TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Hiệu quả từ mô hình trồng tre lấy măng ở Đạ Lây In trang
01/06/2020 08:22 SA

Năm 2007, từ dự án hỗ trợ giống cây trồng của xã, anh Đỗ Thanh Hải và một số hộ dân thôn Hương Vân, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh được dự án Winrock hỗ trợ giống tre mạnh tông trồng thử nghiệm, mỗi hộ nhận được 10 gốc. Thời điểm đó, tre mạnh tông là một loại cây trồng mới, người dân chưa hiểu hết đặc tính của tre. Cũng có vài người trồng nhưng rồi do kỹ thuật không đảm bảo nên giống tre được hỗ trợ đã chết hết, chỉ còn anh Hải là kiên trì, đi đến từng nhà gom từng gốc tre mà các hộ đang phá bỏ đem về nhà trồng và tự mình mày mò kỹ thuật chăm sóc. Sau một khoảng thời gian chăm sóc cẩn thận, anh nhận thấy giống cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương nên quyết tâm mở rộng diện tích. Anh đã bỏ công sức đi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi để tích lũy kiến thức sâu hơn về cách nhân giống và bắt đầu dành công sức, vốn liếng đầu tư cho vườn tre. Hiện nay, gia đình anh có 2 ha đã cho thu hoạch, riêng năm 2019, anh đã nhân giống và tiếp tục trồng mới 1ha trên diện tích triền đồi dốc.

Anh Hải chuẩn bị thu hoạch măng
Anh Hải chuẩn bị thu hoạch măng

Anh Hải cho biết Tre là loại cây có sức sống mãnh liệt, thường chỉ trồng hơn 2 năm là đã cho thu hoạch măng. Trung bình cứ 4 ngày anh Quang thu hoạch măng một lần với sản lượng 600kg, với giá bán trung bình 8.000 đồng/kg. Riêng măng trái mùa có giá dao động từ 24.000đ-25.000đ/kg và anh có đầu ra ổn định từ thương lái ở Phương Lâm - Đồng Nai. Mô hình này đã giúp gia đình anh có thu nhập trung bình khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Anh Hải cho biết phương châm của anh là “nghịch mùa thì mới có ăn” nên anh đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho tre để thu hoạch măng bán quanh năm. “Để có măng trái mùa, hết mưa tôi dọn cây, bón phân rồi tưới nước. Kỹ thuật trồng tre lấy măng khá đơn giản, không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bón phân mỗi năm 2 lần. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần siêng năng chăm sóc sẽ cho thu hoạch tốt”.

Anh tâm sự: “Tôi đã từng trồng đủ loại cây như: trồng điều, cây mỳ...nhưng chăm sóc thì vất vả nhưng lợi nhuận không được bao nhiêu. Sâu bệnh, thời tiết thất thường khiến người làm nông đã khó khăn, càng khó khăn hơn. Mấy năm trước đây, tôi chợt nhận ra nguồn lợi từ măng tre, nhất là vào mùa khô, khi nguồn cung ít mà nhu cầu lúc nào cũng có, nên tôi phá bỏ hết cây điều và mỳ chuyển sang trồng duy nhất cây tre mạnh tông. Do tre trong vườn có sẵn nên tôi tự mày mò, học hỏi kỹ thuật ở các nơi về và tự nhân giống ra trồng mà không phải bỏ vốn và không mất nhiều thời gian, công sức”.

Vườn tre lấy măng của gia đình anh Hải
Vườn tre lấy măng của gia đình anh Hải

Thấy được hiệu quả của trồng tre lấy măng, nhiều gia đình cũng bắt đầu phát triển mô hình này. Anh Hải sẵn sàng nhân chiết giống bán cho những người có nhu cầu và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Được anh Hải tận tình giúp đỡ, hiện nay có 11 hộ trong thôn cùng trồng mỗi hộ có khoảng 20-30 bụi. Anh còn cung cấp giống cho các hộ dân ở các xã như Quốc Oai, Quảng Trị, Triệu Hải, Đạ Kho với trung bình mỗi năm khoảng hơn 3.000 cây giống. Tỷ lệ sống của cây giống do anh chiết đạt 98%.

Mô hình trồng tre mạnh tông lấy măng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Hải. Nhờ sự chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh đã được bình chọn danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền và đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.

Cao Thủy

Lượt xem: 2.840
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003110824
  •  Đang online: 99
  •  Trong tuần: 28.468
  •  Trong tháng: 123.013
  •  Trong năm: 1.099.233