TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
45 năm ký ức mở đường In trang
16/12/2022 10:31 SA

 Đạ Lây – Hương Lâm hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày sau 45 năm hình thành và phát triển. Thế nhưng, ký ức về một thời gian khó của những cựu thanh niên xung kích TP Huế xung phong đi mở đường, khai hoang, lập nghiệp vẫn còn vẹn nguyên. Nhớ về những ngày tháng cũ để thấy được bao mồ hôi, công sức cũng như tấm lòng của những cựu thanh niên xung kích đã đắp xây cho vùng đất này ngày càng xanh tươi. 

Người dân xã Đạ Lây chăm sóc bưởi – một trong những cây trồng được chuyển đổi trong thời gian gần đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao

 

DỐC MẠ ƠI – GIAN KHÓ MÀ YÊU THƯƠNG

Trong ký ức của những cựu thanh niên xung kích thì Hương Lâm – Đạ Lây dường như đã trở thành một phần máu thịt với bao nhiêu khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu mở đường, khai hoang.

Theo những người trong cuộc kể lại, 8 giờ sáng ngày 15/12/1977, tại sân Điện Thái Hòa của Đại nội Huế, với sự chứng kiến của các vị lãnh đạo TP Huế, Thành Đoàn Huế đã tổ chức lễ xuất quân và tiễn đưa Trung đoàn 2 thanh niên xung kích rời TP Huế tiến thẳng vào Tây Nguyên với nhiệm vụ tiền trạm, khai hoang, đón dân vào xây dựng vùng kinh tế mới Hương Lâm tại Vùng III Bảo Lộc - Lâm Đồng. Sau đó 3 ngày, Trung đoàn 3 được Thành Đoàn Huế tăng cường hành quân và sáp nhập chung với Trung đoàn 2. Việc đổ quân hoàn thành vào ngày 25/7/1977 với tổng cộng 4 đợt đổ quân của 2 trung đoàn gồm có 14 C, khoảng 1.800 thanh niên nam, nữ của TP Huế tuổi mười tám đôi mươi đăng ký xung kích tình nguyện.

Đồng chí Hoàng Lanh - Bí thư Thành uỷ TP Huế trao cờ quyết thắng cho ông Trung tá Nguyễn Thái Long trong lễ xuất quân lên đường xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng, Đắk Lắk vào năm 1977. Ảnh tư liệu

 

Ông Đỗ Viết Đủ – Trưởng Ban liên lạc thanh niên xung kích Hương Lâm tại huyện Đạ Tẻh nhớ lại: Cửa ngõ vào vùng kinh tế mới Hương Lâm là con dốc dài. Vào thời ấy, con dốc này chỉ được phát vội để mở thành lối đi kịp cho các đơn vị vào sau có chỗ đóng quân. Con dốc này cao trên 40 mét, cuối mùa mưa lầy trơn trợt, trèo lên tuột xuống chứ không như bây giờ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều mang vác khẩu phần 15 kg lương thực trên lưng cùng tư trang, dụng cụ lao động ước chừng 25 kg. Biết bao nỗi nhọc nhằn khi mở đường leo lên đỉnh dốc, trèo lên, tuột xuống, có cả những người ngã lăn quay xiết bao vất vả. Vài cô gái thì ngất xỉu nhiều lần, nhiều anh chị em đã khóc và đã kêu lên 2 tiếng “mạ ơi”. Từ đó, con dốc được gắn liền với cái tên Mạ Ơi cho đến ngày nay.

Sau khi đổ quân, chỉ 1 ngày nghỉ ngơi, các đơn vị thanh niên xung kích đã bắt tay ngay vào lao động, thực hiện chiến địch “Mở đường, dựng lán, lập cơ ngơi”… với các nhiệm vụ cụ thể như khai hoang, mở đường, dựng lán trại để chuẩn bị đón dân vào, giúp dân vận chuyển lương thực thực phẩm, chuyển dụng cụ, vật dụng sinh hoạt vào nơi ở mới, bảo đảm an ninh, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Tháng 3/1978, vùng kinh tế mới Hương Lâm đã đón bà con nhân dân TP Huế với hơn 1.000 hộ dân vào xây dựng quê hương mới. Ngày 15/9/1978, khi người dân đã từng bước ổn định, bắt tay vào vụ thu hoạch đầu tiên, các đơn vị đã được lệnh rút quân, việc rút quân được hoàn thành vào cuối tháng 10/1978.

Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Lâm Đồng, để có lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng, định hình bộ máy chính quyền và các tổ chức của xã mới Đạ Lây, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung kích đã tình nguyện rời xa cuộc sống thành phố để ở lại công tác lâu dài xây dựng xã mới Đạ Lây, huyện mới Đạ Huoai (nay là huyện Đạ Tẻh). 

Tháng 4/1979, trong kỳ bầu cử HĐND xã đầu tiên, nhiều anh chị em thanh niên xung kích đã được giới thiệu ứng cử tham gia vào bộ máy chính quyền xã, được giới thiệu vào các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, sắp xếp chức danh vào các trường học, hợp tác xã mua bán… Do đã được trãi qua khó khăn, thử thách và nỗ lực phấn đấu, học tập không ngừng, họ đã từng bước trưởng thành, nhiều đội viên trở thành đảng viên, được sự tín nhiệm, từng bước được điều động về công tác tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của huyện. Nhiều đội viên đã trở thành cán bộ chủ chốt cấp huyện và nay đã nghỉ hưu.

