Đạ Tẻh là địa phương đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng xuất hiện ca bệnh Covid-19 vào ngày 2/7. Sau hơn 10 ngày “thần tốc” khoanh vùng, dập dịch, đến nay, tình hình dịch bệnh tại huyện Đạ Tẻh đã cơ bản được khống chế với 6 ca mắc được ghi nhận tại thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (5 ca) và Tổ dân phố 9, thị trấn Đạ Tẻh (1 ca) đều nằm trong chuỗi lây nhiễm của ca bệnh từ TP Hồ Chí Minh về địa phương.
|
Ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh thăm, động viên lực lượng chống dịch tại các chốt kiểm soát trên địa bàn |
Vậy, đâu là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống để khống chế nhanh, không để dịch bệnh lây lan? Ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Đạ Tẻh đã chia sẻ với phóng viên Báo Lâm Đồng xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, ngay khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện, địa phương đã triển khai nhanh chóng những biện pháp gì?
Ông Tống Giang Nam: Trước khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên, thì huyện đã có sự chủ động, chuẩn bị phương án ứng phó với tình hình dịch theo từng cấp độ; chuẩn bị vật tư, thuốc men, thiết bị y tế, các khu cách ly, khu điều trị; chuẩn bị lực lượng tham gia chống dịch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho lực lượng nòng cốt.
Do đó, ngay khi nhận được tin của CDC Lâm Đồng báo có ca dương tính vào sáng 2/7, chưa đầy 30 phút sau, huyện đã ra lệnh khẩn cấp phong toả tạm thời 2 lớp. Lớp thứ nhất là phong toả toàn bộ thôn Phú Hoà, xã Mỹ Đức nơi phát hiện ca dương tính; lớp thứ 2 là phong toả toàn bộ xã Mỹ Đức, khoá toàn bộ các tuyến đường ra vào xã.
Các biện pháp khác cũng được tiến hành gần như đồng bộ là phun khử khuẩn thôn Phú Hoà và các khu vực có nguy cơ cao; khẩn trương tiến hành truy vết, truy đến đâu lấy mẫu xét nghiệm đến đó, thực hiện cách ly ngay F1, F2; phong toả và phun khử khuẩn điểm dịch. Ngay trong chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện đã đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh ra quyết định phong toả thôn Phú Hoà và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Mỹ Đức.
Quá trình truy vết phát hiện thêm 1 trường hợp tại Tổ dân phố 9, thị trấn Đạ Tẻh. Ngay sau khi kết quả test nhanh cho dương tính, huyện đã lập tức cho phong toả tạm thời cụm dân cư nơi phát hiện ca dương tính này. Đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định thì chính thức phong toả khu vực này.
Song song với việc truy vết thì huyện cũng khẩn trương kích hoạt các khu cách ly, khu điều trị để thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo cách ly tập trung và điều trị ngay tại địa phương. Hiện nay, huyện đã kích hoạt 4 khu cách ly tập trung với 250 chỗ. Khu điều trị hiện đã tiếp nhận điều trị 8 trường hợp dương tính; trong đó, có 6 trường hợp của huyện Đạ Tẻh và 2 trường hợp tiếp nhận từ huyện Đạ Huoai.
Huyện đã chủ động thực hiện dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Tuy nhiên, riêng về nhân lực, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Sở Y tế, CDC tỉnh và thành phố Bảo Lộc trong công tác điều tra truy vết và điều trị bệnh nhân rất kịp thời.
Sau khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện 1 ngày, chiều 3/7, UBND huyện đã ban hành văn bản hoả tốc triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm kịp thời kiểm soát tình hình, khoanh vùng, dập dịch có hiệu quả. Áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người từ 15 giờ 00 ngày 3/7 trên địa bàn toàn huyện với nhiều biện pháp quyết liệt được triển khai.
Với những biện pháp cấp bách được triển khai quyết liệt ngay từ đầu, đến nay, ổ dịch trên địa bàn huyện cơ bản đã được kiểm soát. Các trường hợp dương tính phát sinh sau ca đầu tiên đều đang trong khu cách ly tập trung. Cho đến nay, sau 13 ngày liên tục, huyện không phát sinh ca mắc mới.
|
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng ủng hộ nhu yếu phẩm cho người dân vùng giãn cách xã hội |
PV: Song song với công tác phòng chống dịch bệnh thì việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng giãn cách nói riêng và Nhân dân trong huyện Đạ Tẻh nói chung được thực hiện như thế nào?
