Khi các vật nuôi khác như bò, heo, gà, vịt đang dần bão hoà do giá cả, thị trường, dịch bệnh và số hộ, doanh nghiệp, công ty lớn tham gia sản xuất… mô hình tự nhân giống và nuôi cá chạch lấu trên ao nổi ở Tây Ninh mang lại hiệu quả cần được nhân rộng, góp phần phát triển chăn nuôi khép kín…
Thông tin về “Hiệu quả mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu (Mastacembelus Favus) trên ao nổi” đạt giải Nhì (không có giải Nhất) Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 năm 2020-2021 đã thu hút chúng tôi đến với vùng biên giới Tân Biên.
|
Anh Giàu và con trai thu hoạch cá chạch lấu nuôi tại ao nuôi cá chạch lấu của gia đình ở ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. |
Trang trại nuôi cá chạch lấu của anh Nguyễn Văn Giàu (1965) nằm giữa cánh rừng cao su tận vùng sâu ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Bình- địa phương đang nỗ lực xây dựng “Xã nông thôn mới nâng cao”.
Ở nơi ấy, lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt quan sát và vô cùng thích thú với quy trình nuôi, nhân giống và thu hoạch cá chạch lấu- loài cá chạch nước ngọt có kích thước lớn, thơm ngon dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao, đang góp phần đa dạng hoá và nâng cao giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh.
Mang cá chạch lấu về Tây Ninh
Tiếp chúng tôi tại trang trại, chia sẻ về nghề nuôi trồng thuỷ sản, anh Giàu cho biết quê gốc ở miền Tây sông nước (An Giang). Cuộc đời anh là chuỗi ngày “lang bạt kỳ hồ” với nhiều nghề nghiệp, nhiều vùng đất nghĩa tình, mà Tây Ninh là một trong số đó.
nh đã có thời gian dài hơn 10 năm nuôi tôm, nuôi lươn ở Kiên Giang rất thành công; có hơn 5 năm kinh doanh gỗ ở Tây Ninh nhưng …thất bại và gần như phá sản.
Thế nhưng quãng thời gian “truân chuyên” trong cuộc mưu sinh cho anh nhiều kinh nghiệm quý báu. Năm 2010, gia đình anh chính thức định cư ở Tây Ninh và trở lại với nghề nuôi cá, nuôi lươn- đặc biệt là nuôi cá chạch lấu.
Cá chạch lấu có khả năng sinh sống và phát triển trong môi trường nước ngọt, lợ nên thường được nuôi ở các tỉnh miền Tây hoặc các địa phương có điều kiện về kênh, rạch, ao, hồ.
Để nuôi cá chạch lấu thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, quyết định sự thành - bại trong vụ nuôi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và khu vực miền Đông Nam bộ hầu như chưa có mô hình sản xuất và cung cấp con cá chạch lấu giống.
Các hộ chăn nuôi phải đặt mua cá chạch lấu giống tận Cần Thơ, Hậu Giang nên quá trình vận chuyển con giống thường rất khó khăn và có tỷ lệ hao hụt cao nếu vận chuyển không đúng cách.
Anh Giàu nhận thấy Tây Ninh là tỉnh nông nghiệp có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh nhờ công trình hồ nước Dầu Tiếng, có tiềm năng và điều kiện tự nhiên thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Anh lại được sự động viên, hỗ trợ của Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông huyện Tân Biên, anh Giàu quyết định đưa cá chạch lấu về Tây Ninh, tiên phong xây dựng “Mô hình nhân giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chạch lấu trên ao nổi”.
Qua quá trình nuôi và thử nghiệm, năm 2020, anh Giàu cho cá chạch lấu sinh sản thành công với số lượng lớn (vài trăm ngàn con/đợt), cá con giống khoẻ mạnh, cung cấp cho nhiều hộ nuôi có nhu cầu trong và ngoài tỉnh; cá nuôi thương phẩm thích nghi và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá chạch lấu ở Tây Ninh.
Thử nghiệm quy trình nhân giống cá chạch lấu
Để thực hiện mô hình, anh Giàu mua 5.000 con cá giống ở tận Cần Thơ với giá 10.000 đồng/con (có kích thước khoảng 8cm/con); quá trình nuôi anh chọn cá bố mẹ khoẻ mạnh dưỡng lớn, bắt đầu quy trình nhân giống tại trang trại.
