TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm In trang
09/12/2021 07:11 CH

Sáng 8/12, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh làm việc chung tại hội trường để nghe Đoàn thư ký thông qua biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; đồng thời, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn
Chủ tọa điều hành phiên chất vấn

 

Dưới sự điều hành của đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được diễn ra trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ. Các đại biểu, các sở ngành phát huy tốt vai trò trách nhiệm với cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Đại biểu tập trung chất vấn đi thẳng vào trọng tâm, đặt câu hỏi ngắn gọn xoay quanh những những vấn đề bức xúc mà cử tri và Nhân dân quan tâm. 

Đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn là ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc sở Y tế Lâm Đồng. Nội dung phòng chống dịch Covid-19 là vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. 

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Đức Trọng đặt câu hỏi: Năm 2021, cơ bản chúng ta đã nỗ lực thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết việc thực hiện phòng chống dịch tại từng địa phương trên địa bàn tỉnh có thực sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn của tình hình dịch bệnh hay không? 

Đại biểu đơn vị Lạc Dương chất vấn: Thời gian vừa qua, cử tri trong tỉnh phản ánh về giá xét nghiệm nhanh Covid-19 trên địa bàn tỉnh ở các cơ sở y tế, các địa phương không thống nhất, mỗi nơi một giá khác nhau tạo dư luận không tốt trong Nhân dân. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của ngành y tế trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vấn đề này. 

Có đại biểu cho rằng: Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin Việt Nam cho phép sử dụng 2 lô vắc xin Pfizer được gia hạn sử dụng đến ngày 28/02/2022. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết tỉnh Lâm Đồng có tiếp nhận và sử dụng đối với 2 lô vắc xin trên không. Quan điểm của tỉnh và của Sở đối với việc sử dụng 2 lô vắc xin trên 

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn nhiều nôi dung bức xúc mà cử tri quan tâm
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn nhiều nôi dung bức xúc mà cử tri quan tâm

 

Trước diễn biến của tình hình dịch Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng hàng ngày tại các địa phương trong tỉnh, một bộ phận người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết sẽ triển khai và tham mưu cho tỉnh các biện pháp nào nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, linh hoạt, để phòng chống dịch có hiệu quả trong tình hình mới. 

Đại biểu đơn vị huyện Đơn Dương phản ánh: Cử tri một số địa phương cho biết khó tiếp cận để mua bộ kit tự xét nghiệm Covid-19 và một số loại dược phẩm có liên quan tại các nhà thuốc, gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt nhằm thích ứng với biện pháp phòng, chống với dịch bệnh trong tình hình hiện nay. Vậy xin ông cho biết lý do tại sao và giải pháp nào để giải quyết hiệu quả trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu tranh luận băn khoăn: hiện nay ngành y tế đã quá tải, làm việc gấp đôi, phương án nhân sự ngành y tế được đưa ra như thế nào trong thời gian đến khi áp lực trong phòng chống dịch là quá lớn. Vẫn còn một số ít học sinh chưa được tiêm vì phụ huynh lo ngại không đồng ý cho con tiêm, giải pháp nào về vấn đề này.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đức Thuận đã trả lời những nội dung hết sức cụ thể, trách nhiệm về các nội dung đại biểu chất vấn, cử tri quan tâm: Với tinh thần trách nhiệm cao nhất của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của tình, chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhằm khống chế dịch sớm nhất, nhanh nhất, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, những áp lực trong đại dịch là không thể tránh khỏi. Hiện nay nguồn nhân lực y tế của tỉnh có khoảng trên 3.900 người, chúng tôi có phương án chuẩn bị dự phòng huy động, kêu gọi sự vào cuộc của gần 6 ngàn người nữa từ các cơ sở y tế công lập, kể cả lực lượng cán bộ nhân viên y tế đã nghỉ hưu để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn được giao. Về giải pháp tiêm vắc xin, còn một số ít học sinh không tiêm do phụ huynh không ký chấp thuận thì cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức phụ huynh về những lợi ích khi tiêm, yếu tố quan trọng và cần thiết cho con em tiêm vắc xin. Trong trường hợp nếu học sinh đến trường học tập trung mà không tiêm thì nguy cơ nhiễm bệnh so với các em được tiêm là rất cao, bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. 

Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu ghi nhận sự hy sinh, đóng góp rất lớn của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khoanh vùng, truy vết nhanh, dập dịch tốt. 