Ông Tống Giang Nam: Cùng với những biện pháp cấp bách, khẩn trương để khoanh vùng, truy vết, dập dịch, huyện đã chỉ đạo kịp thời một số nhiệm vụ cấp bách khác như: Kiểm tra đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, không để xảy ra tình trạng Nhân dân đổ xô mua tích trữ hàng hoá; không để xảy ra khan hiếm hàng hoá, ghim hàng, nâng giá… Có phương án đảm bảo việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là trong vùng phong toả, giãn cách và trên địa bàn toàn huyện.
Nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội được huyện đặc biệt quan tâm nên đã chỉ đạo rà soát, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khó khăn trong vùng phong toả, giãn cách và cả những trường hợp khác trên địa bàn huyện gặp khó khăn.
Ngay từ những ngày đầu tiên khi xảy ra dịch bệnh cho đến nay, ngày nào cũng có những tổ chức và cá nhân tặng tiền, gạo, thực phẩm, nước uống cho bà con vùng phong toả và các chốt kiểm soát, khu cách ly. Một số nơi nhận được nhiều quà lại tự giác chia sẻ cho người khác.
Nhìn chung, đời sống Nhân dân vùng phong toả, giãn cách cũng như Nhân dân trong huyện cơ bản đảm bảo và ổn định.
|
Chị em phụ nữ nấu ăn phục vụ tại khu cách ly |
PV: Được biết, xã Mỹ Đức sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 23/7, vậy những bước chuẩn bị tiếp theo cho đến ngày dỡ bỏ giãn cách của huyện như thế nào? Đồng thời, huyện làm gì để ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào địa phương trong thời điểm phức tạp như hiện nay?
Ông Tống Giang Nam: Hiện nay, thôn Phú Hoà và xã Mỹ Đức đã thực hiện phong toả và giãn cách được 14 ngày. Huyện đã quyết định trước mắt sẽ tiếp tục thực hiện phong toả và giãn cách đủ 21 ngày sau đó đánh giá tình hình để có quyết định tiếp theo cho phù hợp.
Xác định hiện tại ổ dịch bên trong huyện đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài vào là rất lớn, do tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành lân cận ngày càng phức tạp. Huyện đã thành lập 16 chốt kiểm soát, khoá chặt đường ra vào huyện, kể cả đường mòn, lối mở, đường sông. Người dân trong huyện không ra khỏi địa phương trừ trường hợp đặc biệt. Toàn bộ người về huyện được kiểm soát chặt chẽ và được cách ly theo đúng quy định.
Hiện nay, huyện cũng đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ người từ các địa phương về Đạ Tẻh từ ngày 28/6 đến nay; đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại chợ, Bách hoá Xanh, một số cơ sơ sản xuất có đông công nhân… và kết quả đều âm tính.
|
Bất chấp mưa gió, các lực lượng nhanh chóng chuẩn bị trang thiết bị để kích hoạt khu cách ly mới |
PV: Là địa phương đầu tiên xuất hiện ca Covid-19 của tỉnh nhưng có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, Đạ Tẻh đã thực hiện rất tốt công tác khoanh vùng, dập dịch, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế?
Ông Tống Giang Nam: Từ những việc làm sát với tình hình thực tế, chúng tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm. Đầu tiên phải kể đến đó là sự chỉ huy thống nhất, mà trực tiếp là vai trò của đồng chí Bí thư cấp uỷ; phân công rõ ràng theo từng đầu mối để anh em chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền. Từ khi xảy ra dịch đến nay, Thường trực Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo một số cơ quan nòng cốt trong chống dịch đã ăn sáng, trưa, tối tập trung. Qua đó, rất thuận lợi cho việc trao đổi thống nhất nội dung và chỉ đạo kịp thời. Bản thân tôi, 10 ngày đầu xảy ra dịch đã ăn nghỉ ngay tại nhà khách cơ quan cùng với một số anh em để chỉ đạo.
Ngoài ra, để chống dịch hiệu quả thì phương châm lãnh đạo là dám nghĩ, dám quyết và dám chịu trách nhiệm; phải hết sức quyết đoán và kịp thời; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tranh thủ được sự đồng tình, đồng thuận, góp sức của Nhân dân trong công tác phòng chống dịch.
PV: Chân thành cảm ơn ông và chúc huyện Đạ Tẻh sớm khống chế được dịch bệnh!
|
Cùng với sự nỗ lực của địa phương thì huyện còn nhận được sự hỗ trợ về nhân lực y tế của Sở Y tế, CDC Lâm Đồng và thành phố Bảo Lộc |
|
Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt Mỹ Đức |
Nguồn: baolamdong.vn