TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
An Nhơn hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất In trang
16/01/2022 02:39 CH

Là một trong 11 xã điểm của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng xã văn hóa NTM, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Nhơn (Đạ Tẻh) đã chung sức, đoàn kết để vượt qua khó khăn; từng bước thực hiện các mục tiêu, tiêu chí. Theo đó, năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2020, xã được công nhận NTM nâng cao; đến nay, xã đang hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu về sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được duy trì và phát triển ở một số mặt hàng nông sản của xã An Nhơn.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được duy trì và phát triển ở một số mặt hàng nông sản của xã An Nhơn.

 

• ĐỔI MỚI TỔ CHỨC SẢN XUẤT

Nhằm phát triển sản xuất, xã An Nhơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương, hoàn thiện việc quy hoạch vùng và mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gắn với ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện liên kết với các công ty giống để gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chế biến và đóng gói bao bì sản phẩm lúa giống mang nhãn hiệu “Lúa nếp quýt Đạ Tẻh” để tạo nguồn hàng hóa giá trị cao, cung ứng cho thị trường. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP, GlobalGAP được duy trì mỗi năm.

Đối với diện tích khoảng 500 ha cây điều, xã đã thực hiện đánh giá hiện trạng và triển khai đề án cải tạo, thâm canh và chuyển đổi để phát triển loại cây này theo hướng bền vững. Đầu tư chăm sóc và hỗ trợ trồng tre tầm vông tại thôn Tố Lan. Vận hành và phát huy hiệu quả của HTX Thương mại, dịch vụ Nông nghiệp Quyết Tâm và HTX Sơ chế tre tầm vông Tố Lan. Riêng HTX sơ chế tre tầm vông đã ký kết các hợp đồng với Công ty TNHH Tre trúc Thiên Phúc ở tỉnh Đồng Nai thu mua tre cho bà con. Chú trọng phối hợp với các ban, ngành để đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, triển khai các gói hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. 

Trong năm 2021, xã An Nhơn đã thực hiện mô hình thử nghiệm thích ứng của giống lúa ST25 với diện tích 2,5 ha; chương trình lúa chất lượng cao ST24 diện tích 45 ha; sản xuất lúa VietGAP 600 ha; các mô hình này đều cho năng suất bình quân 55 tạ/ha. Chương trình hỗ trợ trồng dặm tre tầm vông trên diện tích cũ 27,3 ha đã hoàn thành. Thực hiện chuyển đổi 75 ha cây ăn trái và đang thực hiện mô hình 0,1 ha rau, hoa công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ bắp được 115 ha. Toàn xã có 790 hộ nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 15 hộ ghi chép theo dõi nhật ký sản xuất, chăn nuôi; 9 hộ sản xuất ký theo quy trình GlobalGAP và VietGAP…

• TỪNG BƯỚC NÂNG CAO THU NHẬP

Nếu như tại thời điểm công nhận xã NTM (2015), thu nhập bình quân đầu người của xã An Nhơn đạt 25 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2021 tăng lên 49 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt hơn, An Nhơn là một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, Tày, Nùng... sinh sống, nên việc tạo sinh kế để bà con thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế là một điều hết sức quan trọng. 

Theo đó, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các phòng, ban để chuyển giao khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề cho bà con. Năm 2021, 9 lớp tập huấn đã được tổ chức với 700 lượt người tham gia về chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng: điều, lúa, ngô, tầm vông. Tại thôn Tố Lan là nơi có đông đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống, Hội Phụ nữ xã đã mở 1 lớp mây tre đan với 25 hội viên tham gia. Nhờ vậy, trong 700 hộ đăng ký đạt danh hiệu kinh doanh - sản xuất giỏi các cấp của xã có đến 30 hộ cấp tỉnh, 99 hộ cấp huyện và 140 hộ cấp xã. 

Mặt khác, để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, xã An Nhơn đã tích cực vận động tinh thần đoàn kết, tương trợ trong các nông hộ. Các nông hộ sản xuất - kinh doanh giỏi ở địa phương giúp đỡ cho 3 hộ nghèo phát triển kinh tế. Trong năm, các nông hộ đã thực hiện cho vay không lấy lãi 42 triệu đồng, hỗ trợ 135 kg lúa giống, các chi hội nông dân cho 38 hộ vay với số tiền trên 226 triệu đồng. Hội Nông dân xã cũng đã đứng ra tín chấp với các đại lý để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm cho 12 hộ dân khó khăn với số tiền 45 triệu đồng. 

Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu về sản xuất; chính quyền địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực phối hợp để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tới đây, xã An Nhơn sẽ tập trung khắc phục khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc phải đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp lớn để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, duy trì những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; từng bước thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. 

Có thể khẳng định, đổi mới tổ chức sản xuất chính là yếu tố góp phần quyết định, tạo ra tiềm lực kinh tế cho các doanh nghiệp, HTX, hộ dân trên địa bàn xã An Nhơn, thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu. Từ năm 2015 đến nay, xã đã đạt được nhiều kết quả quan trọng từ sự đổi mới này như: tổng diện tích gieo trồng đạt 2.671 ha; tổng sản lượng lương thực đạt 9.691 tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 105 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể…

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 525
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003032288
  •  Đang online: 58
  •  Trong tuần: 13.808
  •  Trong tháng: 83.697
  •  Trong năm: 83.697