Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) đã cùng người dân phát huy thế mạnh đất đai để trồng trọt, chăn nuôi; đa dạng hóa các ngành nghề ở nông thôn. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
|
Mô hình Nuôi dế kết hợp chăn nuôi gà của người dân thôn Sơn Thủy mang lại hiệu quả rõ rệt |
Xã Đạ Lây có 1.541 hộ, 6.196 nhân khẩu; diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 3.496 ha. Trong những năm qua, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những vườn điều già cỗi đã được chuyển thành vườn trái cây trĩu quả như: bưởi da xanh, mít thái, sầu riêng…
Với diện tích cây lâu năm là 1.708 ha, trong đó: dâu tằm 56 ha, điều 420 ha, tre tầm vông 65 ha, cây ăn quả 540 ha; đã giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định. Như hộ gia đình ông Nguyễn Đức Thanh, Phan Dũng ở thôn Phú Thành; Nguyễn Trung Hiếu, Lê Thị Lệ Thủy thôn Hương Thanh…
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/người/năm. Năm 2022, UBND xã Đạ Lây đã triển khai vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế với diện tích trên 45 ha. Lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chuyển đổi đợt 1 đối với 14 hộ đã chuyển đổi cây trồng từ năm trước. Nhờ vậy, người dân tích cực hưởng ứng và thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng.
Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết, những năm qua, người dân địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi những vườn điều già cỗi sang trồng cây ăn quả. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Xã hiện có 3 hợp tác xã (HTX) về nông nghiệp và 5 tổ hợp tác. Trong năm, UBND xã đã vận động thành lập mới 2 HTX sầu riêng, thông qua đó để đăng ký mã vùng trồng cho cây sầu riêng. Có thể nói, nhờ đa dạng sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mà người dân ở xã đã có nhiều thay đổi về thu nhập, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì việc đa dạng hóa các ngành nghề ở nông thôn cũng giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định. Toàn xã hiện có 3 sản phẩm OCOP là hạt điều, bánh lọc, chả Huế đã được công nhận. Hiện, sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan của xã đang được tiến hành làm các thủ tục để được công nhận là sản phẩm OCOP thứ 4 của Đạ Lây. Tuy chiếm tỷ trọng còn thấp, song công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương vẫn duy trì và có bước phát triển ở các ngành nghề như xây dựng, kỹ nghệ sắt, đan lát, thủ công mỹ nghệ... góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn xã có 134 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Có 22 công ty, doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng mặt trời với công suất 13MW và 4 công ty sản xuất công nghiệp chế biến như đan lát, chế biến hạt điều, sản xuất gạch tuynel tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương có cuộc sống ổn định.
Chỉ trong năm nay, UBND xã Đạ Lây đã chỉ đạo bộ phận khuyến nông của xã thực hiện 3 mô hình phát triển kinh tế giúp người dân. Đó là các mô hình : trồng ngô sinh khối chăn nuôi bò, nuôi dế kết hợp chăn nuôi gà, nuôi heo rừng lai. Đây là 3 mô hình khởi điểm, là hướng đi mới cho các hộ dân địa phương.
Ông Phan Văn Quốc - cán bộ địa chính, nông nghiệp, xây dựng xã Đạ Lây cho biết, đây là những mô hình làm kinh tế mới ở địa phương. Cả 3 mô hình xây dựng từ đầu năm đến nay đạt được nhiều kết quả. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng sang các nông hộ khác.
Bà Nguyễn Thị Ba ở thôn Sơn Thủy là người trực tiếp làm mô hình nuôi dế kết hợp chăn nuôi gà cho biết, gia đình chăn nuôi gà bước đầu rất hiệu quả, thu nhập tốt vì vừa bán được gà vừa bán được dế giống. Trung bình gà bán với giá khoảng 90 nghìn đồng/kg; còn dế giống thì bán theo khay với khoảng 150 nghìn đồng/khay.
Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Đạ Lây tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy Đạ Tẻh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ gắn với xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương tổ chức lại các mô hình sản xuất thực sự hiệu quả, tập trung chỉ đạo sản xuất các loại cây trồng theo đúng chủ trương, định hướng của UBND huyện như cây ăn trái, tầm vông, dâu tằm…
Cùng đó, sẽ phát triển đàn gia súc theo hướng nạc hoá đàn lợn, sind hóa đàn bò, tận dụng phân chuồng để cải tạo đất đai. Vận động những hộ có đủ điều kiện, khả năng để phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khuyến khích Nhân dân đầu tư vốn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác...
Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đa dạng hóa ngành nghề nông thôn mà đến nay xã còn 26 hộ nghèo (chiếm 1,75%); địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020 - 2024 theo nghị quyết của đảng ủy, kế hoạch của UBND xã đề ra. Tập trung xây dựng và thực hiện trong năm 2022 đạt thêm 2 tiêu chí đó là tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí trường học; nâng tổng tiêu chí đã đạt được 9/15 tiêu chí, diện mạo nông thôn mới thay đổi rõ rệt.
Nguồn: BaoLamDong.vn