TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Nuôi ốc bươu đen trong ao đất In trang
16/11/2021 04:37 CH

Không chỉ hỗ trợ nông dân phát triển những cây trồng, vật nuôi truyền thống, Hội Nông dân các cấp còn hỗ trợ nông dân thử nghiệm những vật nuôi mới, cây trồng mới, cách làm mới trong nông nghiệp. Và, tại Đạ Tẻh, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ một nông hộ nuôi con ốc bươu đen cho kết quả khả quan.

Bể ấp ốc bươu giống của ông Nguyễn Văn Thông

Ông Trần Hùng Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Ốc bươu đen là vật nuôi được nhiều nông dân ở các địa phương chọn lựa, cho kết quả tốt. Thị trường cho ốc bươu đen rất rộng, giá ổn định nên huyện hội xác định thử nghiệm vật nuôi này, hỗ trợ nông dân làm mô hình điểm”. Hội đã chọn hộ ông Nguyễn Văn Thông, hội viên nông dân Thôn 4, xã Quảng Trị để triển khai mô hình thí điểm nuôi ốc bươu đen.
 
Ông Nguyễn Văn Thông vốn có nghề nuôi cá và trong vườn có sẵn ao rộng 2 sào. Ngoài nuôi cá, bản thân ông đã từng nuôi ốc bươu đen và chưa thành công. Ông Thông cho biết: “Tôi có 2 sào ao, trước đây tôi đã từng tìm hiểu qua anh em bạn bè, mạng internet về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen. Tuy nhiên, với nguồn vốn có hạn và kỹ thuật nuôi còn chưa nhiều, mô hình của gia đình dần dần cạn kiệt, thất bại. Vì vậy, khi được Hội Nông dân huyện hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí mua con giống, cải tạo diện tích ao nuôi, tôi đã mạnh dạn nhận xây dựng mô hình này”. Tháng 4/2021, ông Nguyễn Văn Thông bắt tay cải tạo ao nuôi và thả 10 ngàn con giống ốc bươu đen xuống ao.
 
Ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ, trước khi thả ốc giống phải cải tạo ao, rắc vôi bột vừa để cải tạo nguồn nước, vừa diệt sạch các loại cá còn sót lại vì nhiều loại cá rất thích ăn ốc. Sau đó, ao được bơm một lượng nước sâu vừa phải, chừng 0,8-1,2 m nước; đồng thời thả bèo hoa dâu, bèo tấm. Thả bèo vừa có tác dụng giữ nhiệt độ nước ổn định, vừa làm nơi ốc bám để ăn thức ăn. Ốc sử dụng nguồn thức ăn đơn giản, chủ yếu là các loại thực vật, các vi sinh vật trong bùn non. Ông cho ốc ăn 1 lần/ngày, chủ yếu là các loại rau xanh có sẵn trong vườn với lượng không nhiều. Theo ông, nếu cho ăn nhiều quá, thức ăn thừa sẽ gây ô nhiễm, làm bẩn nguồn nước, ốc dễ chết. 
 
Sau khi nuôi được 4 - 5 tháng, từ số ốc giống ban đầu đã đạt kích thước trưởng thành với kích cỡ 35 - 40 con/kg. Tuy nhiên, ông không bán ốc thương phẩm mà nuôi để ấp trứng và cung cấp giống cho các hộ trong và ngoài huyện có nhu cầu. Hiện nay, đối với con giống từ 3 - 4 tuần tuổi, ông bán với giá 400 đồng/con và số lượng con giống của gia đình không đủ cung cấp ra thị trường. Ông Thông cho biết, khi ốc đẻ trứng cần thu gom trứng đặt vào bể riêng, ốc sẽ nở và sau 3 - 4 tuần là ốc con có thể xuất bán cho các ao nuôi. Bể ấp trứng không cần quá rộng, nước không cần quá sâu mà quan trọng là giữ được nhiệt độ nước ổn định. Ông Thông chia sẻ: “Nuôi con ốc bươu đen quan trọng nhất là nước phải sạch, nước sạch ốc khỏe, mau lớn. Nếu để nước bẩn là coi như thất bại”. Với kinh nghiệm và các kiến thức thường xuyên cập nhật qua internet cũng như học từ cán bộ kỹ thuật, bước đầu ông Thông đã thành công trong việc xử lý nước, tạo môi trường sạch để ốc bươu phát triển và phòng bệnh cho ốc. 
 
 Ốc bươu đen là món ăn ưa thích của người Việt, phương thức chế biến đa dạng như nướng, luộc, xào, nấu lẩu,... nên đầu ra tương đối ổn định, giá bán khá cao. Dù nuôi lấy giống như ông Nguyễn Văn Thông hay nuôi ốc thương phẩm lấy thịt đều mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Chính từ hiệu quả này, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen tại các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Baolamdong.vn

Lượt xem: 1.217
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 002507195
  •  Đang online: 241
  •  Trong tuần: 12.274
  •  Trong tháng: 12.274
  •  Trong năm: 495.604