Một góc hồ chứa nước Đạ Lây – công trình phục vụ tưới tiêu cho cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt của người dân

 

ĐỔI THAY TỪNG NGÀY 

Bộ máy chính quyền xã Đạ Lây mới chính thức được thành lập vào ngày14/3/1979 theo Quyết định số 116/QĐ-CP về việc thành lập huyện Đạ Huoai, và từ đó vùng kinh tế mới Hương Lâm trở thành xã Đạ Lây thuộc huyện Đạ Huoai. Ngày 6/6/1986, sau khi có quyết định chia tách huyện Đạ Huoai thành 3 huyện: Đa Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, xã Đạ Lây được chia thành 2 xã Đạ Lây và Hương Lâm. Đến cuối năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, xã Hương Lâm được sát nhập vào xã Đạ Lây và giữ tên chung là xã Đạ Lây.

Những năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác, người dân chưa quen với vùng đất mới nên năng suất, sản lượng thu hoạch rất thấp. Hàng hóa khan hiếm, lương thực, thực phẩm vô cùng thiếu thốn. Đói rét, bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét đã làm cho lòng dân không yên, đã có gần một nửa số hộ dân không bám trụ nỗi đã rời bỏ địa phương. Đạ Lây có thời điểm chỉ còn chưa tới 400 hộ. 

Ông Trần Phúc Chính – Bí thư Đảng ủy xã Đạ Lây cho biết: Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, xã Đạ Lây hiện có 9 thôn, với tổng dân số là 6.196 khẩu/1.541 hộ. Đảng bộ có 16 chi bộ trực thuộc, với 188 đảng viên. Mặc dù có nhiều yếu tố khách quan không thuận lợi qua từng thời kỳ lịch sử, song với nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã cùng với Nhân dân khắc phục được khó khăn, các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội qua các nhiệm kỳ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, xã Đạ Lây đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Xã Đạ Lây là vùng cây ăn trái trọng điểm của huyện, với diện tích 549 ha gồm các cây chủ lực như sầu riêng, quýt, bưởi; cùng với cây cao su, dâu tằm, tầm vông, mía…đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

 Toàn xã có trên 200 hộ sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ với các ngành nghề xăng dầu, phân bón, sửa chữa xe máy, hàn, tiện, thu mua nông sản, các dịch vụ phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và nhất là nhiều quán ăn mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực Huế như cơm hến, bánh lọc, chả giò, bún bò Huế đã tạo được sức hấp dẫn hành khách các nơi về thưởng thức. Hiện, xã đã có những sản phẩm được công nhận thương hiệu như Bưởi da xanh, Hạt điều rang muối, chả giò, bánh lọc Huế…

Bánh lọc được người dân Huế chế biến tại Đạ Lây đã tạo nên thương hiệu cho vùng đất này

 

Từ chỗ cơ sở hạ tầng chỉ là những con đường đất nắng bụi, mưa lầy, đến nay, hệ thống giao thông phát triển mạnh, xã có đường Tỉnh lộ 721 đi qua với chiều dài 4,2 km đến các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk... Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã hầu hết đã được bê tông hoá, nhựa hoá, 100% thôn có đường ô tô đến từng ngõ xóm; hệ thống cầu, cống được xây dựng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. 

Xã Đạ Lây được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019. Hiện nay, Nhân dân và cán bộ xã nhà đang phấn đấu xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Theo quy hoạch vùng, đến năm 2035, Đạ Lây sẽ trở thành đô thị thứ 2 của huyện Đạ Tẻh. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng quy hoạch và sẽ thu hút đầu tư Khu công nghiệp Nam Lâm Đồng tại xã Đạ Lây với diện tích 500 ha khi có đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. 

Đi đôi với việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội thì công tác xây dựng đảng được Đảng bộ xã Đạ Lây củng cố, kiện toàn trên cả 3 mặt, “chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Trong những năm qua, Đảng bộ xã Đạ Lây luôn giữ gìn và phát huy tính đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đồng thời, chú trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, nhất là đảng viên là người dân tộc thiểu số. 

Những vườn sầu riêng trù phú trên địa bàn xã Đạ Lây

 

Từ một chi bộ ban đầu chỉ có 4 đảng viên, thì đến nay, trải qua 6 kỳ đại hội, số đảng viên trong đảng bộ tăng lên 188 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ trực thuộc. 100% thôn, cơ quan, trường học đều có chi bộ lãnh đạo trực tiếp. Trong thời gian qua, Đảng bộ xã Đạ Lây luôn được huyện đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Trong những năm đến, Đạ Lây sẽ có những thời cơ và thuận lợi để phát huy lợi thế của địa phương, đặt ra nhiều hứa hẹn đột phá trong những năm tiếp theo cho Đảng ủy, Chính quyền và Nhân dân trong x; đồng thời, tiếp tục nêu cao ý chí quyết tâm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng xã Đạ Lây trở thành thị trấn thứ 2 của huyện Đạ Tẻh, là vùng đất đáng sống.

Ban liên lạc thanh niên xung kích Hương Lâm tại huyện Đạ Tẻh được hình thành trong dịp kỷ niệm truyền thống 10 năm vào ngày 20/12/1987. Trong 40 năm gần đây, Ban liên lạc đã cùng các đồng đội cũ cư trú tại huyện Đạ Tẻh và các tỉnh thành lân cận ở phía Nam đã gắn kết, liên lạc cùng nhau tổ chức được 40 kỳ họp mặt truyền thống hàng năm; tổ chức sinh nhật và mừng thọ, hỗ trợ bốc hài cốt đồng đội; tham gia tổ chức tang lễ, phúng viếng cho đội viên và người thân đội viên qua đời; vận động góp tiền xây lăng mộ nghĩa tình đồng đội; vận động đóng góp tương trợ cho gia đình đội viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc ốm đau… 

Nguồn: BaoLamDong.vn

Lượt xem: 737
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003235411
  •  Đang online: 78
  •  Trong tuần: 3.733
  •  Trong tháng: 75.399
  •  Trong năm: 1.223.820