TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Tre rừng xuống phố In trang
15/07/2024 07:51 SA

Từ việc bán tre tầm vông tươi, đến nay, bà con thôn Tố Lan, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh đã tự tin chế biến, thực hiện các công đoạn để cho ra những sản phẩm thủ công mang tính thẩm mỹ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch, cà phê, sân vườn, homestay… Đây là một bước tiến vượt bậc của bà con người Mạ nơi đây. 

Người dân trong buôn Tố Lan thành thạo các công đoạn để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh từ tre tầm vông

 

Trưởng thôn Tố Lan, K' Mưn hiện đang phụ trách xưởng cho biết: Ngày trước, tre tầm vông sau khi thu hoạch sẽ được bán tươi nên bà con kiếm tìm các công việc khác để có thêm thu nhập. Người thì đi làm thuê làm mướn, chăm sóc điều, người chăn nuôi trâu bò, gà vịt để cải thiện cuộc sống. Giờ đây, bà con đã được đào tạo nghề, tự tay làm ra thành phẩm. Còn gì vui mừng hơn khi mình được chứng kiến từng măng tre lớn lên cho đến khi thành sản phẩm bàn, ghế, kệ, sofa, đèn, nhà tre lắp ghép bungalow, homestay... ngay trên buôn làng của mình. 

Năm 2012, thực hiện kế hoạch của UBND huyện Đạ Tẻh về phát triển sản xuất, cải thiện đời sống tại thôn Tố Lan giai đoạn 2013 - 2015; cây tre tầm vông bắt đầu được trồng tại buôn. Đến nay, diện tích tầm vông của thôn là khoảng 50 ha với 43 hộ trồng. Một chặng đường đầy gian nan để tầm vông bén rễ… cho đến hình thành xưởng, làng nghề như hiện nay. Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề trồng, chế biến tre tầm vông tại thôn Tố Lan. Năm 2022, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ làng nghề với 28 máy để sản xuất gồm: máy chẻ ống tre, máy phóng nan tre, máy cưa tay. Làng nghề tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động có thu nhập ổn định khoảng 7,5 triệu đồng/tháng và 45 lao động thời vụ tham gia. 

Đầu năm 2023, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Tố Lan đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp S - Green với 43 hộ dân. Qua đào tạo nghề cho bà con người Mạ thì đến nay xưởng đã vận hành tốt, tạo ra sản phẩm từ tre tầm vông đáp ứng yêu cầu của thị trường, khách hàng.

Chị Ka Bren hiện đang học nghề tại xưởng tâm sự rằng, đã học được 2 tuần và bước đầu cũng đã quen với công việc. Nhìn chung công việc cũng không khó khăn lắm vì mỗi người phụ trách một công đoạn. Nhờ có làng nghề và xưởng chế biến tre tầm vông mà chị có thêm thu nhập và không phải đi làm xa, vì xưởng nằm ở vị trí đầu buôn làng. 

Ông Ngụy Văn Tiên - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp S - Green cho biết: Dự án sản phẩm tre chất lượng cao đã giúp người nông dân bán được tre, có thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định, góp phần bảo vệ rừng và tạo sinh kế bền vững cho người nông dân tại vùng nguyên liệu mà chúng tôi đặt nhà xưởng, nhà máy, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, chúng tôi đang hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường các nước châu Âu và Mỹ. Đặc biệt các thị trường này rất ấn tượng và ưa chuộng sản phẩm từ cây tre tầm vông Việt Nam. Qua đó, sẽ góp phần đảm bảo công việc và tăng thu nhập cho bà con. 

Sản phẩm tre tầm vông làm ra gồm các công đoạn: cắt, phân loại và bó nguyên liệu tầm vông theo kích thước đường kính gốc và chiều dài; luộc nguyên liệu tầm vông với một số muối ở nhiệt độ sôi trong thời gian 4 - 6 giờ, loại bỏ lượng đường trong thân tre và thấm thấu muối vào trong thân tre; để nguội tự nhiên từ 1 - 2 giờ và phơi cây với ánh nắng tự nhiên từ 5 đến 7 ngày.

Sau đó, từng chi tiết, cấu kiện sản phẩm được lựa chọn có mô tả chi tiết thông qua bản vẽ sản xuất. Khâu sản xuất mẫu, giúp những sản phẩm được tối ưu về quy trình sản xuất, khắc phục các lỗi kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm ở mức chất lượng cao và thẩm mỹ đẹp, mẫu được duyệt để đưa vào sản xuất đại trà. Sản phẩm được chia thành các công đoạn sản xuất với từng bộ phận riêng lẻ. Tập trung ở khâu lắp ráp, vệ sinh trước khi đưa vào khu vực sơn làm đẹp cho sản phẩm theo yêu cầu của đơn hàng. Việc kiểm soát chất lượng sẽ đi theo từng khâu trong quá trình sản xuất và cuối sản phẩm. 

Cũng theo Trưởng thôn K' Mưn thì làng nghề đã giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định và thu nhập thời vụ. Việc sản xuất theo dây chuyền, mỗi người mỗi công đoạn đã nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, tính phối hợp để hoàn thành mục tiêu. Đây là niềm vui của bà con khi cây tre từ rừng xuống phố, có mặt trong các khu nghỉ dưỡng, các bãi biển, các homestay của một số tỉnh, thành. 

Về buôn Tố Lan hôm nay, không khí hăng say lao động và niềm vui hiển hiện rõ trên khuôn mặt của đồng bào người Mạ. Từng chuyến xe chở sản phẩm tre tầm vông về xuôi là biết bao tâm huyết của cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp nơi đây.

Đức Tú (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 234
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003028057
  •  Đang online: 264
  •  Trong tuần: 9.577
  •  Trong tháng: 79.466
  •  Trong năm: 79.466