Họ là một nữ một nam, nhưng có nhiều điểm chung: giáo viên môn Âm nhạc, đang dạy học trường phổ thông huyện, sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc và là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng.
• “HẠNH PHÚC CỦA EM” LÀ NIỀM VUI CỦA CÔ
|
Cô giáo - nhạc sĩ Thu Hường |
Ngày 23/10/2021, nhạc sĩ Trần Thu Hường, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, huyện Di Linh vinh dự được xướng tên tại Lễ tổng kết sáng tác “Ca khúc về thầy cô và mái trường” với giải Nhì. Đó là tác phẩm “Hạnh phúc của em”. Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức với hơn 400 ca khúc dự thi. Tác giả Thu Hường bày tỏ: “Tôi rất mừng vì đã góp phần nho nhỏ trong việc tôn vinh nghề giáo, ca ngợi những người đi “gieo hạt, trồng người” cho đất nước. Hy vọng sau cuộc thi này, những bài hát viết về thầy cô, trường lớp được phổ biến rộng rãi...”.
Trần Thu Hường sinh năm 1970, là người con của một gia đình nghèo khó ở xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bù lại, cô được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình có người ba tài năng và đam mê nghệ thuật hát bội. Dòng chảy văn hóa quý giá ấy len thấm vào Thu Hường để đủ năng khiếu và nhiệt huyết cho cô thi ngành âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng đạt thủ khoa. Sau 3 năm đào tạo bài bản, năm 1993, Trần Thu Hường tốt nghiệp chuyên ngành Nhạc - Văn. Thụ giáo một năm tại trường tiểu học quê hương, năm 1995, cô theo chồng lên cao nguyên lập nghiệp, làm giáo viên dạy Âm nhạc Trường Tiểu học Nguyễn Trãi rồi Trường THCS Nguyễn Du đến nay. Quá trình dạy học, cô tiếp tục nâng trình độ đào tạo âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 và tốt nghiệp năm 2007.
Năng khiếu, vốn kiến nhạc, đam mê nghề nghiệp, tình yêu lớn với trẻ, môi trường dạy học thân thiện là những thành tố ngày càng khơi cảm hứng sáng tạo mãnh liệt để chắp cánh cho cô giáo - nhạc sĩ Thu Hường bay cao bằng những ca khúc đậm chất trữ tình. Hai mươi năm, tính từ tác phẩm đầu tay, đến nay, nhạc sĩ Thu Hường đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó, nhiều tác phẩm đoạt các giải cao của toàn quốc, khu vực và địa phương. Thành tựu, tâm huyết nhạc sĩ Thu Hường dành nhiều nhất là đề tài thiếu nhi và nhà trường, có tới hơn 60 ca khúc. Những dấu ấn thành công trong sáng tác của cô như: Vầng trăng cánh võng, Từ bục giảng yêu thương, Trăng của nội, Mùa hè của em, Ngôi trường thân thiện, Vầng trăng cánh võng, Bé chơi đàn, Tạm biệt trường ơi, Từ bục giảng yêu thương, Nhớ lời thầy, Mẹ trực đêm, Về cùng anh đi em, Tình yêu trên Tây nguyên, Hạnh phúc của em, Thầy cô nâng bước em từng ngày, Niềm vui đến trường,... Càng trân trọng và vinh dự cho cô giáo là tác phẩm “Em yêu giờ học hát” được đưa vào sách giáo khoa “Tập bài hát 1” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cuối năm 2007, nhạc sĩ Trần Thu Hường trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng và năm 2011, cô được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam chuyên ngành sáng tác. Cô là hội viên nữ đầu tiên đến nay, trong số 16 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam của Chi hội Âm nhạc Lâm Đồng hiện nay.
Trần Thu Hường nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2012, cô còn đoạt giải Nhất nội dung hòa tấu Cuộc thi Đàn hát piano toàn quốc do Bộ GDĐT tổ chức. “Dạy học là mơ ước, còn sáng tác là cơ duyên”, cô giáo Hường chia sẻ. Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Thu Hường là thẩm thấu chất liệu dân ca các vùng, miền để khéo léo kết trả vào tác phẩm bằng những giai điệu mượt mà và âm hưởng lung linh. Cùng với đó, luôn tươi trẻ trong nét nhạc, ca khúc của cô tìm được đồng điệu của công chúng, đặc biệt là học sinh trong sự thấu cảm, tri ân những bậc sinh thành và thầy cô giáo… Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đình Nghĩ nhận xét về Thu Hường: “Thu Hường là người vừa dạy trẻ vừa phổ biến âm nhạc. Cô phổ thơ nhiều và có những thành công với những giải thưởng, đặc biệt là viết về thiếu nhi, đó là những ấp ủ của tình yêu nghề nghiệp nơi cô giáo tài năng và rất có trách nhiệm với nghề. Nhạc của Thu Hường rất gọn ghẽ, đề tài phong phú, được công chúng đón nhận nhiệt tình”.
