Chúng tôi hỏi về văn hóa của cồng chiêng, những già làng nói rằng, từ khi sinh ra được nhìn thấy ánh mặt trời cũng là lúc họ được chìm đắm trong tiếng cồng chiêng trầm hùng, hoan hỉ. Và có lẽ, đó là lí do để những người con đồng bào gốc Tây Nguyên ở huyện Đạ Tẻh đang từng ngày cố gắng, nâng niu nét văn hóa đặc sắc ấy tựa như giữ gìn “báu vật” của một tộc người.
|
Huyện Đạ Tẻh luôn chú trọng đầu tư để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng của đồng bào DTTS tại địa phương. (Ảnh chụp trước ngày 2/7) |
VỀ TÔN K’LONG NGHE TIẾNG CỒNG CHIÊNG
Gần 4 năm qua, đội cồng chiêng với 12 thành viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên ở Tôn K’Long, xã Đạ Pal thường tập trung vào những ngày cuối tuần hoặc cuối tháng để đánh chiêng cũng như trao đổi kinh nghiệm trong đời sống sản xuất.
Là người phụ nữ duy nhất trong thôn biết đánh cồng chiêng, ở cái tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”, đôi tay bà Ka Rồn vẫn còn khỏe khoắn để mỗi ngày được nâng niu chiếc chiêng trên tay. “Từ nhỏ, tôi đã thấy người lớn đánh cồng chiêng tại các lễ hội của làng nên đã đi theo các anh đến nhà già làng trong thôn để học. Rồi không biết từ khi nào mà âm vang cồng chiêng đã thấm vào người cho đến bây giờ. Tất nhiên, cồng chiêng phần lớn là dành cho nam giới, còn nữ chỉ múa xoang, hoặc dệt thổ cẩm, nhưng giống như sở thích, hay nói đúng hơn là mình cảm nhận được sự thiêng liêng ở đó nên cứ thế mà gìn giữ cho tới bây giờ. Con cháu nó muốn học thì mình chỉ cho nó”, bà Ka Rồn tâm sự.
Còn đối với anh K’Tâng, được đánh cồng chiêng vào những ngày cuối tuần, ấy là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao của anh. Là đội trưởng đội cồng chiêng, anh K’Tâng luôn cố gắng duy trì và thu hút thế hệ trẻ bằng thứ âm thanh đặc trưng riêng của người đồng bào.
Anh bảo rằng, đối với chúng tôi, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là nhạc cụ dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng và gắn bó gần như trọn vẹn đời sống của bà con. Một đứa trẻ khi mới được lọt lòng mẹ, nó đã được tiếng chiêng hoan hỉ chào đón và loan báo tin mừng đến cộng đồng dân cư. Đến lúc trưởng thành, những chàng trai, cô gái lập gia đình thì trong ngày cưới ấy, sẽ có những tiếng chiêng chúc mừng hạnh phúc. Hơn nữa cồng chiêng cũng thúc giục khí thế hăng say sản xuất khi vào vụ mới hay gọi nhà nhà đến chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no.
Trong không gian im ắng của buổi chiều, tiếng chiêng ở Tôn K’Long vang lên với thứ âm thanh trầm hùng. Những bước chân uyển chuyển, khoan thai như mang lại một cảm giác yên bình đến tĩnh tại. Nghe tiếng chiêng vang xa, những người dân đủ mọi lứa tuổi, trong đó có mấy đứa trẻ trong thôn lại nhí nhố chạy tới để thưởng thức âm thanh mộc mạc, giản dị mà độc đáo, đặc sắc.
Được hỏi thăm về nét văn hóa đặc trưng của bà con trong vùng, Trưởng thôn Võ Thị Chi tự hào nói: “Cuộc sống của bà con ở đây còn khó khăn lắm, nhưng không vì thế mà người dân họ quên đi những thứ quý báu về mặt tinh thần được cha ông truyền lại. Vào những ngày rảnh rỗi, họ lại cùng nhau ngồi lại, trò chuyện và truyền dạy cho nhau những cách đánh chiêng. Ở đây, ngoài cồng chiêng, thì còn có đội múa xoan, dệt thổ cẩm…”.
NỖ LỰC GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY
Nhắc về đội cồng chiêng của địa phương, ông Chu Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết: Hiện toàn xã chỉ có một câu lạc bộ cồng chiêng tại Tôn K’Long với 12 thành viên. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương cũng đã hỗ trợ cho câu lạc bộ cồng chiêng, tập luyện các tiết mục để tham gia các hoạt động của xã nhà tại huyện. Trong thời gian tới, địa phương rất mong sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và các ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ cho câu lạc bộ cồng chiêng gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc bản địa.
Theo UBND huyện Đạ Tẻh, toàn huyện hiện có 13 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 25,7%, chủ yếu là dân tộc K’Ho, Mạ. Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng, thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều đợt tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan bằng tờ rơi, áp phích, xe loa, tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, qua sinh hoạt các câu lạc bộ, qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư…
Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, UBND huyện đã thực hiện 572 băng rôn, 35 buổi tuyên truyền miệng, 45 bản tin truyền thanh, 87 bài viết, 289 buổi sinh hoạt khu dân cư, đoàn thể có nội dung tuyên truyền nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào DTTS. Đặc biệt, địa phương đã thành lập được 5 đội cồng chiêng và 5 đội múa xoang, cấp 6 bộ chiêng cho các xã, thị trấn có đồng bào DTTS Mạ, K’Ho sinh sống. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp 10 bộ trang phục truyền thống cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Đến nay, 100% số xã, thị trấn có đồng bào DTTS có chiêng, trang phục truyền thống để tổ chức các hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đạ Tẻh cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tăng cường nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng của đồng bào DTTS tại địa phương; đồng thời đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các nhà văn hóa cộng đồng của buôn đồng bào các DTTS tại chỗ. Bên cạnh đó, lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đồng bào DTTS với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì 2 năm/ lần tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng với quy mô toàn huyện được tổ chức luân phiên tại cơ sở…
Nguồn: baolamdong.vn