TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Nếp Quýt Đạ Tẻh đắt hàng khi được gắn sao OCOP In trang
22/01/2021 12:22 SA

Nếp Quýt Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng là một thương hiệu đặc sản có tiếng từ lâu, nhưng từ khi được gắn sao của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), loại đặc sản này lại thêm đắt hàng. Đặc biệt là cao điểm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.

Người dân xã An Nhơn đóng gói sản phẩm gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2021
Người dân xã An Nhơn đóng gói sản phẩm gạo Nếp Quýt Đạ Tẻh chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2021

Những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng Chạp Âm lịch, vùng quê huyện Đạ Tẻh thêm rộn ràng khi chính thức bước vào mùa gặt lúa Nếp Quýt, loại đặc sản nổi danh trong lẫn ngoài nước. Dốc sức cho mùa vụ Tết này, người dân An Nhơn (vùng trồng Nếp Quýt trọng điểm của Đạ Tẻh) dường như dành cả thời gian cho cây lúa nếp.

Mấy ngày qua, đại lý gạo Hoàng Anh (xã An Nhơn, Đạ Tẻh) tất bật người đóng gói sản phẩm. Mỗi người một công việc, từ cân ký, dán bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc… đều thuần thục để kịp cho các chuyến xe chuyển gạo đặc sản đi tiêu thụ.

Ông Lưu Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho hay, người dân ở đây còn trồng cả lúa hữu cơ để xuất khẩu đi nước ngoài. Dù mất nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại giá bán cao hơn, doanh nghiệp cũng bao tiêu sản phẩm toàn bộ, tới ngày thu hoạch doanh nghiệp đến chở toàn bộ lúa còn thơm mùi nếp về chế biến.

Theo người dân địa phương, nếp quýt có nguồn gốc từ người dân tộc Tày, Nùng ở Tây Bắc di thực về trồng tại Đạ Tẻh. Nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà hạt lúa tròn đầy, ngát thơm ngay cả từ khi còn trên cánh đồng. Đặc biệt, chỉ vùng đất xã An Nhơn và một phần thị trấn Đạ Tẻh mới canh tác được cây lúa này và cho chất lượng, năng suất cao nhất.

Cao điểm thị trường tiêu thụ loại đặc sản này bắt đầu từ đầu tháng Chạp đến ngày 20 tháng Chạp Âm lịch. Thị trường chủ lực là các tỉnh, thành Nam bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu… Riêng sản phẩm hữu cơ được một doanh nghiệp liên kết, bao tiêu và xuất khẩu sang thị trường Đức.

Bà Hoàng Thị Oanh, Hợp tác xã Quyết Tâm (huyện Đạ Tẻh) cho biết, do dịp Tết nên thị trường rất hút hàng, hợp tác xã phải liên kết với người dân để thu mua lúa chín, sau đó chuyển về nhà máy ở tận miền Tây xay xát bằng công nghệ mới để hạt gạo không bị vỡ, giữ được chất lượng hương vị rồi mới chuyển ngược về Đạ Tẻh để đóng gói thành phẩm.

Theo thống kê, diện tích Nếp Quýt phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay của huyện Đạ Tẻh đạt khoảng 450 ha, năng suất trung bình khoảng 5,2 tấn/ha. Đây cũng là vụ chính hàng năm. Hiện nay giá bán lúa tươi vào khoảng 11.500 đồng/kg lúa chuẩn hữu cơ (gạo thành phẩm trên 40.000 đồng/kg), lúa đạt chuẩn VietGAP từ 9.000 – 10.000 đồng/kg (gạo thành phẩm từ 28.000 – 30.000 đồng/kg).

Theo ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, trước đây người dân chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nhưng từ khi được công nhận thương hiệu họ đã mở rộng quy mô và chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, từ khi được xếNếp Quýt hạng OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thị trường biết đến nhiều hơn, có doanh nghiệp còn tìm đến tận địa phương để mua đặc sản này.

Sản phẩm nếp quýt còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền “Nếp Quýt Đạ Tẻh” từ năm 2016 và đã có mặt trên bản đồ Gạo đặc sản Việt Nam. Hiện nay tỉnh Lâm Đồng đã cấp tem truy xuất nguồn gốc cho 1 hợp tác xã, 3 cơ sở kinh doanh và 1 doanh nghiệp sử dụng. Đặc biệt, từ năm 2019, sản phẩm này đã được công nhận và xếp hạng 4 sao trong chương trình OCOP tại Lâm Đồng, góp phần đưa thương hiệu Nếp Quýt khẳng định trên thị trường.

Tin, ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)

Lượt xem: 836
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003233039
  •  Đang online: 183
  •  Trong tuần: 1.361
  •  Trong tháng: 73.027
  •  Trong năm: 1.221.448