TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh: Chú trọng đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng In trang
26/04/2023 10:34 SA

Những năm gần đây, huyện Đạ Tẻh đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Cùng với đó, yêu cầu tưới tiêu, nhất là đối với các loại cây trồng có nhu cầu sử dụng nguồn nước thường xuyên như cây lúa, dâu tằm trên địa bàn cũng đang là vấn đề thực tiễn đặt ra cho địa phương. 

Từ khi kênh mương được xây dựng bê tông, việc dẫn nước tưới về đồng ruộng của người dân huyện Đạ Tẻh được thuận tiện

 

Theo chân Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, chúng tôi đi thăm cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại Thôn 8, thị trấn Đạ Tẻh. Mặc dù đang thời điểm nắng gắt cuối tháng 4, thế nhưng trên khắp cánh đồng, hàng chục ha lúa của người dân vẫn phát triển xanh tốt vì được cung cấp đầy đủ nước tưới tiêu. Bên cạnh đó, một số diện tích đất cao đã được người dân chuyển đổi sang trồng dâu phục vụ nuôi tằm, ruộng dâu nào cũng vô cùng tươi tốt. 

Vừa lấy nước vào mương để bơm tưới dâu, anh Thạch Văn Chiến, ngụ Thôn 8, thị trấn Đạ Tẻh vừa chia sẻ, gia đình anh đang canh tác 3 sào dâu trên các chân ruộng cao; đồng thời, cây dâu tằm cũng cần thường xuyên được tưới nước. Tuy nhiên, từ khi kênh mương được xây dựng bê tông, việc dẫn nước tưới về ruộng được thuận tiện hơn, người dân không phải tốn nhiều công sức để nạo vét thủ công bằng cuốc, xẻng, đón nước về như trước. Bà con rất hài lòng và sẵn sàng ủng hộ, góp sức nếu có chủ trương mở rộng hay xây dựng thêm các tuyến kênh mương khác. 

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, hiện, trên địa bàn toàn huyện có 10 công trình thủy lợi do tỉnh quản lý đã được đầu tư đang khai thác, cùng 207 km kênh nương với tổng công suất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi là 3.721 ha/15.026 ha đất canh tác nông nghiệp toàn huyện. Mặt khác, khi hoàn thành hệ kênh của công trình hồ chứa nước Đạ Lây, tổng công suất tưới thiết kế sẽ tăng thêm 4.821 ha đất nông nghiệp được tưới từ công trình thủy lợi.

Đối với các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng được phân cấp khai thác và bảo vệ 7 công trình thủy lợi cùng 199,82 km kênh mương với tổng công suất tưới thiết kế của các công trình là 3.611 ha, bao gồm các công trình hồ chứa nước Đạ Tẻh, hồ chứa nước Đạ Hàm, hồ chứa nước Thôn 5, hồ chứa nước Thôn 10, hồ chứa nước Thạch Thất, hồ chứa nước Hương Thanh - Hương Sơn, hồ chứa nước Đạ Lây và trạm bơm Tân Lập. Đối với công trình các hồ Đạ Tẻh và Đạ Hàm, hiệu quả khai thác đạt khoảng 85%, các công trình còn lại đạt khoảng 70% công suất thiết kế. Riêng công trình trạm bơm Tân Lập hiệu quả khai thác chỉ đạt khoảng 40% công suất thiết kế do khai thác trạm bơm trên vùng đất ngấm nhiều nên hiệu quả thấp.

Trong năm 2022, đơn vị khai thác của tỉnh sử dụng kinh phí của đơn vị đã hoàn thành sửa chữa 13 hạng mục công trình với tổng kinh phí sửa chữa trên 400 triệu đồng; cắm mốc lòng hồ Đạ Hàm trên 400 triệu đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng kinh phí dự phòng sửa chữa 3 hạng mục trên 800 triệu đồng. Nhìn chung, đơn vị khai thác của tỉnh đã thực hiện tương đối tốt pháp luật về công tác vận hành, khai thác công trình; các công trình hàng năm đều được duy tu, bảo dưỡng, vận hành an toàn; từng bước được tăng cường các biện pháp vận hành; ổn định bộ máy khai thác công trình.

Còn đối với các công trình thủy lợi do huyện quản lý, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Công trình công cộng huyện được giao khai thác và bảo vệ 2 công trình thủy lợi cùng 7,42 km kênh mương; tổng công suất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi là 138 ha, bao gồm các công trình hồ chứa nước Tố Lan, đập dâng Đạ Kho; UBND xã Mỹ Đức được giao khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Con Ó. Đến nay, các công trình đạt khoảng 65% công suất thiết kế.

Trong năm 2022, huyện Đạ Tẻh tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành công trình đầu mối thuộc Dự án Hồ chứa nước Đạ Lây (giai đoạn 1); xây dựng hoàn thành Dự án Nâng cấp, sửa chữa cụm đầu mối hồ chứa nước Đạ Tẻh; xây dựng hoàn thành kênh dẫn nước từ thị trấn Đạ Tẻh tưới cho Thôn 1, Thôn 6, xã An Nhơn; xây dựng hoàn thành Dự án Kiên cố kênh 3 xã An Nhơn. Nhìn chung, các công trình được đầu tư, đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả đầu tư theo thiết kế được phê duyệt.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, để phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương, những năm qua, huyện Đạ Tẻh đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, như Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất... Đồng thời, UBND huyện cũng huy động nguồn vốn từ công tác xã hội hóa, sự đóng góp ngày công, tiền của từ Nhân dân để xây mới hệ thống kênh mương, kênh dẫn phục vụ công tác tưới tiêu nội đồng.

Việc nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống kênh mương, sản xuất trên đồng ruộng của huyện Đạ Tẻh phát huy tốt hiệu quả. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa, dâu tằm, cây ăn quả tập trung, qua đó, giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác tại địa phương không ngừng tăng lên. Đây là điều kiện, động lực để huyện Đạ Tẻh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung và giải quyết tốt việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Trong thời gian đến, UBND huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng sớm có kế hoạch sửa chữa các hạng mục công trình phân cấp cho tỉnh quản lý bị hư hỏng; đồng thời, cùng tháo gỡ những khó khăn đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn, qua đó phát huy tối đa hiệu quả các công trình.

H.SA - C.THÀNH (BaoLamDong.vn)

Lượt xem: 405
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003239446
  •  Đang online: 78
  •  Trong tuần: 7.768
  •  Trong tháng: 79.434
  •  Trong năm: 1.227.855