Trước đây, nhắc đến đồi Trầm Thôn 3, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, nhiều người lại nghĩ ngay đến một vùng đất gian khó. Ấy vậy mà, từ mảnh đất hoang sơ, đồi dốc, sỏi đá, sau hơn 5 năm khai phá, đầu tư, nơi đây nay đã hình thành những trang trại kinh tế, cho những mùa quả ngọt.
Nguyễn Thái Sơn, chủ trang trại cây ăn trái rộng 35 ha lớn nhất địa phương
Nằm ngay sát dưới chân đồi Trầm, là một khu trang trại khang trang, phía bên trong với bạt ngàn những cây cam, quýt, mít, sầu riêng, bơ... rì rào trong gió. Đó là khu trang trại rộng 35 ha của chàng thanh niên 9x Nguyễn Thái Sơn, chủ vườn cây ăn quả lớn nhất địa phương.
Đưa chúng tôi đi tham quan quanh khu vườn, Sơn cho hay: Để có cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một quá trình đánh đổi mồ hôi, công sức, tiền bạc và cả tình cảm gia đình. Nói đến đây, Sơn trầm ngâm, hướng đôi mắt nhìn xa xăm về ngọn đồi Trầm.
Năm 2017, sau một thời gian dài suy nghĩ, Sơn quyết định nghỉ việc tại một cơ quan nhà nước, chọn khởi nghiệp với nghề nông và lập nên trang trại này. Với ưu thế là vùng đất đang phát triển mạnh các loại cây có múi, Sơn chọn cam, quýt là những loại cây đầu tiên đưa vào trồng.
Trên diện tích rộng chừng 10 ha nhưng không bằng phẳng mà là đất đồi dốc cao, sỏi đá lẫn trong đất thịt nên việc trồng cây, chăm sóc cũng trở nên khó khăn bội phần. Để có thêm kiến thức, ngoài việc tìm đọc các tài liệu hướng dẫn, Sơn tìm đến các chú, bác ở những vùng đất trồng cây lâu năm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ cách chăm bón phân, tro, cách xử lý khi cây bị sâu bệnh, ra hoa, đậu quả...
Đến năm 2019, vườn quýt của Sơn cho thu bói với sản lượng 50 tấn và hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh qua các năm. Nhận thấy, bước đầu trồng cây có hiệu quả, Sơn tiếp tục mở rộng diện tích và đa dạng loại cây trồng, hướng tới một vài năm nữa khi thị trường cam, quýt trở nên đại trà thì có thêm sản phẩm khác bán ra thị trường, đồng thời trang trại luôn có hoa quả gối vụ thu bán quanh năm.
Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, đến nay, Sơn đã xây dựng nên một trang trại khang trang với diện tích lên đến 35 ha. Trên đó đã trồng hơn 15 ha quýt đường, 15 ha sầu riêng và 4 ha bưởi cùng một ít bơ, mít Thái ... Tất cả diện tích canh tác đều được Sơn lắp đặt hệ thống máy bơm và ống dẫn tưới tự động, được điều khiển bằng điện thoại và camera giám sát... với tổng mức đầu tư lên đến hơn 20 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí đầu tư lớn, nhưng hiệu quả kinh tế từ trang trại mang lại cho Sơn cũng rất tương xứng. Với hàng nghìn gốc cây ăn quả các loại trong vườn đã và đang cho quả, cộng với cây trồng mới đang được đầu tư đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho trang trại. Sơn nhẩm tính, chỉ tính riêng 20 ha quýt đường đang cho thu hoạch, mỗi năm Sơn thu về không dưới 5 tỷ đồng. Trong những năm tới, khi cây sầu riêng, bơ, mít Thái bước vào giai đoạn kinh doanh thì số tiền thu nhập sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Điều đặc biệt, toàn bộ diện tích cây ăn quả của trang trại đều được Sơn chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học, bón phân hợp lý. Trong năm 2020, trang trại cây ăn trái của Sơn đã được cấp chứng nhận VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm làm ra được khách hàng tin dùng và đến tận vườn đặt mua với giá cao.
“Mình làm nông dân nên càng phải sống cho đúng phẩm chất của người nông dân, có như vậy mới bền vững. Mong muốn của tôi là sản xuất trái cây sạch, theo tiêu chuẩn cao hơn như GlobalGAP, hữu cơ, gắn với việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã code, hướng tới các siêu thị và vựa lớn của thị trường” - Sơn nói.
Cách đó không xa, mô hình trồng xoài Đài Loan sạch của gia đình ông Lê Văn Bé Năm cũng đang được nhiều nông dân gần xa trong huyện đến tham quan học hỏi.
Xuất thân từ gia đình thuần nông ở tỉnh Vĩnh Long, nơi có truyền thống canh tác các loại cây ăn trái, lão nông Lê Văn Bé Năm (60 tuổi) xem đất đai như khúc ruột của mình. Thấy đất đồi hoang nơi đây toàn là đá, bà con không mặn mà, năm 2016 vợ chồng ông Năm gom hết tiền dành dụm, lên đây mua lại hơn 5 ha đất, bắt tay vào cải tạo mảnh vườn đồi với ước mơ biến nó thành một vườn cây ăn trái, xa hơn là một trang trại xanh.
Ông Năm cho hay: Để có vườn đẹp như ngày hôm nay, hằng ngày, hai vợ chồng ông từ sáng đến tối miệt mài nhặt đá dồn thành đống, lấy mặt bằng đào hố trồng cây, tìm cách xây dựng hệ thống bơm nước từ nhà kéo lên đồi.
Với kinh nghiệm trồng cây ăn trái từ Vĩnh Long mang lên, ông Năm chọn cây xoài Đài Loan làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Hơn 2 năm, mảnh vườn rộng hơn 2 ha đã được phủ đầy hơn 600 xây xoài. Niềm vui càng được nhân lên khi cây xoài sinh trưởng tốt, cho quả và được thương lái đến tận vườn thu mua. Riêng trong năm 2020, gia đình ông Năm thu hoạch được hơn 30 tấn xoài, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Từ cây xoài, ông Năm tiếp tục phát rẫy, khai hoang thêm những diện tích đồi núi sau nhà. Nghĩ trồng một loại cây thì dễ “bị động”, ông Năm bàn với vợ trồng thêm 1.000 cây mít Thái, 300 cây sầu riêng. Đến nay, các diện tích cây ăn trái đã bước sang năm thứ 3 và sinh trưởng, phát triển tốt. Việc chăm sóc vườn cây của ông Năm cũng đã được thuận lợi hơn khi có thêm sự giúp sức của 4 người con ông từ Vĩnh Long lên.
Giữa cái nắng oi bức của ngày hè, nhưng khu vườn nhà của ông Năm lúc nào cũng xanh mát. Quanh khu vườn cây ăn quả rộng hơn 5 ha là những hồ chứa đầy nước, quanh các gốc cây là hệ thống đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt tưới mát cho hàng nghìn cây ăn quả như mít Thái, sầu riêng, còn xoài Đài Loan thì luôn trĩu quả.
Chủ tịch UBND xã Triệu Hải Trương Thái Triệu Vương cho biết: Trong số các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, thì những mô hình sản xuất cây ăn trái chất lượng cao theo hướng sạch, an toàn cho người tiêu dùng tại khu vực dưới chân đồi Trầm là một trong những điểm sáng tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các hộ dân tại đây còn chia sẻ kinh nghiệm, cây giống cho nhiều người dân để phát triển các mô hình trồng cây ăn quả khác, biến vùng đất dưới chân đồi dần hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả.
Nguồn: baolamdong.vn