TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
05 từ trong lòng dân In trang
16/05/2022 01:55 CH

Bài 1: Neo đậu tâm hồn

Ông Nguyễn Công Thỉ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Triệu Hải chia sẻ lại hình ảnh người cao tuổi ở xã đi nhận ảnh Bác về treo trong nhà như một niềm tự hào của mỗi người dân Việt

 

Niềm tin sắt son với Đảng, với Bác Hồ là sợi dây vững chãi neo đậu tâm hồn của những con người tha hương để gắn bó, dựng xây vùng kinh tế mới Đạ Tẻh.

• THƯ CỦA TỔNG BÍ THƯ

“Tôi vui mừng được biết Hội Người cao tuổi xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những việc làm cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu là sáng kiến tổ chức Cuộc vận động “Treo ảnh Bác Hồ tại gia đình cán bộ, hội viên” người cao tuổi trong xã.

Những việc làm đó của các Cụ đã nêu gương sáng trước con cháu, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Nhân dân ta, nhất là lớp người cao tuổi với công lao trời biển của Bác Hồ - Người khai sinh ra Hội Phụ lão cứu quốc - nay là Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi các Cụ đã tích cực thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Kính chúc các Cụ luôn sống vui, sống khoẻ, sống có ích, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa thành tích của từng cá nhân và của Hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Đã nhiều năm trôi qua, bức thư ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn là tài sản vô giá không chỉ với riêng người cao tuổi, mà với cả Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đạ Lây. Bí thư Đảng uỷ xã Đạ Lây Trần Phúc Chính đã khẳng định với chúng tôi như thế. 

Từ việc triển khai Chỉ thị 05 vào thực tiễn, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, góp phần chung vào sự phát triển của địa phương

 

Đạ Lây là vùng kinh tế mới được thành lập từ những năm 1986. Nơi đây quần tụ bà con người Huế, người Nghệ và người Hà Nam. Bằng giọng nói đặc trưng của người con xứ Huế, vị Bí thư Đảng uỷ xã Đạ Lây còn nhấn mạnh thêm rằng: “Người Đạ Lây nặng tình, chung thuỷ, đã tin, đã yêu là tin, yêu đến tận cùng. Bởi vậy, bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng người ở miền nào vẫn giữ nguyên văn hoá và giọng nói của miền đó. Và niềm tin với Đảng, tình yêu với Bác Hồ cũng vậy, luôn bền chặt, sắt son nên việc học Bác cũng vì thế mà trở thành một lẽ tự nhiên trong suy nghĩ và hành động của người Đạ Lây suốt những năm qua”.

Đạ Lây có 1.366 hộ với 5.690 nhân khẩu sinh sống tại 9 thôn của xã. Trong hành trang của những con người xa quê ấy khi vào miền đất mới này có mang theo ảnh Bác Hồ. Và từ ngày đầu lập đất hay đến tận hôm nay, trong những nếp nhà ở Đạ Lây, ảnh Bác vẫn luôn được treo ở nơi trang trọng nhất. Bởi với người Đạ Lây, “treo ảnh Bác trong nhà để thêm vững tin vào con đường đã chọn, để hăng say lao động, sản xuất, xây dựng quê hương thứ hai trên miền đất mới”.

Đạ Lây hiện nay được sáp nhập từ xã Đạ Lây cũ và xã Hương Lâm theo chủ trương tinh gọn bộ máy của huyện. Là xã thuần nông, những con người nơi đây quần tụ bên dòng Đạ Lây hiền hòa, với nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp và chăn nuôi. Bà con đã thực hiện thi đua trong lao động, sản xuất, qua đó đã giúp xã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, địa phương này có trên 3 ngàn ha diện tích gieo trồng, thu nhập bình quân/ha canh tác đạt 84 triệu đồng. Thu nhập bình quân nhân khẩu ước đạt 53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,49%...

Không chỉ gói gọn ở Đạ Lây mà việc treo ảnh Bác Hồ cũng tự nhiên mà lan toả sang nhiều xã khác ở Đạ Tẻh như xã Triệu Hải, Đạ Kho, Quảng Trị... Tấm ảnh Bác là tài sản quý không chỉ của thế hệ trước mà cho đến nay, thế hệ cháu con vẫn tiếp nối, giữ gìn để tự nhắc nhở mình việc học tập và làm theo.

Mỗi sáng thứ 4 hằng tuần, MTTQ và các đoàn thể thực hiện tuyên truyền lưu động tại xã Triệu Hải

 

• CỜ ĐỎ THẮM TRÊN NHỮNG CÁNH ĐỒNG
 
Đó là một trong những dấu hiệu đặc trưng để người Đạ Tẻh nhắc đến xã Triệu Hải - mảnh đất của những người con đất Quảng Trị khô cằn đi làm kinh tế mới.