Nội dung tiếp theo được cử tri quan tâm đó là việc học trực tuyến trong phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn về phương tiện máy tính, điện thoại, đường truyền Internet, sự tương tác giữa học sinh với giáo viên, giáo viên với phụ huynh còn hạn chế. Áp lực về giáo dục cao, giải pháp gì để khắc phục hạn chế nêu trên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Thị Hồng Hải giải trình: Việc học trực tuyến ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Tuy nhiên trong điều kiện cấp bách nên buộc phải thực hiện. Trên 7 ngàn cháu liên quan đến F0, F1, F2. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đến nay 96,5% học sinh đã được tiêm mũi 1. Còn lại một số ít vì nhiều lý do không tiêm với khoảng 26% chưa tiêm. Dự kiến trong tháng 12 này các em sẽ tiếp tục được tiêm mũi 2. Định hướng khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì các em sẽ được đến trường học tập trung. Về chất lượng giáo dục, hiện nay ngành giáo dục tỉnh đang chỉ đạo khi học trực tuyến từ lớp 6 trở lên chỉ cho điểm miệng, 15p trở lên, không kiểm tra 1 tiết và học kỳ nên hầu như không ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập cuối cùng. Dự kiến việc kiểm tra 1 tiết và cuối kỳ khi học sinh được đến trường, khi đó giáo viên sẽ củng cố thêm kiến thức, ôn tập lại cho các cháu để đảm bảo chất lượng, nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm. Bên cạnh đó, năm nay bắt đầu năm học muộn nên học kỳ cũng kéo dài hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giảm tải chương trình nên phụ huynh không nên quá lo lắng. 

Có đại biểu chất vấn: vấn đề bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng khiến dư luận lo ngại, sai phạm về quản lý tài chính trong ngành giáo dục còn xảy ra, đến thời điểm nào học sinh được đi học tập trung trở lại trường, giải ngân vốn đầu tư công trong giáo dục còn rất chậm... Liên quan nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu giải pháp: ngành đã chỉ đạo tăng cường xây dựng văn hóa học đường, tăng cường kỹ năng sống, giao tiếp trên môi trường mạng. Giảm tải dạy chính khóa. Tăng cường hoạt động cộng đồng, thúc đẩy tính nhân văn, phát huy nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Sắp tới, giải pháp tăng cường tập huấn tài chính cho hiệu trưởng, kế toán sẽ được triển khai, về thủ tục hoàn thiện các dựu án công trình liên quan đến giáo dục đến nay đã cơ bản hoàn thành thủ tục nên sắp tới sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Ngọc Hải về nhiều nội dung như: Thủ tục chỉnh lý diện tích đất đối với các hộ gia đình, cá nhân sau khi hiến đất xây dựng các công trình công cộng chưa có trong bộ thủ tục hành chính. Một số trường hợp đi chỉnh lý diện tích đất sau khi hiến thì phải nộp phí đo đạc cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai là không hợp lý, gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Đề nghị Giám đốc Sở TNMT cho biết giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Thời gian qua, người dân nhiều địa phương trong tỉnh còn bức xúc tình trạng thu gom và xử lý rác thải đô thị trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là tại thành phố Bảo Lộc. Đề nghị ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp của ngành đối với việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh ra sao, dự kiến đến khi nào thì việc thu gom và xử lý rác thải của các đô thị trong tỉnh được giải quyết triệt để, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ liên quan đến biến động tăng - giảm diện tích trong giấy chứng nhận QSĐ đất còn chồng chéo. Mặc dù đã được hướng dẫn tại Nghị định 01/2017 nhưng trên thực tế triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, người dân khi đi thực hiện thủ tục này còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị sở cho biết biện pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. 

 

 

Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn đúng trọng tâm
Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn đúng trọng tâm

 

Đại biểu Ka Him (đơn vị huyện Đạ Huoai) chất vấn: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất để đầu tư, xây dựng nhà ở, bất động sản; tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh; gây dư luận không tốt về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng của một số địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 04/2021/QĐ-UB ngày 19/01/2021 và đến ngày 01/11/2021 ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND để thay thế quy định trên. Nhưng trên thực tế, việc các công trình xây dựng rầm rộ vẫn diễn ra mượn danh “dự án bất động sản”. Vậy xin ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết các quy định của tỉnh đã điều chỉnh đầy đủ các hành vi nêu trên hay chưa? có dấu hiệu sai phạm nào tại các “dự án” không? trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành về vấn đề này như thế nào và giải pháp trong thời gian tới ra sao? Hiện nay thu gom tương đối tốt, tuy nhiên để triệt để khi các xe thu gom được đầu tư đầy đủ. Liệu có dấu hiệu sai phạm nào trong các dự án phân lô ban nền nổi lên như báo chí phản ánh thời gian qua. Liên quan nội dụng thuộc trách nhiệm của mình, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường trả lời: UBND tỉnh đang xem xét lại và sẽ có biện pháp xử lý sớm trong thời gian tới theo đúng quy định. 

