TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Trẻ la hét, hôn mê nhập viện vì thực phẩm trộn ma túy tại cổng trường: Chuyên gia cảnh báo In trang
16/02/2023 11:00 SA

Gần đây, xuất hiện một số vụ trẻ ngộ độc nhập viện sau khi ăn thực phẩm mua trước cổng trường hoặc trên mạng... có pha trộn ma túy, phải đi cấp cứu. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những cảnh báo.

Cuối năm 2022 vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã nỗ lực cứu sống em nhỏ 14 tuổi (Đồng Nai) sau khi em này đặt mua và ăn một số loại đồ ăn vặt trên mạng như: Bánh kẹo, nước xoài.

Qua những triệu chứng co giật, tím tái, mất tri giác, khó thở và có biểu hiện ngưng tim, các bác sĩ nghi ngờ em đã bị ngộ độc ma túy nên vừa hồi sức tích cực tim phổi, vừa điều trị theo hướng ngộ độc ma túy và đã cứu em vượt qua nguy kịch.

Trước đó, vào ngày 25/10/2021, 13 học sinh của trường THPT Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã bị ngộ độc sau khi ăn kẹo được mua từ một quán ở gần trường. Các bác sĩ đã rất bất ngờ khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy 13 học sinh đều dương tính với ma túy.

Học sinh có biểu hiện ngộ độc được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM).

 

Nhiều trẻ em nhập viện cấp cứu vì dương tính với ma túy, phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”

Trước việc con em mình bị ngộ độc do ăn phải loại kẹo không rõ nguồn gốc rõ ràng, có chứa chất kích thích, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi phạm tội mới này.

Chị N.H.C, phụ huynh của một học sinh bị ngộ độc cho biết, khi các con nhận thức chưa đầy đủ, đi ra ngoài dễ có nguy cơ tiếp cận với những sản phẩm, mặt hàng không rõ nguồn gốc nên rất lo lắng.

Chị mong muốn các cơ quan chức năng thắt chặt và kiểm soát hơn nữa việc nhập khẩu, kinh doanh buôn bán các mặt hàng, nhất là những đồ dùng liên quan đến sức khỏe, tránh việc thực phẩm trộn ma túy trôi nổi trên thị trường.

Chị Hà Nguyễn (Mỹ Đình) nhấn mạnh: “Lo cho các con khi thực phẩm không đảm bảo chất lượng bán ở vỉa hè, cổng trường. Lúc đón con đi học về, bé nhà tôi luôn đòi dừng mua kẹo nhưng tìm mãi không thấy loại nào có thể ăn được. Toàn chữ tiếng Trung Quốc, hạn sử dụng không có. Thậm chí, nếu có trộn ma túy, trẻ khó có thể nhận biết được”.

Anh Hoàng Nguyễn (Hà Đông) nhắn nhủ: “Ở lứa tuổi học sinh, các em chưa thể hình dung ra mức độ nguy hiểm của nó, do vậy cần có chuyên gia hiểu biết sâu và có cách truyền đạt dễ hiểu cho các em học sinh, nhất là học sinh cấp 3. Trong một năm học chỉ cần vài lần truyền đạt tại sân trường với những dẫn chứng cụ thể sẽ giúp học sinh hiểu rõ tác hại của ma túy. Từ đó, sẽ hạn chế mua thực phẩm không rõ nguồn gốc bên ngoài”.

Chị Phạm Thu Huyền (Cầu Giấy) lo ngại: “Thực sự dạo này trên báo đăng rất nhiều vụ như thế này, tại sao con người với nhau mà lại làm thế nhỉ? Kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp! Đọc những tin tức này e ngại cho sức khỏe thế hệ con em mình quá.

Không quá khó để thấy một số người bán hàng rong trước cổng trường, bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây ra sự lộn xộn, khó có thể kiểm soát chất lượng cũng như dễ tạo ra điều kiện để kẻ có ý đồ xấu trộn ma túy vào các loại đồ ăn, thức uống bán cho học sinh. Hy vọng cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn để người dân được an tâm”.

“Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi, biến tướng với nhiều hình thức, đòi hỏi cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, bên cạnh cảnh báo nhanh, kịp thời các loại ma túy mới, cần điều tra, xử lý nghiêm nhóm tội phạm này.

Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra các quán tạp hóa lớn nhỏ xung quanh trường học. Nếu phát hiện thực phẩm có pha trộn ma túy thì cần tìm ra “chân rết” cung cấp những thứ đầu độc trẻ em này và xử lý thật nghiêm”, anh Tiến Huy (Đống Đa) nêu ý kiến.

“Trẻ có nguy cơ sử dụng ma túy một cách thụ động”

PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương. Bà cho biết, trong vòng 6 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ em ngộ độc ma túy, ma túy tổng hợp. Đa phần ở các ca này, các em nhỏ đã vô tình dùng sản phẩm trá hình có ma túy tổng hợp mà không hay biết.

Thực trạng này cho thấy, ma túy tổng hợp trá hình được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm ăn vặt rất thu hút, màu sắc như kẹo, chocolate, bánh lười, trộn vào bánh ngọt, trà sữa, hoặc thuốc lá điện tử,...

Theo bác sĩ Tâm, nhiều loại ma túy tổng hợp khó có thể nhận biết bằng mắt thường. Các sản phẩm này len lỏi công khai trong đời sống hằng ngày, nhằm gây nghiện, lôi kéo, mở rộng số người sử dụng.

Một số loại kẹo, nước trái cây được cơ quan công an xác định có chứa thành phần ma túy, cần sa... và cảnh báo người dân không nên mua bán, sử dụng (Ảnh: Internet).

 

Việc sử dụng ma túy tổng hợp rất nguy hiểm, thế nhưng bất kỳ trẻ nào cũng có nguy cơ dùng chúng một cách thụ động mà không hề biết mình đang sử dụng chất gây nghiện.

Do vậy, bác sĩ lưu ý người dân không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc; phụ huynh cần kiểm soát việc ăn uống, dùng các loại thực phẩm, kẹo của con em mình, thường xuyên cảnh báo cho con về tác hại của ma túy…

“Thông tin về các loại ma túy được trộn trong đồ ăn, thức uống cần được phổ biến nhanh, nâng cao cảnh giác của các em về sản phẩm không rõ nguồn gốc có lời quảng cáo hấp dẫn gây ra các hiện tượng gây ảo giác, hưng phấn của bánh kẹo”, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm nói.

Bà khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu những thông tin về các loại ma túy nguy hiểm này để thông tin cho người thân, sớm nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của người thân để kịp thời can thiệp.

Khi thấy trẻ có triệu chứng bất thường như nôn, run chi, kích thích la hét hoặc đột ngột hôn mê, cha mẹ cần bình tĩnh, để trẻ ở tư thế đầu cao, tuyệt đối tránh nhét bất kỳ một vật gì vào đường thở và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn phòng ngừa và điều trị.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: NVCC).

 

Bên cạnh đó, bác sĩ Tâm cho rằng, cùng với phụ huynh, vai trò của nhà trường là rất quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các em tránh xa ma túy.

“Trường học và các bậc cha mẹ cần tổ chức các buổi nói chuyện trao đổi để chia sẻ, tuyên truyền về tác hại của ma túy, ma túy tổng hợp cho các em. Đồng thời, cung cấp cho các em về hình ảnh của các sản phẩm, dung dịch có chứa ma túy tổng hợp để nhận biết các loại ma túy được “ngụy trang” dưới những món ăn, thức uống, lời quảng cáo của các sản phẩm trá hình có chứa ma túy tổng hợp dễ lôi kéo lứa tuổi học sinh”, bác sĩ Tâm đề xuất.

Đặc biệt, cần có sự giám sát chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình về hành vi thông thường của trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên rất dễ tò mò, muốn khám phá thế giới theo cách riêng, dễ bị lôi kéo hoặc muốn thể hiện bản thân.

Nguồn: Baomoi.com

Lượt xem: 727
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003118112
  •  Đang online: 85
  •  Trong tuần: 35.756
  •  Trong tháng: 130.301
  •  Trong năm: 1.106.521