Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật, cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là một việc làm đậm tính nhân văn đã được các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh cụ thể hóa bằng những chương trình, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Công an xã An Nhơn thăm gặp, vận động, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng |
An Nhơn là xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 71%; trong đó đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 6,2%, dân tộc Tày chiếm 21,1%, dân tộc Nùng chiếm 42,4%. Địa hình bị chia cắt khá phức tạp; giáp ranh nhiều địa phương khác cả trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh như huyện Cát Tiên, huyện Bảo Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai… Có tỉnh lộ ĐT.721 đi qua, thuận lợi giao thông nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các loại tội phạm thâm nhập vào địa bàn. Việc quản lý những người sau chấp hành án phạt trở về địa phương trước đây chưa được chặt chẽ, hiệu quả, có nguy cơ quay lại con đường cũ.
Xuất phát từ thực tế về tình hình an ninh trật tự và những nguy cơ tiềm ẩn về sự phức tạp của hoạt động tội phạm trên địa bàn, những năm qua, Công an xã An Nhơn đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền xã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm, xây dựng nhiều mô hình, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi để họ nhận thức, sửa chữa lỗi lầm, sai phạm, hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân lương thiện là một trong những giải pháp mang tính nhân văn, góp phần từng bước xóa bỏ nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Thiếu tá Dương Trọng Giang - Trưởng Công an xã An Nhơn cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 3 người chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích, 1 người đặc xá, 1 người tha tù trước thời hạn có điều kiện, 2 người chấp hành án treo, 2 người quản lý sau cai nghiện và 23 người có tiền sự. Trong năm 2023, trên địa bàn xã xảy ra 1 vụ phạm tội về hình sự, 1 vụ phạm tội về ma tuý, đã điều tra làm rõ 2/2 vụ, bắt 4 đối tượng; trong đó, không có người có tiền án, tiền sự cư trú trên địa bàn phạm tội.
Qua đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục đối với số người lầm lỗi trên địa bàn xã An Nhơn đã có chuyển biến tích cực. Đạt được kết quả trên, là do sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể xã, đã triển khai thực hiện đồng bộ việc lập hồ sơ quản lý theo các nghị định của Chính phủ. Cụ thể, Công an xã An Nhơn đã trực tiếp tiến hành rà soát, phân loại, xác định người lầm lỗi để đưa vào diện quản lý, thực hiện các biện pháp giáo dục, cảm hóa. Phân công mỗi thôn có 1-2 công an chính quy trực tiếp thực hiện công tác quản lý, theo dõi. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ)và các đoàn thể phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tái hòa nhập. Thu thập các thông tin liên quan đến quá trình hoạt động của đối tượng trước đây và các mối quan hệ các đối tượng trước và sau khi vi phạm.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã An Nhơn đã duy trì Mô hình “Tổ công tác thăm gặp vận động, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng” từ năm 2016. Hàng tháng, ít nhất 1 lần tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ gia đình và bản thân người lầm lỗi để tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tình hình và tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn họ gặp phải để có giải pháp đề xuất giúp đỡ. Đây cũng là cách để quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đánh giá tình hình rèn luyện, phấn đấu của những người lầm lỗi để đưa ra khỏi diện quản lý khi đạt yêu cầu.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, xã đã đưa vào diện quản lý 34 người, đưa ra khỏi diện quản lý 33 người. Nhiều trường hợp người sau quản lý đã quay trở lại với cuộc sống bình thường, có công việc ổn định, tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã ổn định hơn, số vụ trộm cắp vặt, nghiện ma túy giảm nhiều so với trước đây. Đặc biệt, người dân đồng tình hưởng ứng, không có thái độ kỳ thị, xa lánh mà ngược lại, quan tâm những người trong diện quản lý, giúp những người lầm lỗi không bị mặc cảm, tự ti và nhanh chóng hoàn lương để hòa nhập với cuộc sống.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã An Nhơn sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nhất là chi bộ các thôn; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Phát động phong trào rộng khắp, có chiều sâu, đảm bảo tất cả người lầm lỗi đều được chính quyền và Nhân dân quản lý, giáo dục, phấn đấu tỷ lệ tái phạm tội của người chấp hành xong án phạt tù ở mức thấp nhất.
Hoàng Sa (BaoLamDong.vn)