TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh: Đẩy mạnh dạy và đào tạo nghề cho lao động nông thôn In trang
17/09/2024 02:38 CH

Thời gian qua, huyện Đạ Tẻh đã thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Công tác đào tạo nghề đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn tại Đạ Tẻh

 

Ông Nguyễn Hồng Cường - Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đạ Tẻh cho biết, căn cứ kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và kế hoạch đào tạo nghề đã được UBND huyện phê duyệt, đơn vị đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát lực lượng lao động trên địa bàn. Qua kết quả rà soát, toàn huyện có khoảng 26.612 lao động từ 15 tuổi trở lên đến 60 tuổi, số lao động đã qua học nghề là 11.966 lao động. Số lao động còn lại 14.646 người; trong đó, học sinh, sinh viên khoảng 2.000 người, lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh khoảng 5.000 người, còn lại 7.646 là lao động làm nông nghiệp và người cao tuổi. Số lao động có nhu cầu học nghề khoảng 1.000 người; trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số khoảng 730 người. 

Trong năm 2022, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đạ Tẻh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu các ngành nghề đào tạo thuộc các ngành như du lịch, y tế, sản xuất chế biến, điện công nghiệp; phổ biến chính sách pháp luật, lao động, đào tạo nghề, cho trên 200 người thuộc các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên; nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở và đội ngũ người làm công tác tư vấn học nghề tham gia. 

Còn trong năm 2023, đơn vị tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức tư vấn học nghề cho 60 chiến sỹ bộ đội xuất ngũ tham gia; lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến lao động, việc làm, đào tạo nghề cho trên 400 học viên tham gia; tổ chức phiên giao dịch giới thiệu việc làm, thị trường lao động cho trên 300 người là cán bộ xã, thôn tham gia. 

Mặt khác, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đã ký hợp đồng với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt ở huyện Đức Trọng tổ chức đào tạo 20 lớp nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với 469 học viên là lao động nông thôn tham gia; trong đó, số học viên là người dân tộc thiểu số 401 người, chiếm 85,5%. Qua kiểm tra, giám sát, các đơn vị đào tạo nghề tổ chức thực hiện đào tạo đúng nội dung, thời gian, kế hoạch theo hợp đồng đã ký.

Theo ông Nguyễn Hồng Cường, trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ; việc lập kế hoạch, rà soát đối tượng để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu người học nhằm mục đích giúp cho người học có kiến thức, kỹ năng về lao động để chuyển đổi việc làm, hoặc tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Sau 2 năm triển khai thực hiện, huyện Đạ Tẻh đã tổ chức 17 lớp; trong đó, nghề nông nghiệp 11 lớp/214 học viên, nghề phi nông nghiệp 8 lớp/185 học viên. Qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện lên 46% so với số lao động trong độ tuổi. Đa số học viên sau khi học xong đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức đã học vào quá trình lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, có tiêu chí nghèo đa chiều.

Bên cạnh đó, các học viên sau khi học nghề được tạo điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất. Cụ thể, đã có 132 lao động được tiếp cận vay vốn với số tiền 13.2 tỷ đồng. Đồng thời, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đã liên kết với Công ty may Trân Nguyên tạo việc làm cho 47 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Trịnh tại thị trấn Đạ Tẻh và Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại xã Mỹ Đức cung cấp nguyên liệu cho trên 300 lao động tại xã An Nhơn và Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh để sản xuất, nâng cao thu nhập. 

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã giúp chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị kiến thức và nâng cao tay nghề để người lao động cải thiện thu nhập. Chính vì vậy, huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; đa dạng ngành nghề đào tạo phù hợp với thế mạnh và mục tiêu phát triển sản xuất của địa phương; hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề; tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình cho vay giải quyết việc làm. 

Hoàng Sa (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 114
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003028372
  •  Đang online: 280
  •  Trong tuần: 9.892
  •  Trong tháng: 79.781
  •  Trong năm: 79.781