Nhờ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
|
Nhờ được tiếp cận với nguồn vay vốn Ngân hàng CSXH, đời sống gia đình anh Huy được nâng lên rõ rệt |
Cùng với cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Đạ Tẻh, chúng tôi đã đến tìm hiểu việc sử dụng vốn vay của hộ gia đình anh Đinh Xuân Huy (34 tuổi, Thôn 6, xã Mỹ Đức). Anh Huy từng học ngành Công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh, ra trường anh đã có việc làm với một mức lương ổn định. Còn vợ anh cũng đang là kế toán của một công ty tại Sài Gòn. Thế nhưng, với khát vọng của tuổi trẻ, vợ chồng anh quyết định “bỏ phố về quê” phát triển kinh tế.
Anh Huy cho hay, năm 2015 - đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng anh, bởi lúc ấy trở về chỉ với hai bàn tay trắng. Xuất phát điểm thấp, và từ hộ gia đình nằm trong diện cận nghèo, anh Huy được giới thiệu và tiếp cận với nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Từ 30 triệu đồng vốn vay cho hộ cận nghèo , gia đình anh bắt tay vào phát triển kinh tế trồng dâu nuôi tằm. Sau đó tiếp tục được vay vốn cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, cộng với các khoản dành dụm khác tích cóp được, vợ chồng anh Huy lại mở rộng diện tích trồng dâu và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo.
Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên chuồng trại nuôi heo, anh Đinh Xuân Huy phấn khởi nói: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng không có vốn để làm. Nhưng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình tôi đã thoát nghèo. Đến nay gia đình có hơn 5 sào dâu tằm, sản lượng lá đạt khoảng 1,5 tạ/2 tháng, số lượng heo trong chuồng có 7 heo nái và 20 heo con mới tách. Còn số diện tích đất sản xuất còn lại tôi dùng để trồng vú sữa nhằm tăng thêm thu nhập. Năm 2020, tổng thu nhập của gia đình khoảng 500 - 600 triệu đồng đã trừ chi phí”.
Cùng với gia đình anh Huy, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo xã Mỹ Đức đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả, no ấm nhờ nguồn vốn tín dụng CSXH. Tại xã Quảng Trị, hộ gia đình anh Lã Văn Hạnh (Thôn 4) cũng được tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình nhờ nguồn vay vốn CSXH. Từ hộ gia đình nằm trong diện hộ nghèo, năm 2019, anh được bình xét vay vốn Ngân hàng CSXH để cải thiện đời sống. Đến nay gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt thông qua việc đầu năm 2021 gia đình anh xin thoát ra khỏi hộ nghèo. Anh Hạnh hồ hởi: “Nhờ nguồn vốn được vay ưu đãi nên gia đình có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế. Tôi mong sẽ được tiếp cận nhiều chương trình vay vốn của ngân hàng, tạo điều kiện cho chúng tôi chăn nuôi, làm kinh tế”.
Theo báo cáo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đạ Tẻh, năm 2020, tổng doanh số cho vay đạt 77.597 triệu đồng với 2.011 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ đạt 61.037 triệu đồng và tổng dư nợ đạt 252.520 triệu đồng với 5.889 hộ vay, tăng so với đầu năm là 16.540 triệu đồng.
Ngoài ra, các chương trình cho hộ nghèo vay sửa chữa, xây dựng nhà ở được triển khai hiệu quả. Năm 2020, nguồn vốn này đã giúp cho trên 520 hộ gia đình vùng nông thôn xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn; cho 6 hộ có thu nhập thấp vay xây dựng mới nhà ở theo nghị định của Chính phủ. Qua đó, nguồn vốn đã đầu tư vào phát triển cộng đồng là 66.724 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 26,42%, các ngành khác như thương nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... là 8.704 triệu đồng, chiếm 3,45%...
Ông Phan Minh Đăng - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đạ Tẻh cho biết: Phòng Giao dịch đã phát huy tốt vai trò là một trong những kênh tín dụng quan trọng, được coi là “bà đỡ” cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. “Khi các khách hàng có nhu cầu vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện sẽ cùng cấp ủy, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, trưởng thôn cùng rà soát, bình xét lựa chọn đúng những đối tượng đủ điều kiện. Đồng thời, định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay. Thông qua các biện pháp đồng bộ như tổ chức xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn..., hàng tháng, các hội, đoàn thể phối hợp với cán bộ ngân hàng rà soát nợ đến hạn, đôn đốc xử lý nợ ngắn hạn và khảo sát phương án vốn vay của các hộ vay theo đúng quy định. Từ đó, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu Giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội trên địa bàn”, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thông tin thêm.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, nguồn vốn cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đạ Tẻh trong những năm qua đã tạo đà giúp người dân có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất. Cùng các nguồn lực khác, đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần theo từng năm, đời sống người dân từng bước được nâng cao.
Đánh giá đổi thay của người dân địa phương sau khi vay vốn từ Ngân hàng CSXH, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Đinh Viết Bảo nhận định: Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần quan trọng trong thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương thời gian qua. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện được hình thành và phát triển. Qua đó, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống cũng như góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn: baolamdong.vn