TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đặc sắc lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Đạ Tẻh In trang
02/02/2023 09:28 CH

Cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, khi những cây mai rực rỡ hoa vàng trong nắng vàng của mùa khô phương Nam, người Tày ở xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh lại tưng bừng trẩy hội Lồng tồng. 

Những quả còn được tung lên theo hình cầu vồng mang theo ước vọng mùa màng bội thu

 

Lồng tồng trong tiếng Tày, Nùng có nghĩa là xuống đồng, là một nghi thức đầu năm của vòng đời mùa màng nông nghiệp. Lễ hội mang triết lý nhân sinh và được ví như ngày hội lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh của đồng bào Tày trên quê mới Đạ Tẻh, cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa vụ bội thu, quốc thái dân an, nhà nhà no đủ, người người ấm no, hạnh phúc. 

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ sau 3 ngày Tết, trên khắp thôn, làng người Tày, người dân đã rộn ràng chờ đón ngày hội. Các mẹ, các chị chọn gạo, làm bánh, chọn con gà trống thiến béo nhất làm cỗ, các thiếu nữ khéo tay kiếm vải đủ màu rực rỡ may quả còn; thanh niên trong làng lên đồi kiếm cây tre thẳng dựng cột cao, trên đỉnh có uốn một vòng tròn dán giấy mỏng tạo không gian lễ hội.

Xuân Quý Mão, sáng mùng 6 tháng Giêng năm nay, lòng người rộn rã trong tiết xuân phơi phới, từ các ngả đường qua cánh đồng lúa xanh mượt, người dân nô nức tụ hội về sân vận động xã An Nhơn, nơi diễn ra lễ hội Lồng tồng. 

Nghi thức chúc xuân cầu mùa, lễ xuống đồng diễn ra trang trọng, thắp nén hương thơm, thầy cúng đọc bài khấn tạ ơn các vị thần Nông, thần Suối, thần Núi phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, gia súc phát triển, cuộc sống bình yên, no ấm; mọi người đều khỏe mạnh, lao động hăng say, được mùa hơn năm cũ. Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất, các vị thần đều mang một ý nghĩa biểu thị sự giao hoà âm dương, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho người dân.

Phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, mọi người cùng hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: Thi mâm cỗ Tết, thi cấy, ném còn, lày cỏ, bắt vịt, đập heo đất. 

Hội thi Mâm cỗ ngày Tết với sự trổ tài nội trợ khéo léo của các mẹ, các chị qua các món ăn truyền thống được chế biến công phu, tỉ mỉ. Bên cạnh heo quay lá mắc mật, gà trống thiến, thì xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh giày ngũ sắc, bánh chè lam, bánh khảo là những món ăn truyền thống được sắp đặt đẹp mắt. Từ những hạt nếp quýt tròn mẩy, trắng ngọc, đồng bào khéo léo làm thành những món ăn tinh tế mang vẻ đẹp văn hóa dân tộc, gửi gắm ước mơ về cuộc sống đủ đầy qua “bông hoa” xôi, tháp xôi ngũ sắc, bánh giày 5 màu cầu kỳ, độc đáo. Mỗi thôn một mâm cỗ thịnh soạn, cầu kỳ là các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần, trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho Nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Hội thi cấy là cuộc tranh tài sôi nổi giữa 20 “lão nông tri điền” cả nam và nữ đại diện cho 5 thôn. Động tác tay ra mạ, tay cấy thoăn thoắt như thoi đưa vẫn đảm bảo đều đẹp, thẳng hàng với quy cách kỹ thuật hàng cách hàng 18 cm, cây cách cây 16 cm… đã khiến hàng ngàn người đứng trên bờ dõi theo, cổ vũ. Người Tày từ Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào Đạ Tẻh từ những năm 1990 - 1992, ra sức đổ mồ hôi, cùng nhau cuốc cày làm bật gốc từng bụi cỏ, làm nên cánh đồng An Nhơn bằng phẳng, góp phần đưa giống nếp quýt tròn mẩy, dẻo thơm trở thành thương hiệu được cả nước biết đến. Dù đã ứng dụng cơ khí hóa trong nông nghiệp, nhưng hội thi cấy là cơ hội để những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn phô diễn kỹ năng lao động thuần thục, qua đó khích lệ tinh thần thi đua sản xuất, làm nên cánh đồng nặng hạt. 

