Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền, thực hiện sứ mệnh giai cấp và dân tộc. Vai trò, sứ mệnh đó được xác lập, duy trì, phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ sáng suốt, tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, tổ chức chặt chẽ, trong đó giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng được Người hết sức coi trọng.
|
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham quan mô hình kinh tế tại huyện Đam Rông. Ảnh: Tuấn Hương |
TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC
Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đầu tiên là “tư cách người cách mệnh” và trước khi từ biệt thế giới này, trong Di chúc của mình, Người vẫn ân cần căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Các chuẩn mực này được Bác khẳng định trong nhiều tác phẩm, nhiều bài nói, bài viết trong những bối cảnh khác nhau, bao gồm những chuẩn mực cơ bản sau: Trung với nước, hiếu với dân; Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên hết, trước hết; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Nhân, nghĩa, trí, dũng, tín; Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; Thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình; Tinh thần quốc tế trong sáng…
Đối với cán bộ ngành Tuyên giáo, những chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ nói chung theo tư tưởng của Bác cũng là những chuẩn mực cơ bản cho đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ làm tuyên giáo, tuyên truyền chính là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ tuyên truyền phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”. Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu tinh thần ấy, sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà có khi còn gây tác dụng ngược lại. Người tin tưởng nếu có tình yêu thương đồng chí, đồng bào chân thành, có nhiệt tình cách mạng, những cán bộ làm công tác tuyên truyền chắc chắn sẽ phải trăn trở suy nghĩ, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực. Và chỉ khi hết lòng yêu thương Nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng, mới hiểu sâu sắc những thiếu thốn, những ước mong của quần chúng để báo cáo lại với Đảng, với Chính phủ tìm cách giúp đỡ Nhân dân.
XÂY DỰNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ TUYÊN GIÁO TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức. Trải qua quá trình liên tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, là những tấm gương cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao, tinh thần yêu nước, hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu, cống hiến tâm huyết, sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên trên cơ sở nền đạo đức cách mạng gắn với đặc thù văn hóa, lối sống, thành phần dân tộc, tôn giáo của vùng đất Nam Tây Nguyên. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tỉnh được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh là “Trung với nước, hiếu với dân”; là yêu thương con người; sống có tình, có nghĩa; là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là tinh thần đoàn kết… Để đảm bảo việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đi vào thực chất, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị ban hành chuẩn mực đạo đức phải bảo đảm theo phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện,…”; tránh tình trạng chung chung, không phù hợp và khó thực hiện.
Xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức như: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”, “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”, “Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn”, “Kỷ luật tốt, làm việc tốt, tự giác tốt, đánh giá tốt”… Ngành Tuyên giáo tỉnh cũng đã xây dựng 6 chuẩn mực cụ thể của đảng viên, cán bộ, công chức tuyên giáo và triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn, đó là: Đối với Tổ quốc, với Đảng: Trung thành - Kiên định; Đối với Nhân dân: Gần gũi - Lắng nghe; Đối với công việc: Trách nhiệm - Hiệu quả; Đối với đồng nghiệp: Chân thành - Nhân ái; Đối với bản thân: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Đối với thế lực thù địch: Vững vàng - Sắc bén.
Trong giai đoạn hiện nay, cách mạng nước ta nói chung và công tác tuyên giáo nói riêng đang chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, kể cả những yếu tố quốc tế và những yếu tố trong nước. Tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; chúng ta vẫn đang tiếp tục gặt hái những thành quả tốt đẹp từ công cuộc đổi mới, nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thử thách. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Trước bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra cho công tác tuyên giáo rất nặng nề, phức tạp và mới mẻ, đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, để làm tốt công tác này thì mỗi cán bộ tuyên giáo cần trang bị, tích lũy cho mình các phẩm chất về trình độ, năng lực, phong cách công tác, nhất là về đạo đức cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cần tập trung xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, có thể khái quát thành bốn nhóm tiêu chuẩn sau:
Trung thành - Bản lĩnh: Đây là tiêu chuẩn đầu tiên và rất quan trọng, cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tích cực đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; vững vàng, sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Sáng tạo - Gương mẫu: Công tác tuyên giáo rất cần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải có sáng tạo, linh hoạt trong nội dung, phương pháp công tác, đặc biệt là trong công tác tư tưởng. Sáng tạo còn thể hiện ở phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sát cơ sở, thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là cán bộ ngành Tuyên giáo phải luôn tự rèn luyện về đạo đức, gương mẫu về phẩm chất, nhân cách, lối sống; gương mẫu trong việc “nói đi đôi với làm”; nêu gương ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm.
Đoàn kết - Kỷ cương: Đoàn kết, kỷ cương là để tạo ra sức mạnh. Đảng viên, cán bộ tuyên giáo phải giữ gìn đoàn kết nội bộ cơ quan, nội bộ ngành, đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân để cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chống lại chủ nghĩa cá nhân, kéo bè, kéo cánh gây rối nội bộ, làm suy yếu sức mạnh của ngành, cơ quan, đơn vị.
Trách nhiệm - Hiệu quả: Trách nhiệm là yếu tố quan trọng để có được sự tận tụy đối với công việc đang đảm trách của người cán bộ tuyên giáo. Vì công tác tuyên giáo rất rộng và khó nên càng đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải trách nhiệm với “nghề”. Biểu hiện của trách nhiệm là chịu khó nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ; tìm tòi, sáng tạo, tìm ra phương pháp, cách thức, nội dung mới, hiệu quả, không bị gò bó phụ thuộc vào những cái đã có; vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao và cũng từ việc nâng cao trách nhiệm thì hiệu quả và chất lượng công việc cũng sẽ được đảm bảo yêu cầu. Hiệu quả là thước đo khả năng công tác, sự tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, công chức tuyên giáo.
Những chuẩn mực nêu trên có mối quan hệ biện chứng, “kết tinh” tạo nên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tuyên giáo. Điều quan trọng là mỗi cán bộ, công chức tuyên giáo tự giác xây dựng kế hoạch để rèn luyện, phấn đấu thực hiện những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo “vừa hồng, vừa chuyên” xứng đáng là những chiến sĩ xung kích, tiên phong của Đảng, là người gieo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, xây dựng quê hương Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc.
TRẦN TRUNG HIẾU (BaoLamDong.vn)