Sau nhiều lần thử nghiệm quy trình cho cá chạch lấu sinh sản, anh Giàu nhận thấy cá bố mẹ đạt trên 2 năm tuổi sẽ cho lượng trứng nhiều, khả năng thụ tinh cao, tỷ lệ cá bột nở nhiều và cá con có sức đề kháng mạnh.
Thông thường vào khoảng tháng 12 (âm lịch), anh Giàu chọn cá bố mẹ có kích thước đạt tiêu chuẩn để nuôi vỗ lứa đầu trên những ao riêng với mật độ thích hợp và thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao; đến tháng 3 là có thể cho cá sinh sản, kéo dài đến tháng 9 với chu kỳ 1-1,5 tháng/lứa cá giống.
Anh Giàu cho biết, mỗi năm, anh có thể nhân được từ 3-6 lứa cá giống, tuỳ theo nhu cầu của thị trường, với số lượng khoảng 100.000 con cá giống/lứa.
Hiện tại, quy trình nhân giống cá chạch lấu tại trang trại anh Giàu khắc phục được những nhược điểm như: chọn cá bố mẹ có tuổi thành thục, kỹ thuật ghép đôi, thu hoạch trứng - tinh trùng, giao phối, ấp trứng, ương nuôi cá bột (môi trường ương nuôi, chăm sóc, chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bột)…
Vì vậy, nên tỷ lệ cá chạch lấu nở cao (85% - 90%) và tỷ lệ nuôi cá bột đến xuất bán con giống có tỷ lệ hao hụt thấp; con giống đạt chất lượng ổn định, đồng đều khi xuất bán hay chuyển nuôi thương phẩm.
Chị Phạm Thị Thu Hiền- cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trang trại cá của anh Giàu được xem là mô hình nuôi sinh sản nhân tạo cá chạch lấu với quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, góp phần giải quyết nhu cầu con giống cho các hộ nuôi có nhu cầu tại các địa phương và khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên…”.
Nuôi cá chạch lấu thương phẩm mang lại hiệu quả cao
Trên diện tích 1 ha đất, anh Giàu làm 8 ao nuôi có diện tích 100m2 và 200m2/ao. Việc phân chia ao có diện tích khác nhau để nuôi 3 loại cá chạch lấu ở những thời kỳ trưởng thành khác nhau: 3 tháng (cá bột), 5 tháng và 7 tháng thuận tiện cho việc thu hoạch xuất bán hằng ngày.
Do nuôi cá chạch lấu trong ao nổi nên chỉ cần đào bỏ lớp đất mặt với độ sâu khoảng 30m-40cm; phần đất đào lên này dùng để đắp thành bờ bao (độ cao từ đáy ao đến mặt bờ bao khoảng 1,2m-1,5m).
Với tổng diện tích ao nổi là 1.400m2, mật độ cá chạch lấu được thả khoảng 100 con/m2. Toàn bộ ao nổi và bờ bao được lót nhựa trơn dày có khả năng chống thấm và tránh gây tổn thương cho cá. Bên trong ao có hệ thống quạt để tạo dòng chảy và tăng lượng oxy hoà tan trong nước.
Nước dùng nuôi cá là nước ngầm được bơm từ giếng khoan đã được xử lý đạt chuẩn trước khi cho vào ao, giúp hạn chế sự phát triển của các loại tảo, nấm ảnh hưởng đến chất lượng ao nuôi cũng như sức khoẻ, sự tăng trưởng của cá.
Với việc sử dụng nước ngầm, anh Giàu chỉ cần định kỳ 1 tuần/lần xử lý đáy ao bằng chế phẩm sinh học và thay nước 2 lần/tuần với lượng nước thay khoảng 1/3 đến 1/2 nước trong ao nuôi, bảo đảm môi trường cho cá sinh trưởng tốt.
Trong các ao nuôi, giá thể bằng lưới nhựa (lưới rào gà) cuộn tròn, bố trí theo hàng trong ao để làm nơi cho cá trú ẩn, mật độ cá nuôi tùy thuộc số lượng giá thể.
