Đến thôn Tôn K'Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh những ngày này, nhịp sống lao động của người dân dường như vô cùng hối hả, ai nấy cũng bận rộn với các công việc ruộng vườn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đời sống của người dân ở Tôn K'Long đã thay đổi và ngày càng khấm khá rõ rệt.
|
Năm nay, cà phê ở Tôn K’Long được mùa lại được giá nên ai nấy đều rất vui |
6h30 sáng, nắng sớm đã bừng sáng khắp mọi nẻo đường ở thôn Tôn K’Long. Trên những nương rẫy triền đồi, người người í ới gọi nhau lên rẫy thu hái cà phê. Tiếng máy nổ giòn tan trong sương sớm hòa cùng tiếng trò chuyện rôm rả của mọi người. Trên đường đi, rất nhiều xe công nông, xe tải nhỏ cũng chở theo nhiều người hăm hở vào rẫy cà phê chín đỏ ối đang chờ thu hoạch. Năm nay, cà phê ở Tôn K’Long vừa được mùa lại được giá nên ai nấy đều vô cùng phấn khởi.
Cả đời gắn bó với nghề nông trên vùng đất Tây Nguyên, ông K Meng, thôn Tôn K’Long chia sẻ, trước đây, hầu hết diện tích đất canh tác của gia đình chỉ chuyên trồng cà phê, mấy năm gần đây thì trồng thêm ít sầu riêng, bơ theo hình thức xen canh. Sở dĩ ông chọn xen canh mà không trồng thuần là để đề phòng rủi ro thị trường; cái này giảm thì thứ khác tăng, bù trừ lẫn nhau. Vài năm trở lại đây, cùng lúc các loại cây trái trong vườn cùng có giá, nhất là sầu riêng và cà phê nên thật sự gia đình rất phấn khởi.
Theo ông K Meng, bây giờ, hai vợ chồng ông đều đã có tuổi nên đa số đất đai đều đã chia cho các con cái để chúng tách ra ở riêng và làm ăn. Hai vợ chồng ông chỉ còn giữ hơn 1,3 ha đất để canh tác, chủ yếu trồng cà phê xen ít cây ăn trái. Năm nay, giá cà phê tăng cao kỷ lục, có thời điểm chạm 70 triệu đồng/tấn nhân nên bà con trong thôn ai nấy cũng vui mừng. Theo ông K Meng dự tính, năm nay, hai vợ chồng ông cũng thu về không dưới 2,5 tấn cà phê nhân, với giá được ông chốt ở mức 63 triệu đồng/tấn, ông thu về trên 150 triệu đồng.
Chị Võ Thị Chi - Trưởng thôn Tôn K’Long cho biết, hiện toàn thôn có 186 hộ với 636 khẩu; trong đó, diện tích đất sản xuất của người dân khoảng 700 ha. Nghĩa là, trung bình mỗi khẩu tại đây có hơn 1 ha đất sản xuất. Chính vì vậy, những năm qua, người dân trong thôn luôn không ngừng ra sức thi đua, phát triển sản xuất. Trên địa bàn thôn, ngoài cây cà phê truyền thống, các mô hình như trồng sầu riêng, bơ, trồng dâu nuôi tằm đang được người dân tích cực chuyển đổi. Qua đó, bức tranh kinh tế nông thôn tại Tôn K’Long không ngừng trở nên tươi sáng.
Một điều dễ nhận thấy khi đặt chân đến thôn Tôn K’Long những ngày này là hai bên đường, nhiều ngôi nhà được xây mới thay cho những ngôi nhà gỗ. Trong sân nhiều ngôi nhà, ngoài các phương tiện xe cơ giới như máy cày, công nông phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì còn có sự hiện diện của nhiều phương tiện ô tô các loại. Thậm chí, có gia đình có nhiều hơn 2 chiếc xe ô tô trong nhà.
Theo Trưởng thôn Tôn K’Long Võ Thị Chi, hiện nay, toàn thôn có đến gần 20 chiếc xe ô tô các loại; trong đó, có chiếc giá trị tiền tỷ. Đối với người dân trong thôn, việc tậu xe ô tô cũng được họ nhắm đến sử dụng cho nhiều mục đích. Ngoài phục vụ chính nhu cầu đi lại, chiếc xe ô tô còn giúp họ vận chuyển hàng nông sản từ thôn ra huyện, rồi mua ngược phân bón, vật tư nông nghiệp từ huyện trở về thôn. Đặc biệt, năm nay cà phê có giá cao kỷ lục nên thu nhập của người dân trong thôn tăng mạnh. Có tiền từ vụ cà phê này, người dân trong thôn sẽ mạnh tay hơn trong việc đầu tư chăm sóc vườn cà phê và các loại cây trồng khác.
Đồng chí Nguyễn Tất Quyết - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Pal chia sẻ, xã mới Đạ Pal cách trung tâm của huyện Đạ Tẻh hơn 10 km về phía Đông. Đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đạ Tẻh với tổng diện tích đất tự nhiên là 5.995.88 ha. Khi mới thành lập, xã Đạ Pal có 8 thôn. Hiện nay, xã còn 5 thôn với 761 hộ/2.541 nhân khẩu; trong đó, thôn Tôn K’Long cách trung tâm của xã gần 15 km, có gần 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên làm ăn sinh sống. Đây cũng là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của huyện; điều kiện cơ sở hạ tầng những ngày đầu mới thành lập rất nhiều thiếu thốn; đời sống của người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp manh mún và khai thác lâm sản phụ…
Giờ đây, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã; đặc biệt tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, đoàn kết đùm bọc trong lao động sản xuất và sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần của dân thôn Tôn K’Long đến bộ mặt cơ sở hạ tầng nơi đây đã không ngừng đổi thay từng ngày, tạo nên một diện mạo mới đầy khởi sắc.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn thôn đã không ngừng được đầu tư xây mới, nâng cấp. Đó là tuyến đường giao thông chính từ trung tâm xã về thôn đã được thảm nhựa, một phần bê tông hóa nối liền một mạch, qua đó tạo sự thuận lợi cho nhu cầu đi lại, giao thương của ngươi dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế nơi đây cũng luôn được huyện Đạ Tẻh quan tâm đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong thôn.
Và, mới đây, Điện lực Đạ Tẻh cũng vừa tổ chức nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành, cấp điện cho hơn 30 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại cụm dân cư thuộc thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh. Công trình có quy mô xây dựng 874 m đường dây trung thế, 1.160 m đường dây hạ thế và 1 trạm biến áp 50 kVA với tổng giá trị hơn 807 triệu đồng, do Công ty Điện lực Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Mặt khác, Điện lực Đạ Tẻh cũng khảo sát lắp đặt công tơ đo đếm điện năng, thi công nhánh rẽ vào từng nhà khách hàng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Một mùa xuân mới sắp về, không khí xuân rạo rực, tươi vui len lỏi gõ cửa mọi nhà, hiện hữu trên từng đường quê, ngõ xóm ở Tôn K’Long. Năm mới cũng mang theo những dự định mới, kỳ vọng mới về công cuộc đổi mới ở Tôn K’Long, để vùng đất nơi đây ngày càng trở nên trù phú, thật sự là không gian văn hóa, là nơi đáng sống của mỗi người dân.
Hoàng Sa (BaoLamDong.vn)