Gần 50 ngày kể từ khi bám trụ với Trạm Y tế xã Hương Lâm cũ (xã Đạ Lây) để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, 3 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh vẫn miệt mài với công tác chuyên môn. Gác lại chuyện riêng, họ hết lòng giúp các bệnh nhân nhanh chóng khỏe mạnh, sớm được trở về nhà.
|
Bác sĩ Bế Thị Lan Hương theo dõi bệnh án của bệnh nhân trong khu điều trị COVID-19 huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Hoàng Sa |
8 giờ tối, điện thoại của điều dưỡng Dương Quốc Long (31 tuổi) đổ chuông. Cậu con trai nhỏ 5 tuổi lại hỏi câu mà bé đã hỏi từ một tháng rưỡi nay: “Bao giờ bố về?”. Không dám hứa trước, anh Long bảo con trai mong bố vì lần xa nhau lâu nhất của hai bố con trước đó cũng chỉ có 10 ngày. May sao, điện thoại và mạng xã hội đã nối gần khoảng cách, để nỗi nhớ vơi bớt phần nào.
Vợ anh Long là giáo viên, may mắn là đang trong thời gian nghỉ hè nên hơn một tháng nay, hai mẹ con chăm nhau trong những ngày vắng bố, là hậu phương vững chắc cho anh Long yên tâm chống dịch. Anh bảo rằng vì nhiệm vụ chung nên mỗi người đều dặn nhau cố gắng một chút. Có lo lắng, có xót xa mỗi lần con nóng sốt, nhưng “chỉ nghĩ tới bao nhiêu người trên tuyến đầu chống dịch đã xa gia đình tới mấy tháng trời. Có người mỗi lần về thăm nhà lại chỉ dám đứng nhìn con từ xa để đảm bảo an toàn là tôi lại có thêm động lực” - anh Long chia sẻ.
Là người mẹ của 2 con nhỏ, hộ lý Nguyễn Thị Phượng (35 tuổi) lại hoàn toàn yên tâm khi con ở nhà với bố. Mẹ vốn bận rộn với những ca trực, nên hai bé 11 tuổi và 6 tuổi đều được bố mẹ dạy tính tự lập từ sớm. “Công việc hộ lý khiến tôi ít có thời gian chăm sóc con cái hơn chồng. Chồng tôi làm việc ở nhà nên cũng là người chăm con chính trong gia đình. Thế nên, hơn một tháng mẹ xa nhà, ba bố con vẫn khỏe mạnh, chỉ có nhớ mẹ nên con hay gọi điện hối mẹ về” - chị Phượng kể. Mỗi lần như vậy, chồng chị lại nói với con về câu chuyện tuyến đầu chống dịch, để hai con hiểu và thông cảm thêm với mẹ.
Từ ngày 2/7 đến nay, khu cách ly điều trị COVID-19 của huyện Đạ Tẻh đã tiếp nhận 9 bệnh nhân mắc COVID-19. Hầu hết các trường hợp này đều liên quan đến chuỗi lây nhiễm của bệnh nhân 17951 (từ chợ đầu mối Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh về thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh). Hiện, 7/9 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Lúc cao điểm, khu điều trị có 8 bệnh nhân, đó cũng là thời điểm mà các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý bận rộn với nhiều công việc nhất.
Đến giờ, bác sĩ Bế Thị Lan Hương vẫn còn nhớ giây phút chị nhận nhiệm vụ, đối diện trực tiếp và làm công tác điều trị cho ca nhiễm COVID-19. Cùng với các bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, những lo lắng, hồi hộp và căng thẳng lúc đầu của chị nhanh chóng qua đi. Thay vào đó là trọng trách, tinh thần làm hết mình của một người bác sĩ khi đứng trước bệnh nhân. Chị nói rằng: “Dù điều kiện công tác lần này có đặc biệt hơn so với bình thường, nhưng bệnh nhân COVID-19 cũng như những bệnh nhân khác. Chúng tôi luôn dốc hết sức, hết lòng với mong muốn bệnh nhân mau chóng hồi phục”.
Cách trung tâm huyện Đạ Tẻh hơn 10 km, khu điều trị COVID-19 đặt tại xã Đạ Lây cũng được xem như một khu cách ly riêng biệt. Ở đó, chỉ có bệnh nhân và các y bác sĩ, nên ngoài vai trò khám, chữa bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý còn được xem như người thân, đóng vai trò quan trọng trong việc động viên tinh thần, đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh.
Gần 50 ngày khó quên. Những bệnh nhân lần lượt khỏi bệnh và xuất viện trong niềm vui giữa dịch bệnh, chỉ có bác sĩ Hương, điều dưỡng Long và hộ lý Phượng thì vẫn ở lại khu điều trị, tiếp tục với công việc nay đã trở nên quen thuộc của mình. Rồi sẽ đến ngày bệnh nhân cuối cùng rời khu điều trị. Các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý sẽ có thêm 14 ngày thực hiện cách ly tập trung nữa để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, trước khi trở về nhà, đoàn tụ với bố mẹ già và con thơ. Đó cũng là niềm mong mỏi chung dành cho tuyến đầu chống dịch trên khắp các địa phương.
Để đảm bảo công tác khám, chữa trị cho người bệnh tại khu cách ly điều trị tập trung, ngay ngày 2/7, Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh đã điều động khẩn cấp kíp trực gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 hộ lý tăng cường cùng với các máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm đường huyết… Ông Phạm Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh cho biết: Trước đó, Trung tâm đã tập huấn, đề ra các phương án, sẵn sàng cho mọi công tác điều trị, phòng chống dịch COVID-19. Thế nên, khi ca F0 đầu tiên xuất hiện đột ngột trên địa bàn huyện, đội ngũ y bác sĩ dù có bất ngờ nhưng đều đã chuẩn bị tinh thần, nên khi được điều động, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều nhiệt tình, hết tâm hết sức vì bệnh nhân.
Đây cũng là tinh thần chung của đội ngũ cán bộ y tế Lâm Đồng đang ngày đêm miệt mài trong các khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nguồn: baolamdong.vn