Anh Giàu chia sẻ: “Nếu nuôi ao đất dùng chà tre, ống tre hoặc ống nhựa làm giá thể thì mật độ tối đa chỉ khoảng 40-50 con/m2, còn khi sử dụng giá thể bằng lưới có thể nuôi đến 100-120 con/m2 vẫn bảo đảm cá tăng trưởng tốt; bên cạnh đó, giá thể bằng lưới có độ bền cao, có thể sử dụng nhiều năm, lại không ô nhiễm ao nuôi và việc kiểm tra chăm sóc, thu hoạch cũng dễ hơn so với sử dụng giá thể từ tre nứa hay ống nhựa Bình Minh”.
|
Anh Nguyễn Văn Giàu- tác giả mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao nổi. |
Do các ao nuôi cá chạch lấu ở trang trại anh Giàu thiết kế trong vườn cao su nên được cây che nắng, giúp điều hoà nhiệt độ tối ưu; anh Giàu còn làm thêm lưới che trên toàn bộ diện tích các ao cá, ngăn chim trời làm hại cá và lá cao su rụng gây ô nhiễm ao nuôi với chi phí thấp.
Đặc biệt, mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm của anh Giàu thiết kế theo dạng “Vườn - ao - ao”: nước thải ở các ao nuôi cá chạch lấu khi thay chỉ cần mở van xả là có thể tưới cho vườn cây cao su, giúp cây sinh trưởng tốt và giảm lượng phân bón cho cây trồng mà vẫn bảo đảm năng suất cho mủ.
Bên cạnh đó, trang trại còn có một ao nuôi chìm là nơi để xả nước (khi thay nước nuôi cá chạch lấu) với diện tích khoảng 3.000m2 dùng nuôi các loại cá tạp (trắm cỏ, cá trê, cá rô, diêu hồng…), tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa trong ao nuôi cá chạch thay ra, giúp giảm chi phí đáng kể để tăng nguồn thu nhập.
Cá chạch lấu sau 7 tháng nuôi có thể bán dần cá lớn (khi cá đạt khoảng 250-300g/con) với giá trên 200.000 đồng/kg; cá có tháng tuổi nuôi càng dài thì trọng lượng càng lớn và giá bán cao hơn (khoảng 300.000 đồng/kg nếu cá đạt trọng lượng trên 400g/con).
Tuỳ theo giá cả thị trường, còn có thể nuôi thúc cá lớn nhanh để bán được giá cao khi thị trường khan hiếm, hoặc neo cá lại để tiếp tục vỗ béo, tăng trọng chờ giá cao lên khi thị trường có tình trạng cung vượt cầu- đây là một ưu điểm của nuôi cá chạch lấu.
Do tỷ lệ hao hụt thấp (chỉ khoảng 2%), mỗi vụ nuôi, anh Giàu thu hoạch khoảng 50 tấn cá, mang lại khoản lợi nhuận gần 8 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí (trên tổng thu nhập gần 14 tỷ đồng/vụ nuôi). Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao trên cùng đơn vị diện tích nuôi so với các loại thuỷ sản khác.
Góp phần tăng giá trị ngành thuỷ sản Tây Ninh
Cá chạch lấu là loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, cung cấp chủ yếu cho các siêu thị, nhà hàng, quán ăn và xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản…
Anh Nguyễn Văn Giàu cho biết, trang trại anh cung cấp con giống và hướng dẫn thiết kế ao nuôi, quy trình nuôi cá chạch lấu cho hơn 30 cơ sở trong tỉnh và nhiều hộ chăn nuôi ngoài tỉnh.
Khách hàng ở các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đăk Lăk và Đăk Nông đặt con giống với số lượng lớn nhưng hiện chưa xuất được do dịch bệnh Covid- 19.
Đã có một số thương lái ở miền Bắc đề nghị ký hợp đồng bao tiêu từ 2-4 tấn/tháng với giá cố định 240.000 đồng/kg (đối với cá 300g/con) và 280.000 đồng/kg (nếu cá đạt trên 400g/con) để xuất khẩu.
Khi các vật nuôi khác như bò, heo, gà, vịt đang dần bão hoà do giá cả, thị trường, dịch bệnh và số hộ, doanh nghiệp, công ty lớn tham gia sản xuất…mô hình tự nhân giống và nuôi cá chạch lấu trên ao nổi mang lại hiệu quả cần được nhân rộng.
Mô hình nuôi cá chạch lấu góp phần phát triển chăn nuôi khép kín theo mô hình “Vườn - ao - ao”, “Vườn - ao - chuồng”, nhằm tiết kiệm chi phí chăn nuôi, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, đem lại thu nhập cao cho người nuôi.
Danviet.vn