TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đón tết giữa rừng sâu In trang
27/01/2023 01:47 CH

“33 năm gắn bó với nghề nhưng chỉ có 4 lần tôi được đón giao thừa trọn vẹn với gia đình. Bởi dịp cuối năm, bắt đầu bước vào mùa khô dễ gây ra cháy rừng, cộng thêm các đối tượng xấu thường lợi dụng những ngày Tết để thực hiện các hành vi vi phạm lâm luật”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Khoát - Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng liên ngành xã Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh).

Tuần tra rừng bằng thuyền

 

Huyện Đạ Tẻh bốn bề núi non trùng điệp, những ngày cuối năm, tiết trời nơi đây thay đổi thất thường, đòi hỏi công tác tuần tra bảo vệ rừng (BVR) của lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên và liên tục. 

Theo chân Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh Trần Lưu Dũng, chúng tôi có mặt tại hồ Đạ Tẻh để cùng các anh tuần tra rừng trên lòng hồ. Đón chúng tôi lên thuyền, anh Khoát bảo rằng, những năm tháng cùng anh em hành quân vượt đồi cao, suối sâu tuần tra khắp các cánh rừng, không có chỗ nào mà anh chưa tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào mà anh không trải qua. Nhưng, khoảnh khắc khi Tết đến, xuân về cũng là lúc khiến trái tim của những người kiểm lâm như anh chộn rộn. “Thời điểm cuối năm, công việc ở chốt rất nhiều, đặc biệt là công tác BVR lại càng phải chú trọng hơn. Nhà báo thấy đấy, chúng tôi lại vừa có một đêm ngủ lại với rừng, đồ ăn, thức uống và mọi thứ luôn sẵn sàng để ở chiếc balo bên kia”, anh Khoát vui vẻ nói.

Hơn 33 năm gắn bó với nghề kiểm lâm, nhưng chỉ vỏn vẹn 4 mùa xuân anh Khoát được ăn Tết trọn vẹn bên gia đình. Anh Khoát tâm sự: “Những ngày Tết, anh em bắt buộc phải túc trực 24/24 giờ ở chốt và chia ca để tuần tra, kiểm soát. Dẫu biết rằng, Tết là dịp để gia đình sum họp nên ai cũng muốn về nhà để được thắp hương cúng bái tổ tiên, đi thăm hỏi, chúc Tết anh em bà con, gặp gỡ bạn bè... Nhưng khi đã lựa chọn làm nghề rừng thì phải chấp nhận việc trực bảo vệ. Cũng có đôi lúc, anh em kiểm lâm không khỏi chạnh lòng, nhớ nhà da diết, nhất là lúc cận kề thời khắc giao thừa. Nhưng rồi cảm giác ấy chỉ trong chốc lát, lại nhường cho sự quyết tâm tuần tra, kiểm soát từng tiểu khu vùng giáp ranh để kịp thời ngăn chặn các vụ phá rừng, không để rừng phòng hộ thượng nguồn bị xâm hại”.

Dù tuần tra bằng đường bộ hay đường thủy, những người giữ rừng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao

 

Cũng giống như anh Khoát, anh K’Đung - cán bộ kiểm lâm huyện mở lời: “Tết đến, xuân về, với anh em chúng tôi là những ngày “ăn rừng, ngủ rừng”. Bởi mỗi đợt tuần tra, anh em phải vượt cả chục km đường rừng, vai vác tư trang và lương thực để sống trong rừng. Nơi ăn nghỉ của anh em là mắc võng, giăng mùng... Thiếu thốn, khó khăn đủ bề như thế, nhưng với tình yêu thiên nhiên, gắn bó keo sơn với rừng, chúng tôi vẫn ngày đêm bám rừng để triển khai phương án bảo vệ”.

Còn với anh Nguyễn Đình Hậu - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh, gần 20 năm gắn bó với nghề là ngần ấy năm anh không có mặt ở nhà để đón giao thừa cùng người thân. Bởi những ngày cuối năm, thay vì sum vầy bên bữa cơm tất niên họp mặt gia đình, thì các anh lại đón giao thừa cùng nhau ở rừng, ở chốt. Ngược dòng ký ức, anh Hậu chia sẻ: “Trực Tết cũng có nghĩa là sẽ đón Tết cùng rừng. Nói thật, mỗi khi Tết đến cũng chạnh lòng lắm! Bởi giữa lúc nhà nhà đều quây quần ấm áp trong không khí đón năm mới, thì bản thân chỉ biết gọi điện về thăm hỏi và nhìn nhau qua màn hình điện thoại. Lúc ấy, nỗi nhớ nhà, nhớ không khí đón Tết không tả xiết. Rồi nghĩ tới công việc quá gian nan, vất vả, có những lúc mỏi gối, chùn chân, nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng hoàn thành cho bằng được”. 

Lực lượng bảo vệ rừng vẫn ngày đêm miệt mài, tăng cường tuần tra

 

Nằm cách trung tâm huyện 10 km, hồ Đạ Tẻh hiện ra trong màu xanh bao trùm của rừng nhiệt đới nguyên sinh và dãy núi Con Ó hùng vĩ với đường thủy lòng hồ Đạ Tẻh giáp ranh xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh); thượng nguồn giáp với xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm). Hồ Đạ Tẻh là công trình thủy lợi “3 nhất” của tỉnh Lâm Đồng: vốn đầu tư lớn nhất, công trình thủy lợi hoàn chỉnh nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Năm 1997, hồ Đạ Tẻh hoàn thành trở thành công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Mặt hồ có diện tích rộng hơn 100 ha trải dài đến gần 10 km, nơi rộng nhất 400 m, chứa 24 triệu mét khối nước, được bao phủ bởi núi rừng nguyên sinh. Hồ đã mang nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.300 ha đất nông nghiệp làm nên những cánh đồng xanh tươi, trù phú ở các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, Triệu Hải, Quảng Trị và thị trấn Đạ Tẻh.

Chia tay với các anh, chúng tôi hiểu rằng, dẫu Tết có phải xa nhà, đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng trong sâu thẳm của đại ngàn vẫn còn có những con người ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho những cánh rừng. Bởi niềm vui, và món quà xuân ý nghĩa đối với lực lượng bảo vệ rừng là hằng ngày nhìn thấy sự phát triển và trường tồn của rừng xanh. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”- tôi chợt nghĩ đến lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” khi nói chuyện với những người gác rừng ở Đạ Tẻh. Các anh đã hy sinh tình cảm riêng tư, thiêng liêng trong ngày Tết để thầm lặng bảo vệ với một mong muốn lớn lao và kiên định“cho rừng mãi thêm xanh”.

Đạ Tẻh hiện có hơn 52.696 ha rừng tự nhiên; trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 34.716,5 ha. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng tại một huyện vùng xa. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, số lượng về con người đang thực sự khó khăn cho công tác BVR, đặc biệt là trong dịp người dân vui xuân, đón Tết, song đơn vị đã phân công lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, rà soát và duy trì chế độ trực nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố xảy ra đối với rừng. 

Ông Trần Lưu Dũng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh

Lượt xem: 475
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003114463
  •  Đang online: 79
  •  Trong tuần: 32.107
  •  Trong tháng: 126.652
  •  Trong năm: 1.102.872