Với 23 thành viên, tổ hợp tác “không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” hay chăn nuôi heo “sạch” đã hoạt động tại xã Quảng Trị, Đạ Tẻh từ 2016 đến nay.
Các thành viên trong tổ hợp tác nuôi heo sạch tại Thôn 4, xã Quảng Trị đang chia sẻ kinh nghiệm
Khi chúng tôi đến thăm nhà, bà Vũ Thị Tuất, 51 tuổi, người Thôn 4, Quảng Trị, Đạ Tẻh đang trong nhà kho phía sau kiểm tra lại các bao thực phẩm cho heo vừa mới mua về.
Cơ sở nuôi heo của bà Tuất xây khá rộng rãi trong vườn nhà, tại đây gia đình bà đang nuôi trên 100 con heo, trong đó có 26 con heo nái, toàn bộ heo con sinh ra đều được giữ lại nuôi hết. Gia đình bà nuôi heo đã nhiều năm nay bên cạnh nghề làm vườn.
Mặc dù số lượng heo nuôi khá nhiều nhưng chuồng trại nơi đây rất sạch sẽ, theo bà Tuất nhờ làm vệ sinh hằng ngày, sử dụng sinh phẩm khử mùi nên hầu như không có mùi hôi. Cùng đó, gia đình bà còn lắp đặt trong chuồng một hầm bioga với sức chứa khoảng 20 m3 rất tiện lợi.
Theo bà Tuất, người dân trong xã Quảng Trị đã duy trì nghề nuôi heo nhiều năm nay, chỉ riêng tại Thôn 4 thôi theo bà Tuất mọi người cũng nuôi đến cả nghìn con, nhà ít thì vài con, nhà nhiều đến vài chục con. “Chỉ sợ heo rớt giá như năm trước, chứ giữ được giá thì nơi đây vẫn luôn có người nuôi, nhiều người lấy công làm lời thôi mà”, bà Tuất cho biết.
Từ sự vận động của huyện, năm 2016 tại Thôn 4 đã thành lập một tổ hợp tác không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay gọi nhanh là nuôi heo “sạch”, hiện nay có 23 thành viên tham gia và bà Tuất chính là chủ nhiệm của tổ hợp tác này.
2 thành viên của tổ hợp tác mà chúng tôi gặp trong dịp này, bà Trần Thị Mơ (56 tuổi) và bà Đỗ Thị Nguyệt (68 tuổi) đều tham gia tổ hợp tác ngay từ đầu. Nhà bà Mơ và nhà bà Nguyệt mỗi nhà hiện nuôi khoảng 30 con. Cũng giống như bà Tuất, bà Mơ và bà Nguyệt nuôi heo nái, chọn heo nái giống tốt để gây đàn cho mình. Nuôi lâu năm nên cả 2 bà đều có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng bệnh cho heo, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giảm đến mức tối thiểu mùi hôi ra cộng đồng. “Chúng tôi thường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng làm ăn mà”, bà Nguyệt nói.
Theo các thành viên trong tổ hợp tác, nơi đâu trong và ngoài huyện có xảy ra bệnh trên đàn heo chứ tại Thôn 4 này hầu như từ trước đến nay không xảy ra. Kiểm soát tốt nguồn nước, rắc vôi bột quanh chuồng, không cho người lạ vào chuồng, tiêm phòng theo lịch đầy đủ, tất cả theo bà Tuất, bà Mơ và bà Nguyệt, đó là nhờ công tác phòng bệnh rất tốt của mọi người dân nơi đây.
Heo “sạch” theo bà Mơ, là chỉ sử dụng thức ăn an toàn, đã qua kiểm tra, có xác nhận của nhà sản xuất để làm thực phẩm cho heo, không dùng chất cấm để cho heo ăn hay tiêm cho heo. Chất cấm trôi nổi bây giờ bán nhiều trên thị trường chợ đen, hỏi thì có nhưng chúng tôi lâu nay đã cam kết không sử dụng.
“Không sử dụng thuốc tăng trọng thì heo không tăng ký nhanh, không sinh lời nhiều, nhưng trong chăn nuôi, mình bán heo cho mọi người làm thực phẩm thì mình phải có lương tâm chứ đâu nỡ làm tổn hại người dùng như vậy được. Dù biết lợi nhuận thấp hơn nhưng trong lương tâm mình vui, thanh thản, biết việc mình làm có ích cho xã hội, cho mọi người là được”, bà Mơ chia sẻ.
Và một điều quan trọng khác theo bà Mơ chính là những người nuôi như bà có thể an tâm dùng sản phẩm của chính mình làm ra. “Trong làng xóm nơi đây giờ mọi người khi có việc đều an tâm sử dụng thịt heo của tổ hợp tác”.
Theo bà Tuất, lâu nay chưa có nhiều người biết đến tổ hợp tác nuôi heo sạch này, nên sản phẩm của tổ hợp tác thường bị đánh đồng với mọi loại thịt lợn khác, nhưng gần đây trong huyện đã có nhiều người biết và tìm đến sản phẩm sạch nơi đây. “Rất nhiều quầy thịt ở các chợ trong huyện nay đã đặt hàng cho tổ hợp tác, rồi các trường học bán trú, nội trú trên địa bàn đều mua sản phẩm của chúng tôi”, bà Tuất vui vẻ.
Bà Tuất cho biết, đơn vị cung cấp cám heo cho mọi thành viên trong tổ hợp tác lâu nay đã ngỏ ý muốn ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các tổ viên nơi đây. “Họ đã lên đây tìm hiểu và đề nghị không chỉ cung cấp cám heo mà còn cung cấp con giống tốt cho tổ hợp tác và cam kết thu mua đầu ra cao hơn giá thị trường”.
Có một điều mà nhiều thành viên trong tổ hợp tác này bày tỏ khi chúng tôi đến đây, chính là việc nhiều gia đình đang rất thiếu vốn để khôi phục lại đàn heo. Do dịch bệnh nên giá heo trong nước năm trước xuống đến mức thấp kỷ lục khiến nhiều người nuôi heo trong đó có người dân xã Quảng Trị lao đao, mất cả vốn. Gần đây giá heo hơi trong nước đã nhích lên trở lại và không ít gia đình đang rất cần vốn để đầu tư trở lại.
“Tổ hợp tác chúng tôi cũng có một nguồn quỹ hỗ trợ nhau, mỗi tổ viên mỗi năm góp 400 nghìn đồng vào quỹ và nguồn quỹ này quay vòng giúp cho các tổ viên làm ăn. Tuy nhiên, quỹ khá hạn hẹp trong khi đầu tư nuôi heo cần vốn lớn hơn nhiều, nên chúng tôi đang đề nghị huyện giúp đỡ chúng tôi vay được nguồn vốn ưu đãi để khôi phục và phát triển sản xuất”, bà Tuất cho biết.
Theo bà Ka Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đạ Tẻh, huyện hiện nay đã xây dựng được 2 mô hình về chăn nuôi sạch trong cộng đồng, đó là mô hình “Tổ hợp tác nuôi gà sạch” tại xã Đạ Lây và mô hình “Tổ hợp tác nuôi heo sạch” tại xã Quảng Trị. Đây là những mô hình tiên phong, có những thành công nhất định, sắp đến Hội Phụ nữ sẽ có bước triển khai rộng 2 mô hình này sang một số xã khác trong huyện.
Nguồn: baolamdong.vn