trạm giám sát côn trùng thông minh để phục vụ công tác dự tính dự báo sâu hại trên cây lúa
Sử dụng trạm giám sát côn trùng thông minh để phục vụ công tác dự tính dự báo sâu hại trên cây lúa

 

Áp dụng công nghệ mới vào sản xuất

Chị Ngô Thị Thùy Dung, ở Thôn 5, xã Đạ Kho đã tiên phong phát triển thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Vườn dưa lưới đã mang lại cho gia đình chị Dung nguồn thu nhập cao, ổn định. Chị Dung cho biết, năm 2019, chị đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà kính rộng hơn 1.000 m2 và trồng 3.000 cây dưa lưới công nghệ cao. Vụ dưa đầu tiên, nhờ hướng dẫn kỹ thuật của công ty giống, chị thu được trên 3,5 tấn. Công ty tiến hành bao tiêu sản phẩm giá 35.000 đồng/kg, trừ các chi phí, vườn dưa lưới đã mang về cho chị gần 70 triệu đồng. 

Ở xã Đạ Lây người dân phát triển được hơn 140 ha bưởi da xanh, trên 70% trong số diện tích này đang cho thu hoạch. Một tín hiệu đáng mừng là từ các tổ hợp tác, hợp tác xã đến các hộ dân đã ý thức được việc sản xuất bưởi theo hướng công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Đương (thôn Hưng Vân) cho biết, do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên sau 6 năm trồng bưởi da xanh, cây cho trái rất sai, giá ổn định thu nhập cao. Năm 2020, gia đình ông được huyện hỗ trợ sử dụng hệ thống tưới tự động thông minh qua smartphone. 

Huyện Đạ Tẻh đã chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cây trồng ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi là: lúa, dâu tằm, cao su, tre tầm vông, tràm lấy gỗ, cây ăn trái. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào quá trình tổ chức sản xuất, đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh nông sản của địa phương trên thị trường. Đồng thời, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất, ứng dụng thành tựu kỹ thuật của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm chất lượng cao theo mô hình liên kết dưới dạng tổ hợp tác. Đồng thời, địa phương tập trung phát triển cây ăn trái có giá trị cao phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, được chuyển đổi từ diện tích đất trồng điều kém hiệu quả; cây trồng chủ yếu là sầu riêng, bưởi, cam, quýt, mít, măng cụt tại thị trấn Đạ Tẻh, xã Đạ Kho, Quốc Oai, Triệu Hải, Quảng Trị, Đạ Lây, Mỹ Đức; sử dụng giống tốt, khả năng kháng sâu bệnh hại, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, công nghệ chăm sóc thông minh. 

Hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng CNC bền vững

Trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành nông nghiệp của huyện phát triển tương đối toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh theo hướng tăng diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm nhanh diện tích cây trồng hiệu quả thấp, trong đó diện tích cây điều giảm 2.964 ha, chuyển sang trồng dâu tằm, cao su, tre tầm vông, cây ăn quả; diện tích lúa không chủ động nguồn nước và vườn tạp giảm 250 ha, chuyển sang trồng dâu tằm, rau, đậu, dưa hấu. Đến năm 2020, diện tích dâu tằm đạt 1.680 ha (tăng 1.227 ha), cây ăn trái 1.880 ha (tăng 1.388 ha), trong đó sầu riêng 960 ha (tăng 860 ha), bưởi da xanh 330 ha (tăng 265 ha).

Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã định hình rõ các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa và từng bước liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, nổi bật là: vùng trồng lúa chất lượng cao và đặc sản Nếp Quýt 1.600 ha, cơ giới hóa làm đất và thu hoạch đạt 100%; vùng trồng dâu tằm 1.680 ha, cơ giới hóa khâu làm đất 85%, thu hoạch 12,7%, ứng dụng tưới phun mưa đạt 45,3%; vùng trồng cây ăn trái diện tích 1.880 ha (sầu riêng, bưởi da xanh, cam, quýt, mít, măng cụt...), cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc đạt 87,5%, ứng dụng tưới tiết kiệm đạt 54,6%. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 97 triệu đồng. Nhiều mô hình kinh tế trang trại của hộ gia đình có diện tích từ 2 - 10 ha, đạt doanh thu trên 5.000 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, cho biết: Huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, tập trung hình thành những vùng nông nghiệp khẳng định thế mạnh của địa phương, như vùng lúa, cao su và cây ăn trái mà thế mạnh là những loại cây có múi. Trong 5 năm tới, huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục chuyển đổi một số loại cây trồng, tập trung vào chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng. Huyện cũng tập trung hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất sạch, an toàn để tạo tính bền vững; tăng cường hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong năm nay, huyện sẽ tổ chức hội nghị kết nối và tiêu thụ nông sản nhằm gắn kết các hộ nông dân, doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ, hình thành các chuỗi liên kết, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. 

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 532
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003118016
  •  Đang online: 67
  •  Trong tuần: 35.660
  •  Trong tháng: 130.205
  •  Trong năm: 1.106.425