TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Triển vọng từ mô hình nuôi rắn ráo trâu In trang
15/04/2022 07:41 SA

Bắt đầu triển khai từ tháng 4/2021, đến nay, mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình chị Tô Thị Cúc (Thôn 2, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh) đã bước đầu cho thu nhập khá, mở ra cơ hội phát triển trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân địa phương. 

Chị Tô Thị Cúc kiểm tra tình trạng sức khỏe rắn tại trang trại
Chị Tô Thị Cúc kiểm tra tình trạng sức khỏe rắn tại trang trại

 

Nuôi rắn ráo trâu là mô hình phát triển kinh tế không quá xa lạ ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, tại các tỉnh phía Nam, nhất là Lâm Đồng, mô hình này vẫn còn xa lạ với người nông dân. Nhận thấy các mô hình nuôi rắn ráo trâu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Tô Thị Cúc đã chọn cho mình một hướng đi mới, quyết chí khởi nghiệp với mô hình nuôi rắn ráo trâu - một loại rắn không độc, có giá trị kinh tế cao.

Sau khi làm xong 100 chuồng gỗ, tháng 4/2021, gia đình chị Cúc đầu tư 25 triệu mua trứng rắn giống về ấp. Đến khi trứng nở, chị tiến hành tách đàn, thả vào chuồng cho uống nước, khoảng 7 ngày sau rắn thay da, khi rắn thay da chị thả nhái nhỏ vào để rắn ăn, trung bình 50 con rắn con 1 tháng tuổi mỗi ngày ăn khoảng 0,5 kg nhái con.

Thời gian đầu, việc nuôi rắn của gia đình chị Cúc gặp rất nhiều khó khăn, vì rắn ráo trâu là loài động vật hoang dã chuyên ăn mồi sống ngoài thiên nhiên. Do đó, hằng đêm, gia đình chị phải đội đèn pin đi bắt mồi sống như: cóc, ếch, nhái… cho rắn ăn. Thế nhưng, cách chăm sóc này chỉ kéo dài được một thời gian, vì nguồn thức ăn ngoài thiên nhiên cạn dần, đặc biệt, mỗi khi nắng lên thì không có mồi cho rắn ăn. Bên cạnh đó, việc chưa nắm bắt đầy đủ các quy trình, kỹ thuật nuôi cũng khiến rắn thường xuyên mắc một số bệnh, đau yếu, dẫn đến tổng đàn liên tục bị hao hụt. Khó khăn chồng chất khiến gia đình chị Cúc chán nản và tính bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng rồi nghĩ tới số tiền vay mượn để đầu tư vào mô hình này nên gia đình chị Cúc quyết tâm làm bằng được.

Trong đó, đáng kể nhất là việc gia đình chị tập cho rắn chuyển từ ăn mồi sống sang ăn mồi chết như: gà, vịt con thải loại từ các công ty ấp nở trứng rồi đem về làm sạch, cắt từng miếng mồi nhỏ và dự trữ trong tủ đông để cho rắn ăn dần. Thời gian đầu, loài rắn hoang dã này có thói quen thấy con mồi di chuyển thì nó mới ăn. Tuy nhiên, nhờ kiên trì cho ăn, cuối cùng một số con rắn đã chịu ăn mồi. Đối với những con rắn không chịu ăn thì gia đình chị đem bán và chỉ giữ lại những con chịu ăn để nuôi thuần chủng giống và cho sinh sản tăng đàn.

Dù quy mô chuồng trại và tổng đàn ban đầu còn khá khiêm tốn, nhưng gia đình chị Cúc vẫn có thể thu về lợi nhuận gần 40 triệu đồng sau 5 tháng nuôi lứa rắn ráo trâu đầu tiên. Đây là cơ sở để gia đình chị Cúc quyết tâm phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, trang trại nuôi rắn ráo trâu của gia đình chị Cúc đã phát triển lên đến hơn 1.500 con; trong đó, có 500 con rắn giống bố, mẹ và hơn 1.000 con thương phẩm các loại. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng xây thêm chuồng trại. 

Theo chị Cúc, thị trường tiêu thụ rắn ráo trâu hiện nay rất lớn, chủ yếu xuất bán qua Trung Quốc với giá bán rắn thương phẩm dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/kg; rắn giống từ 150.000 - 200.000 đồng/con (tùy vào con nhỏ hay lớn). Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng của các nhà hàng đặc sản trong nước cũng không ngừng tăng lên. Riêng đối với sản phẩm rắn ráo trâu được nuôi của gia đình, rắn nuôi đến đâu bán hết đến đấy nên nghề này vẫn còn nhiều cơ hội giúp người dân làm giàu.

“Việc nuôi rắn ráo trâu cũng không quá khó, người nuôi cần chịu khó và kiên trì. Trong quá trình nuôi, chuồng trại phải được bố trí ở nơi khô ráo, thoáng mát vừa tránh ẩm thấp vừa tránh nhiệt độ quá nóng, rắn con sẽ bệnh. Rắn ráo trâu thường bị bệnh viêm phổi và bệnh đường ruột. Đối với các loại bệnh thường gặp này, người nuôi cần cho rắn ăn ít lại và cho uống men tiêu hóa chống tiêu chảy. Hàng ngày, quét dọn đáy chuồng, rửa máng nước, loại bỏ phần thức ăn thừa. Đồng thời, phải đảm bảo chế độ và số lượng thức ăn theo nhu cầu của rắn trong từng thời kỳ” - chị Cúc cho biết thêm.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Cúc cho hay: Bản thân chị mong muốn có thể nhân rộng mô hình nuôi rắn ráo trâu, trước hết là cho bà con trong xã. Chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp nguồn giống, nguồn thức ăn chất lượng với giá rẻ cũng như chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường, bao tiêu toàn bộ rắn ráo trâu thương phẩm cho bà con.

Ông Trần Hùng Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh cho biết: Mô hình nuôi rắn ráo trâu của hộ gia đình chị Tô Thị Cúc tuy mới, nhưng bước đầu cho hiệu quả kinh tế rất khả quan. Qua theo dõi, đánh giá, rắn ráo trâu sinh trưởng, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương; thị trường tiêu thụ cũng rất rộng, giá ổn định nên các cấp, ngành chức năng của huyện đang hỗ trợ hộ nông dân làm mô hình điểm. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh sẽ tổ chức cho người dân trên địa bàn huyện tham quan, học tập kinh nghiệm để tiến tới nhân rộng trên địa bàn.

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 1.750
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003032323
  •  Đang online: 59
  •  Trong tuần: 13.843
  •  Trong tháng: 83.732
  •  Trong năm: 83.732