Cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích điều già cỗi, hiệu quả thấp sang trồng dâu nuôi tằm, mô hình Đổi công bắt tằm và hùn vốn tại thôn Hà Mỹ là một trong những cách thức mà Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) thực hiện để hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
THT là nơi để các chị em chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong trồng dâu nuôi tằm
Những năm gần đây, diện tích trồng dâu nuôi tằm tại xã Quốc Oai không ngừng tăng lên. Với tổng diện tích khoảng 250 ha, Quốc Oai hiện là một trong những xã có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất huyện Đạ Tẻh. Trong đó, thôn Hà Mỹ chiếm số lượng lớn. Tháng 5/2019, Tổ hợp tác (THT) Đổi công bắt tằm và hùn vốn tại thôn Hà Mỹ được thành lập, là nơi tạo điều kiện cho các chị em trong chi hội cùng nhau trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguyên liệu... để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dâu giống mới xanh tốt ngay cạnh nhà, chị Phạm Thị Nhung - Tổ trưởng THT cho biết, chị bắt đầu trồng dâu nuôi tằm từ năm 2015, khi thấy nhiều người nuôi tằm thu được giá trị kinh tế cao. Trước đó, chị chủ yếu đi làm thuê và trồng điều, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Hiện tại, với 5 sào dâu, gia đình chị nuôi được 2 hộp tằm nhỏ mỗi lứa. Với giá bán trung bình khoảng 100 nghìn đồng mỗi kg kén, hàng tháng, chị Nhung thu được khoảng 10 triệu đồng. Thu nhập ổn định, công việc chủ động, chị có thêm thời gian để làm nhiều việc khác và chăm sóc con cái. Cuối năm 2019, gia đình chị đã đầu tư đào giếng khoan để kịp thời đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn dâu. Chính vì vậy mà mùa khô năm nay, vườn dâu của chị vẫn cho năng suất đủ để việc nuôi tằm không bị gián đoạn do thiếu nước.
Với gần 5 năm gắn bó với nghề, chị Nhung được các tổ viên tin tưởng bầu làm Tổ trưởng THT. “Trước đây, khi chưa có THT, chị em chúng tôi cũng đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân tôi là người làm trước, biết được những gì nên làm và nên tránh trong chăm sóc tằm thì chia sẻ lại với các chị em làm sau, còn nhiều bỡ ngỡ để tránh thất bại, thua lỗ”- chị Nhung cho hay.
THT Đổi công bắt tằm và hùn vốn tại thôn Hà Mỹ hiện có 10 thành viên. Mỗi tháng, mỗi tổ viên đóng một triệu đồng để hùn vốn cho THT. Người nào cần tiền đầu tư hoặc đang gặp khó khăn sẽ được ưu tiên vay vốn để trang trải. Số tiền tuy không nhiều, nhưng tức thời giải quyết được khó khăn, tạo vốn đầu tư nong né, giống dâu, phân bón, dàn bép tưới..., tạo động lực để các chị em cùng cố gắng vươn lên. Nguồn dâu cũng được chia sẻ, nhà nào chẳng may thiếu dâu thì ngay lập tức có thể vay dâu của nhà khác đang thừa, rồi sau đó sẽ trả lại.
Bên cạnh đó, các thành viên của THT thường xuyên đổi công bắt tằm. Đến ngày tằm chín, nếu nhà nào không thuê được người hoặc thiếu người thì các tổ viên cũng sẽ sẵn sàng cùng đến hỗ trợ bắt giùm. “Kể từ khi tham gia THT, tôi có điều kiện thuận lợi hơn để theo nghề trồng dâu nuôi tằm khi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các thành viên khác. Có khi không chỉ chị em, mà ngay cả người nhà của họ cũng tập trung đến giúp. Chị em vừa làm, vừa chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự với nhau. Đó là cái đáng quý nhất mà chúng tôi nhận được” - bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi), thành viên THT chia sẻ. Gia đình bà Sáu trồng dâu nuôi tằm từ cách đây 3 năm. Với 5 sào dâu, hai ông bà dù đã lớn tuổi, nhưng cùng với sự hỗ trợ của THT, gia đình bà vẫn đều đặn nuôi tằm gối đầu nên mỗi tháng đều có thu nhập ổn định, đều đặn.
Chị Nguyễn Thị Bích Chinh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Quốc Oai cho biết: “Chi hội thôn Hà Mỹ là nơi có đông hội viên trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình còn khó khăn, không có tiền để thuê công hoặc mua tằm giống, chính vì vậy mà THT được thành lập để các thành viên trong tổ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình”. Ngoài THT Đổi công bắt tằm và hùn vốn tại thôn Hà Mỹ, Hội LHPN xã Quốc Oai còn triển khai mô hình này tại thôn Hà Lâm, đồng thời có các mô hình khác phù hợp với tình hình và điều kiện tại mỗi thôn, ví dụ như mô hình lắp bi cống đốt rác thải tại các thôn Hà Oai, Hà Phú,...
THT Đổi công bắt tằm và hùn vốn thôn Hà Mỹ sinh hoạt 2 tháng một lần. Ở đó, ngoài việc kết hợp với ban thôn, ban công tác mặt trận, các chi đoàn hội trong thôn tuyên truyền các vấn đề và nội dung có liên quan đến trồng, chăm sóc và nuôi tằm, xử lý rác thải trong chăn nuôi tằm, các kiến thức về xử lý phân tằm để bón cho dâu, Hội LHPN xã Quốc Oai còn kết hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, phân loại rác thải sinh hoạt,... đến hội viên. Những khó khăn của chị em cũng được trao đổi, chia sẻ để kịp thời được hỗ trợ giải quyết.
Mặc dù hiện tại, giá kén đang ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng các tổ viên THT đều động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này, kiên trì bám nghề, chủ động điều chỉnh số lượng dâu và tằm để tránh thua lỗ. “Với giá trị kinh tế mang lại, chúng tôi quyết tâm biến cây dâu, con tằm phát triển bền vững. Việc này cũng góp phần khẳng định hơn nữa vai trò của phụ nữ đối với việc xây dựng, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương” - chị Phạm Thị Nhung khẳng định.
Nguồn: Việt Quỳnh_baolamdong.vn