Cứ sáng thứ 4 hàng tuần, cán bộ xã Triệu Hải sẽ cắm cờ đỏ sao vàng ngay phía sau mỗi chiếc xe máy, dành 30 phút chạy vòng quanh xã để tuyên truyền lưu động những nội dung cần thiết đến với bà con. “Cách làm truyền thống rứa mà hiệu quả lắm đó. Nội dung chi mới đều được tuyên truyền ngay và bà con cũng nhờ thế mà nắm rõ rồi thực hiện”, ông Nguyễn Công Thỉ - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Triệu Hải vui cười kể. Thực hiện có hiệu quả nên hoạt động này được xã Triệu Hải duy trì suốt thời gian qua, và cũng trở thành “thương hiệu” của Triệu Hải. Chúng tôi về Triệu Hải vào một sáng thứ 4, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên mọi nẻo đường cùng tiếng loa lưu động thực sự xúc động, bởi đâu cần những gì quá xa xôi, “gần dân, sát dân” để đi vào lòng dân chính là như thế.

Ở Triệu Hải, việc học tập và làm theo Bác đã được chuyển hoá thành những hoạt động làm theo cụ thể mà bản thân cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu. Vườn ươm “đặc biệt” ở góc sân của UBND xã là minh chứng rõ ràng cho sự gương mẫu, đi đầu ấy. Sở dĩ tôi gọi đó là vườn ươm “đặc biệt” bởi do chính cán bộ, công chức xã thực hiện nhằm phủ xanh các con đường trên địa bàn xã. Kinh phí hạn hẹp, mọi hoạt động của vườn ươm đều được cán bộ xã tự tay thực hiện. Những giống cây được cán bộ xã “xin” về từ trong dân. Mỗi sáng thứ 6 hàng tuần, ai nấy đều xắn tay làm các công việc như trộn đất, cắt cành, gieo hạt, ươm cây... Sau thời gian để cây phát triển ổn định, xã sẽ trực tiếp giao cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phân công cán bộ, hội viên xã tham gia cùng với người dân chăm sóc, bảo vệ đến khi trưởng thành. Mỗi tháng, UBND xã cũng huy động các tổ chức, đoàn thể ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường kết hợp trồng và chăm sóc cây xanh. Từ vườn ươm này, hơn 2.000 cây đã được đưa xuống các khu dân cư, xây dựng những tuyến đường hoa, những hàng rào xanh dọc các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, nhà văn hóa, cơ quan, trường học và các thôn, xóm, góp phần tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi để cải tạo cảnh quan, môi trường nông thôn.

Khi tinh thần ấy rạo rực trong toàn hệ thống chính trị, mỗi đoàn thể cũng vì thế mà nỗ lực, cống hiến. Đó là lý do mà Đoàn xã Triệu Hải, đã huy động đoàn viên, thanh niên mua lại hoặc xin các gia đình dư thừa xe đạp cũ, sơn, sửa lại và tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có được phương tiện tới trường. Việc làm ấy không chỉ được Trung ương Đoàn, các cấp trong tỉnh ghi nhận mà hơn hết thứ họ nhận được là sự ghi nhận của lòng dân, là nụ cười con trẻ mỗi ngày trên bước đường tới lớp. 

Không chỉ có cán bộ, công chức, Chỉ thị 05 cũng đã thấm sâu vào người dân Triệu Hải lúc nào mà chính bà con cũng không hay. Bởi những lý thuyết đã chuyển thành hành động vào trái tim của mỗi con người. Có nơi nào như Triệu Hải, ở UBND xã có căn phòng không khoá luôn để sẵn gạo, mì gói. Đó là kết quả huy động của địa phương và sự chung tay của những người dân có cuộc sống cơ bản đủ đầy để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Căn phòng đó không bao giờ khoá, bởi như Phó Bí thư Đảng uỷ xã tâm tình, rằng “nơi này luôn tiếp nhận những tấm lòng nhân ái của bà con và cũng để sẵn sàng đón nhận, hỗ trợ những bà con khác có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Có rất nhiều lý do để bao lớp người đi kinh tế mới chọn ở lại và gắn bó với Đạ Tẻh. Nhưng trong họ chắc chắn có một lý do chung, đó là một niềm tin để neo đậu tâm hồn. Để rồi từ đó bao lớp người, chung một lý tưởng để học tập, chung một chuẩn mực để làm theo, để đoàn kết, để bao dung. Đó là hành trang, là chất liệu quan trọng để dựng xây cuộc sống mới mỗi ngày.