Cuộc thi cấy lúa diễn ra trong không khí cạnh tranh, nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật nông nghiệp: Thẳng, đều, đẹp

 

Trung tâm của lễ hội và cũng là nơi tụ tập đông vui nhất là hội ném còn. Người Tày quan niệm, trong lễ hội Lồng tồng phải có người tung được quả còn xuyên qua vòng tròn treo trên cây nêu cao thì năm đó mới nhiều may mắn, vạn sự như ý. Cuộc tung còn diễn ra trong tiếng hò reo phấn khích khi ai đó vừa ném trượt, ném gần trúng vòng tròn. Mỗi quả còn có 6 - 12 múi, mỗi múi là một màu vải khác nhau được khâu khéo léo, bên trong đầy ắp hạt ngũ cốc, đó là mơ ước của người dân về những hạt giống sẽ nảy nở, đơm hoa, kết trái. Dây quả còn với 9 tua là những tia nắng, tia mưa, giọt sương mong cầu tốt lành, mưa thuận, gió hòa cho mùa màng bội thu. Những quả còn rực rỡ sắc màu gắn với dây tua rua dài, theo hướng tay người tung lên, bay qua bay lại vẽ lên trời đường cầu vồng mang theo ý niệm tốt đẹp cùng bao ước vọng về một năm mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

Hội thi lày cỏ là một trò chơi mang nét văn hóa dân gian đặc sắc của người Tày lần đầu tiên được khôi phục trong lễ hội Lồng tồng An Nhơn. Lày cỏ là sự kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ; hai người chơi phải đồng thanh hô và giơ ngón tay gần giống như trò chơi “Oẳn tù tỳ cái gì ra cái này” của người Kinh. Khi chơi, họ cùng đồng thanh hô to một con số. Số nào là do mình chọn. Xòe ra mấy ngón tay, tùy mình thích. Miễn sao cộng các ngón tay hai người khớp lại, vừa đúng với số mà mình vừa hô sẽ thắng. Ai thua thì bị phạt. Phần thi diễn ra vui tươi, hấp dẫn, nhiều cuộc tranh đua giằng co từng điểm số. Giữa cái nắng gay gắt của buổi chiều, hàng ngàn người dân vẫn đến xem và cổ vũ đã cho thấy sức hấp dẫn của một trò chơi dân gian độc đáo. 

Cuộc vui kéo dài qua nhiều trò chơi như bịt mắt đập heo đất để nhận về phần thưởng là số tiền ngẫu nhiên có trong heo đất đập được; cuộc thi bắt vịt với 50 con vịt được thả trên hồ, phần thưởng là những con vịt người chơi bắt được đã tạo nên không khí vui nhộn. 

Đêm xuống, niềm hân hoan như được nhân lên khi nhiều giải thưởng cho các phần thi đã được trao cho người xứng đáng. Chương trình văn nghệ với 18 tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc sống mới, con người mới trên nền các làn điệu dân ca hát then, đàn tính của người Tày, Nùng đã khép lại lễ hội đầy màu sắc, ấn tượng. 

Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết, từ năm 2018, lần đầu tiên lễ hội Lồng tồng được tổ chức, là hoạt động ý nghĩa thiết thực mừng Đảng, mừng xuân. 5 năm qua, lễ hội không chỉ là ngày hội của riêng đồng bào Tày trong xã mà là ngày vui chung các đồng bào các dân tộc anh em trong huyện. Đây là dịp để đồng bào gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, tạo khí thế thi đua hăng hái bắt tay vào mùa vụ mới. Qua đó, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Tày trên quê mới Đạ Tẻh.

Huyện Đạ Tẻh có hơn 13 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số phía Bắc vào lập nghiệp gồm Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái… có 2.004 hộ, 8.902 khẩu, chiếm 17%, sống rải rác ở các xã, thị trấn, nhưng tập trung nhiều ở xã An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh và Đạ Lây. 

QUỲNH UYỂN (BaoLamDong.vn) 

Lượt xem: 1.385
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003030167
  •  Đang online: 110
  •  Trong tuần: 11.687
  •  Trong tháng: 81.576
  •  Trong năm: 81.576