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu chất vấn: Theo điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 03 loại rừng tỉnh Lâm Đồng, hiện nay có nhiều hộ dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất này, có nhiều hộ đã canh tác ổn định từ lâu, có đóng thuế. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho ý kiến về việc này và thời gian tới có giải pháp nào để quản lý, sử dụng diện tích này nhằm hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước và lợi ích của người dân. Ngày 8/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 503/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Khoản 3 Điều 1 Quyết định 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 03 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT có giải pháp, lộ trình thực hiện quyết định này như thế nào, dự kiến thời gian hoàn thành phân định cắm mốc, số hóa bản đồ kết quả điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh. 

Hiện nay, trên địa bàn hiện có 256 công trình cấp nước nông thôn tập trung gồm 57 công trình cấp nước tự chảy, 199 công trình giếng khoan, ngoài ra còn có 31 xã đấu nối với 12 nhà máy nước của 07 công ty cấp nước tại các huyện, thành phố. Tuy nhiên đến nay, tình trạng hoạt động của các công trình như sau: không có công trình hoạt động bền vững; 94 công trình hoạt động tương đối bền vững, 88 công trình hoạt động kém bền vững, 74 công trình không hoạt động. Vấn đề này Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có ý kiến tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Đề nghị ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nguyên nhân vì sao tình trạng hoạt động của các công trình này lại như vậy? Trách nhiệm quản lý các công trình này thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Với chức năng tham mưu UBND tỉnh về lĩnh vực này thì giải pháp của ngành trong thời gian tới như thế nào để việc đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình cấp nước nông thôn tập trung này được hiệu quả và không gây lãng phí trong công tác đầu tư. Hiện nay, theo báo cáo của cơ quan chức năng còn tồn tại khoảng 216ha nhà lưới, nhà kính xây dựng trên đất lâm nghiệp; tập trung chủ yếu tại Thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận. UBND tỉnh đã có cam kết chỉ đạo giải tỏa, xử lý dứt điểm trước 31/12/2021. Vậy xin ông Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thời hạn nêu trên có khả thi không, giải pháp xử lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương như thế nào?

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng: Hiện nay, việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với khu vực áp dụng mật độ xây dựng dưới 100% thì người dân mong muốn chỉ cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất tối đa theo quy định về mật độ xây dựng (diện tích chiếm đất của khối công trình), diện tích còn lại sử dụng làm sân vườn thì không phải chuyển mục đích sang đất ở gây tốn kém cho người sử dụng đất. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết có giải pháp để xử lý, tạo điều kiện thuận lợi và bớt tốn kém cho người sử dụng đất. Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều dự án khu dân cư đã triển khai kéo dài nhưng không hoàn thành như: Dự án khu dân cư số 5B, số 6 tại Thành phố Đà Lạt; tuy nhiên, việc triển khai kéo dài và chưa biết bao giờ hoàn thành. Việc dự án kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Đề nghị ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm của ngành và giải pháp xử lý đối với các dự án treo này thời gian tới như thế nào? Nếu tiếp tục cho đầu tư thì khi nào thì dự án hoàn thành? Thời gian qua, việc di dời các hộ dân sinh sống trong biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước và các hộ dân sinh sống trong khu quy hoạch đất lâm nghiệp còn gặp khó khăn, chủ yếu do thiếu điều kiện bố trí tái định cư; mặt khác, nhu cầu được bố trí nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là rất cao. Vậy đề nghị ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết quy hoạch và kế hoạch đầu tư, bố trí nhà ở xã hội, nhà tái định cư cho các trường hợp nêu trên đã được ngành tham mưu giải quyết như thế nào.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị vẫn còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng nhà không phép và trái phép nhưng việc xử lý không triệt để, còn kéo dài. Đề nghị ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm quản lý vấn đề này như thế nào; giải pháp lâu dài để xử lý dứt điểm và quản lý tốt trật tự xây dựng trên địa bàn ra sao….

Giám đốc các sở đã trả lời rất trách nhiệm về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý. Xác định nguyên nhân, hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của ngành, và đề ra giải pháp, biện pháp thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. 

Sau khi lãnh đạo các sở trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp sẽ báo cáo tiếp thu ý kiến đại biểu về các vấn đề chủ yếu thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong năm 2021 và một số vấn đề trọng tâm trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.

Nguồn: baolamdong.vn

 

Lượt xem: 796
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003030982
  •  Đang online: 110
  •  Trong tuần: 12.502
  •  Trong tháng: 82.391
  •  Trong năm: 82.391