TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh: Nô nức trẩy hội Lồng tồng In trang
15/02/2024 10:19 CH

Ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng - Giáp Thìn 2024), tại xã An Nhơn - nơi có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Đạ Tẻh phối hợp cùng UBND xã khai mạc lễ hội Lồng tồng.

Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng thần Nông cầu mùa

 

Tham dự ngày hội có ông Nguyễn Mạnh Việt - Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo MTTQ, các phòng, ban, đoàn thể, cùng hàng ngàn đồng bào Nhân dân các dân tộc đã nô nức trẩy hội. 

Thắp hương cầu nguyện thần Nông cho mùa vàng bội thu

 

Phát biểu khai mạc, ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn nhấn mạnh: Từ năm 1990 - 1995, đồng bào Tày, Nùng từ miền núi phía Bắc vào An Nhơn lập nghiệp. Tổng dân số toàn xã hiện có 4.300 người với 960 hộ với 6 dân tộc sinh sống, riêng người Tày, Nùng chiếm 70% dân số. Hơn 30 năm qua, đồng bào Tày, Nùng trên quê mới An Nhơn, Đạ Tẻh cùng chung sức, đồng lòng cùng các dân tộc anh em xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. 

Tiếng trống khai hội

 

Lồng tồng trong tiếng Tày, Nùng có nghĩa là xuống đồng là một nghi thức đầu năm của vòng đời mùa màng nông nghiệp. Lễ hội có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa vụ bội thu, quốc thái dân an, nhà nhà no đủ, người người ấm no hạnh phúc. Lễ hội Lồng tồng được xã An Nhơn tổ chức hàng năm nhằm khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, qua đó khẳng định tinh thần đoàn kết, gắn bó của các cộng đồng dân cư.

Trao cờ lưu niệm cho các thôn làng tham dự

 

Nghi lễ chúc xuân cầu mùa diễn ra trang trọng, tắp nén nhang thơm, thầy cúng Lý Văn Tư đọc bài khấn và thực hiện các nghi thức cầu cúng, tạ ơn các vị thần Nông, thần Nước, thần Núi phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, gia súc phát triển, bản làng bình yên, nhà nhà no ấm, đủ đầy. Con trâu cùng người nông dân đã xuống đồng cày những đường cày đầu tiên mong một năm no đủ.

Xuống đồng cùng những đường cày đầu tiên cầu mùa màng bội thu

 

Phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, mọi người dân cùng hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hát then, hát lượn, các môn thể thao, trò chơi dân gian như: thi mâm cỗ Tết, thi cấy, ném còn, lày cỏ, bắt vịt.

Mâm cỗ Tết của người Tày với các món ăn được sắp đặt khéo léo

 

Thi mâm cỗ ngày tết với sự trổ tài nội trợ khéo léo của các mẹ, các chị trên từng món ăn truyền thống được chế biến công phu, đẹp mắt như: Gà sống thiến, thủ lợn, xôi ngũ sắc, bánh dày ngũ sắc, bánh đa sắc, chè lam, bánh chưng, bánh tro, mâm ngũ quả… Mỗi thôn một mâm cỗ với đầy các sản vật do mình làm ra dâng lên cúng trời đất, các vị thần đều mang một ý nghĩa biểu thị sự giao hoà âm dương, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho nhân dân thuận lợi lao động sản xuất, gia đình bình an, hạnh phúc.

Hội thi cấy thu hút hàng ngàn khán giả đứng trên bờ cổ vũ nồng nhiệt

 

Hội thi cấy diễn ra trong không khí rộn ràng, 21 người lội ruộng cấy đều đẹp, thẳng hàng với quy định hàng cách hàng 18cm, cây cách cây 16cm; hàng ngàn người đúng trên bờ cổ vũ nồng nhiệt. Cuộc thi động viên mọi người hang say thi đua lao động sản xuất làm nên cánh đồng nặng hạt, bội thu.

Không gian ném còn là trung tâm của lễ hội

 

Nơi tụ hội đông vui nhất chính là nơi diễn ra hội tung còn và chơi đu. Người Tày quan niệm, trong lễ hội Lồng tồng phải có người tung được quả còn xuyên qua vòng tròn treo trên cây nêu cao thì năm đó mới nhiều may mắn, vạn sự như ý. Từ mấy ngày trước, những quả còn đã được từng bàn tay khéo léo của các mẹ, các dì tác tạo, với từng mảnh vải đủ sắc màu rực rỡ, bên trong đầy ắp hạt ngũ cốc. Cuộc tung còn diễn ra trong tiếng hò reo khi ai đó vừa ném trượt, ném gần trúng vòng tròn. Những quả còn ngũ sắc rực rỡ màu sắc, gắn những tua dài theo hướng tay người tung lên trời vẽ đường cầu vồng mang theo bao ước vọng về một năm mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

Không gian chơi đu thu hút người dân du xuân

 

Bên lề lễ hội, nhiều món ngon đặc sản của đồng bào Tày, Nùng như các loại bánh tro, bánh gù, lợn quay, rượu từ nếp quýt, các bài thuốc quý, các sản phẩm được công nhận OCOP cũng được giới thiệu qua các gian hàng rực rỡ sắc màu.

Các loại bánh từ nếp quýt cuốn hút du khách

 

Lễ hội là hoạt động ý nghĩa mừng Đảng, mừng Xuân, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, tạo khí thế thi đua hăng hái bắt tay vào mùa vụ mới. Qua đó nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Nhiều sản phẩm được bày bán ở các gian hàng làm sôi động không gian ngày hội

 

QUỲNH UYỂN (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 126
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002341467
  •  Đang online: 24
  •  Trong tuần: 12.353
  •  Trong tháng: 5.697
  •  Trong năm: 329.876