Bài 2: Xứng đáng với lòng dân

Việc học và làm theo Bác Hồ xuất phát từ chính trong lòng dân là điều kiện thuận lợi song cũng là thách thức đặt ra cho huyện Đạ Tẻh. Thách thức đòi hỏi chính quyền địa phương phải làm tốt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 05 ở thời điểm hiện tại, để xứng đáng với kỳ vọng của lòng dân. Đó cũng chính là gốc rễ để tạo nên sự đồng thuận, là cơ sở quan trọng để cả hệ thống chính trị, trên dưới một lòng hướng tới mục tiêu chung. 

Đảng viên thôn Xuân Thượng (xã Đạ Pal) đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh

 

• XÁC ĐỊNH KHÂU ĐỘT PHÁ

Suốt những năm qua, huyện Đạ Tẻh đã có nhiều giải pháp nhằm thực hiện Chỉ thị 05 đạt hiệu quả cao nhất, đi sâu vào lòng dân nhất và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ông Hồ Quốc Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đạ Tẻh, cho biết: “Xác định thực hiện Chỉ thị 05 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên những năm qua huyện Đạ Tẻh đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện tốt. Và, tuyên truyền chính là giải pháp xương sống đóng vai trò nòng cốt được địa phương tập trung triển khai. Bên cạnh đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương để triển khai các giải pháp đột phá nhằm hướng đến mục tiêu chung: Đưa Chỉ thị 05 thấm sâu và lan toả trong cả hệ thống chính trị, trong Nhân dân, góp phần phát huy những nội lực để thúc đẩy sự phát triển của địa phương”.

Nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị, huyện Đạ Tẻh xác định hai nội dung đột phá. Đơn cử như, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, huyện Đạ Tẻh đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng - nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số - tiếp tục được đẩy mạnh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nói chung, đồng thời từng bước giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đạt 102 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,83%, giảm hơn 20% so với năm 2010... là những minh chứng sống động cho sự chuyển biến ấy. Việc Đạ Tẻh được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới là trái ngọt cho những nỗ lực dựng xây. Và khâu đột phá thứ hai cũng đã được triển khai có hiệu quả. Cụ thể, để nâng cao hiệu lực hoạt động của cả hệ thống chính trị, huyện Đạ Tẻh đã quyết liệt trong việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó đã phát huy hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.

Người trẻ ở thôn Xuân Thượng (xã Đạ Pal) noi theo cha ông gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống

 

Bên cạnh đó, nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huyện Đạ Tẻh còn thường xuyên chỉ đạo, định hướng cho từng cơ quan, đơn vị tập trung rà soát các vấn đề còn hạn chế, tồn tại, gây bức xúc trong Nhân dân để có hướng giải quyết dứt điểm, kịp thời, trong đó, tập trung một số nội dung: cải cách thủ tục hành chính, quản lý và sử dụng đất đai...

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05 đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều cách làm hiệu quả như: MTTQ huyện phát động Cuộc vận động “Vườn xanh, ngõ đẹp, đường sạch”, Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”; Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện tiếp tục duy trì Phong trào “Không rải vàng mã trên đường đưa tang” và “Treo ảnh Bác” nơi trang trọng trong gia đình để hàng ngày nhắc nhở mỗi người học tập và làm theo gương Bác; Hội Nông dân huyện phát động Cuộc vận động “Nâng cao đạo đức người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản”; Đoàn Thanh niên với Phong trào “Tuổi trẻ Đạ Tẻh học tập và làm theo lời Bác” đã tổ chức nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, trồng và chăm sóc cây phân tán, thí điểm thực hiện mô hình Nhà chứa rác thân thiện với môi trường... Và cũng từ đây, nhiều gương điển hình đã được phát hiện và nhân rộng.

Thực tiễn ở Đạ Tẻh đã cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang trở thành việc làm thường xuyên, từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả; sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị được tăng cường, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động để mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ động, sáng tạo, tìm tòi, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Đạ Tẻh.

Bộ mặt của vùng nông thôn mới Đạ Tẻh ngày càng khởi sắc

 

• ĐỂ CHỈ THỊ 05 TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh... là sự ghi nhận cho những nỗ lực xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đạ Tẻh. Và thực tiễn những gì địa phương này làm được những năm qua là cơ sở quan trọng để Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Đạ Tẻh là một trong hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh. 

Là lá cờ đầu trong thực hiện Chỉ thị 05 của tỉnh song điều đó không có nghĩa Đạ Tẻh đã bằng lòng với hiện tại và chỉ duy trì những cách đã làm trong thời gian qua. Mà ngược lại, Đạ Tẻh phát huy những kết quả tốt đẹp đã làm được và tiếp tục tìm tòi, triển khai những giải pháp mới phù hợp với tình hình mới chính là những gì địa phương này đang thực hiện. 