• CHẮP ƯỚC MƠ CHO TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ
|
Thầy giáo- nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Trọng |
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Trọng sinh năm 1967, quê ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1988, Hoàng Trọng cùng gia đình vào huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới. Năm 2002, anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, chuyên ngành Âm nhạc. Tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Hoàng Trọng trở về nơi vùng đất khó khăn nhưng gắn nhiều kỷ niệm tuổi học sinh lam lũ của mình. Anh được phân công làm giáo viên Âm nhạc Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT liên huyện phía Nam ở Đạ Tẻh đến nay. Vừa dạy học, vừa sáng tác các ca khúc, thầy giáo-nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Trọng có nhiều thành công để vinh dự được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Năm 2019, anh trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong niềm vui chung của đồng nghiệp và mọi người.
Ngoài nghiệp “trồng người”, Nguyễn Hoàng Trọng đam mê sáng tác ca khúc từ lúc mới trưởng thành. Khi đã hội đủ về kiến thức và chín muồi về cảm hứng, Nguyễn Hoàng Trọng bắt đầu sáng tác. Đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Trọng có khoảng gần 100 ca khúc. Đề tài anh khai thác nhiều là lãnh tụ Hồ Chí Minh, các miền quê hương Việt Nam, những người mẹ, tình yêu đôi lứa… Đặc biệt, cũng như nhạc sĩ Thu Hường, thầy giáo Hoàng Trọng dành nhiều tâm huyết sáng tác về đề tài thiếu nhi. Anh trải lòng: “Những sáng tác này một phần vì yêu học trò, phần nữa, trong thực tế, sáng tác âm nhạc về ca khúc thiếu nhi còn ít ỏi nên không đáp ứng được nhu cầu ca hát của các em”. Nguyễn Hoàng Trọng thâm trầm, thường kiệm lời khi nói về mình, nhưng tôi biết, sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi luôn đau đáu ở thầy giáo yêu nghề mến trẻ này. Tác phẩm đoạt giải của anh trước hết là những tác phẩm viết về ngành Giáo dục, đó là giải Nhì Cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi dành cho giáo viên âm nhạc toàn quốc năm 2019 hay giải tác phẩm đạt chất lượng cao đăng Tạp chí Lang Bian 2018 của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng... Sáng tác về ngành Giáo dục, Nguyễn Hoàng Trọng có nhiều tác phẩm như: Em bé vùng cao đi học, Mùa hè của em, Em đi chơi rằm, Đồng dao thằng Cuội, Em quen rồi làng buôn, Tiếng đàn cô giáo, Em là cô giáo vùng cao, Mỗi ngày em đến lớp…
Những tác phẩm viết các đề tài khác, Nguyễn Hoàng Trọng có: Em yêu Bác Hồ Chí Minh, Về với mẹ, Lời ru, Điệu ví quê hương, Hãy hát lên Việt Nam, Về Đạ Tẻh cùng em, Nghĩ từ Lăng Bác, Còn yêu nhau, Vô tình, Mùa hoa ru em,… Nhiều bài hát lời của anh, nhưng cũng khá nhiều bài Hoàng Trọng phổ thơ hoặc lấy ý thơ của bạn bè, và có cả của nhà thơ nổi tiếng nước ngoài, khi nhạc sĩ giao cảm kết được tâm tình. Nhưng dù đề tài nào, Nguyễn Hoàng Trọng đều có một phong cách riêng, nhiều tác phẩm anh khai thác chất liệu âm nhạc các vùng văn hóa, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ. Tác phẩm vừa thân thuộc gần gũi của hương đồng gió nội, vừa nhẹ nhàng trữ tình thiết tha trìu mến. Nhạc sĩ Đình Nghĩ nhận xét: “Hoàng Trọng sáng tác rất nhiều thể loại, trong đó có nhạc trẻ và khả năng sáng tác của anh rất rõ. Giai điệu trong nhạc Hoàng Trọng mới mẻ; có những giai điệu anh viết với những phức điệu, điều mà không phải ai cũng viết được. Bởi phải có tay nghề, lý luận và chiều sâu mới viết được. Đấy là thế mạnh của Hoàng Trọng. Tôi cũng có thêm ghi nhận rất đáng khích lệ, đó là anh Trọng tự hòa âm phối khí cho các ca khúc của mình…”.
Xin chúc mừng hai nhà giáo, hai hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam Trần Thu Hường và Nguyễn Hoàng Trọng. Đó là quả ngọt bằng sự phấn đấu không ngừng của hai cá nhân nhà giáo; cũng là sự ghi nhận, động viên hoạt động sáng tạo của người “thuyền trưởng”- nhạc sĩ Đình Nghĩ. Anh nói: “Để có ca khúc được định danh là nhạc sĩ thực chất không đơn giản. Với hai người này, càng cao quý khi nói không quá rằng, họ là những người đi xóa nạn mù nhạc vùng sâu, vùng xa, thông qua trường học. Họ học hành bài bản, là những sáng tác trẻ có nhiều đam mê và tiềm năng, vì vậy, chúng tôi cố gắng giới thiệu họ vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Thành tích của hai nhà giáo cũng là thành tích của Chi hội Nhạc sĩ chúng tôi”.
Baolamdong.vn