Cũng như các địa phương khác, Đạ Tẻh đã đi qua năm 2021 đầy gian khó. Bước sang năm 2022, địa phương này đã tập trung triển khai việc thực hiện Chỉ thị 05 theo chuyên đề của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; thực hiện trách nhiệm nêu gương; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hồ Quốc Phong chia sẻ thêm: Để việc thực hiện Chỉ thị đạt kết quả cao nhất, Đảng bộ huyện đã thiết kế mẫu sổ đăng ký để phát tận tay mỗi cán bộ, đảng viên. Sổ đăng ký đã in sẵn các chuyên đề toàn khoá. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ đăng ký các nội dung học tập phù hợp với nhiệm vụ công tác cho toàn khóa và từng năm. Sổ đăng ký cũng là nơi để người đứng đầu tổ chức Đảng kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện của từng đảng viên. Nhờ vậy việc đăng ký sẽ không trùng lặp, không hình thức. Các cá nhân cũng xem đó như bảng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả”.

Việc đăng ký những nội dung học tập và làm theo bám sát chức năng, nhiệm vụ là cơ sở quan trọng để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt vai trò của mình. Điều này là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc gầy dựng và củng cố niềm tin trong Nhân dân. Bởi “Vun đắp” hay “xói mòn” niềm tin của Nhân dân với Đảng, với quyết sách của địa phương mấu chốt nằm ở chính đội ngũ cán bộ. Việc đăng ký đến nay đã cơ bản hoàn tất, mỗi cuốn sổ đăng ký ghi lại những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân. Đó là kế hoạch để họ thực hiện nhiệm vụ, cũng là căn cứ để tổ chức Đảng soi chiếu, làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cuối năm.

Bên cạnh việc triển khai đăng ký nghiêm túc, Huyện uỷ Đạ Tẻh cũng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Để tạo thành việc làm thường xuyên trong toàn Đảng bộ, những người đứng đầu huyện Đạ Tẻh đã nêu gương làm trước. Việc lãnh đạo huyện trực tiếp tham gia họp chi bộ tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện là một trong những minh chứng rõ ràng cho việc nêu gương này.

Trực tiếp tham dự buổi sinh hoạt chi bộ tại thôn Xuân Thượng, xã Đạ Pal - một trong những xã còn khó khăn của huyện Đạ Tẻh, ông Phan Đức Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ chia sẻ: “Có đến tận nơi, cùng sinh hoạt, cùng chuyện trò mới nghe được những vấn đề chi tiết nhất, cụ thể nhất, chân thực nhất và sống động nhất. Và chỉ đến tận nơi, cùng sinh hoạt với bà con mới thấy rằng đảng viên ở cơ sở trách nhiệm và hiểu địa bàn đến nhường nào. Việc phát huy vai trò của đội ngũ này thực sự vô cùng cần thiết, bởi họ là cầu nối quan trọng giữa chính quyền địa phương với bà con”. 

Ở Chi bộ thôn Xuân Thượng có gia đình mà bố và hai người con cùng là đảng viên, cùng sinh hoạt ở chi bộ thôn. Trong sinh hoạt họ là đồng chí, mỗi người đều tham gia đóng góp ý kiến trước các vấn đề của thôn. Và cũng tại buổi họp chi bộ, chủ đề thực hiện Chỉ thị 05 năm 2022 và sổ đăng ký cũng đã được đưa đến tay mỗi đảng viên. Mỗi người mỗi nội đung đăng ký khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là mong muốn dựng xây.

Trong buổi sinh hoạt chi bộ hôm ấy, các đảng viên thôn Xuân Thượng cũng đã không giấu nổi niềm xúc động. Bởi với họ, khát khao cống hiến, mong muốn dựng xây chưa bao giờ dừng lại. Thứ họ cần là sự soi đường từ những người lãnh đạo, từ tổ chức Đảng cấp trên và niềm tin được gửi trao đúng chỗ để tiếng nói từ cơ sở được lắng nghe và chủ trương của địa phương từ trên xuống cũng hợp tình, hợp lý. 

Các hoạt động được triển khai song song với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, huyện Đạ Tẻh thường xuyên lãnh đạo việc quán triệt và triển khai đầy đủ nghị quyết và quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Và từ công tác kiểm tra, giám sát những điển hình tiên tiến kịp thời được khen thưởng, biểu dương làm lan toả và thấm sâu hơn việc học tập và làm theo Bác trong đời sống.

Việc thực hiện tốt Chỉ thị 05 đã và đang tiếp tục là điểm tựa vững chắc để mỗi người dân, mỗi đảng viên và cả hệ thống chính trị ở Đạ Tẻh vững tin, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xứng đáng lá cờ đầu mà Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đặt trọn lòng tin.

Nguồn: BaoLamDong.vn

Lượt xem: 555
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003120146
  •  Đang online: 74
  •  Trong tuần: 74
  •  Trong tháng: 132.335
  •  Trong năm: 1.108.555