Không được thuận lợi như giáo viên vùng phố thị nhưng những thầy, cô giáo đang dạy học tại phân hiệu Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) vẫn luôn đong đầy yêu thương, ngày ngày bám lớp, bám trường “gieo chữ” cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Ai cũng chọn về thành phố, về nơi điều kiện đủ đầy dạy học thì ai sẽ đến vùng sâu, vùng xa dạy chữ cho trẻ em nghèo? Là giáo viên, nơi nào có học trò tôi sẽ đến”, thầy giáo Thành chia sẻ.
|
Những đứa trẻ vùng sâu mang bó hoa rừng tặng cô giáo nhân ngày 20/11 |
Đường lên Tôn K’Long ngoằn nghèo. Để mang con chữ đến với các em học sinh, từ trung tâm thị trấn Đạ Tẻh vào đến phân hiệu Tôn K’Long, các thầy cô phải vượt qua 25 cây số, trong đó có 10 cây số đường rừng.
23 năm đến với nghề gõ đầu trẻ, trong đó có 4 năm luân phiên gắn bó với các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tôn K’Long, năm 2010, thầy Nguyễn Xuân Thành đã tình nguyện lên dạy ở trường Tiểu học - THCS Xuân Thành phân hiệu Tôn K’Long khi vừa mới chuyển về trường công tác. Những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân đến đây, thầy Thành thật khó để hình dung chặng đường sắp tới sẽ khó khăn như thế nào. Khung cảnh hoang vu, hẻo lánh trước mắt khác xa với những gì các thầy mường tượng về một ngôi trường khang trang, đủ đầy tiện nghi khi còn ngồi trên giảng đường.
Mở abum ảnh từ điện thoại cá nhân, thầy Thành cho tôi xem lại những bức hình cất giữ nhiều kỉ niệm từ ngày mới lên Tôn K’Long. Nét mặt rạng ngời, thầy Thành kể: “Mình còn nhớ, năm 2010, lúc đó trường vừa mới được thành lập và từ trung tâm UBND xã lên đây chỉ khoảng chừng 13 km, nhưng để lên được đến nơi cũng phải mất 3 giờ đồng hồ bởi phải vật lộn với con đường đất đỏ nhảo nhoẹt, bánh xe máy lúc nào cũng phải sẵn sàng “mang” cho nó chiếc xích xung quanh. Lúc đó mọi thứ vẫn còn chật vật lắm! Nơi học chỉ vỏn vẹn hai phòng và được chia làm hai. Diện tích rộng dành cho học sinh học tập, còn góc nhỏ phía dưới lớp là nơi ở của giáo viên ăn, ngủ. Ngày ấy, 1 tuần chỉ về được một lần mà thôi…Chứng kiến cảnh học sinh mặc tấm áo mỏng mặc chưa đủ ấm đến trường mà lòng trăn trở, xót xa. Chính điều đó, càng thôi thúc và giúp người giáo viên như mình thêm yêu thương, gắn bó và sẵn sàng gắn bó để giảng dạy cho học sinh”.
|
Chăm sóc, yêu thương các em, những đứa trẻ ở đây luôn miệng gọi Ka Diễm là “mẹ hiền” |
Còn trường Mầm non Đạ Pal phân hiệu Tôn K’Long được thành lập từ năm 2021. Trong không gian yên tĩnh của buổi chiều, ở lớp học, những đứa trẻ lại cùng nhau tập hát, tập múa, tập chơi và đặc biệt là được cô giáo Ka Diễm (21 tuổi) chăm chú tập cho mấy đứa nhỏ nói bập bẹ tiếng Kinh.
Là người DTTS và được sinh ra, lớn lên ở Tôn K’Long nên Ka Diễm luôn nuôi dưỡng ước mơ được trở về lại quê hương để được đứng lớp. Bằng sự quyết tâm, cô tốt nghiệp trường Cao đẳng Mầm non tại TP Hồ Chí Minh sau đó nộp hồ sơ và trở thành giáo viên Mầm non Đạ Pal phân hiệu Tôn K’Long. “Khó khăn như vậy nhưng khi nhìn thấy học sinh ngoan, lòng yêu nghề lại trỗi dậy mạnh mẽ. Chỉ có con chữ mới giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc, bỏ những hủ tục, đặc biệt thoát cái nghèo đeo bám chị ạ!”, Ka Diễm nói.
Chị Cil Múp Mỹ Huệ - Chi hội trưởng Ban cha mẹ học sinh tâm sự: “Trong những năm qua, học sinh ở đây luôn được các giáo viên quan tâm, lo lắng. Giáo viên không chỉ tập học cho các con, mà còn che chở, bảo ban, chăm sóc như những người cha, người mẹ. Trước đây hầu hết các gia đình đều không có nhận thức để cho con em đến trường, đến lớp, cũng không nghĩ tới việc cho các con có được cái chữ. Nhưng rồi mọi thứ đều ổn hơn, phụ huynh tin tưởng và cho con em đến lớp đều đặn hơn cũng nhờ sự kiên nhẫn của thầy cô hằng ngày đến nhà vận động”.
|
Gắn bó với học sinh vùng sâu, thầy Thành hiểu được với các em, con chữ sẽ là tuyệt vời để mai sau chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão |
Trường Tiểu học - THCS Xuân Thành phân hiệu Tôn K’Long có 5 thầy cô giáo với 37 học sinh ở 5 khối lớp với gần 100% là con em đồng bào dân tộc Châu Mạ. Điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, hiện điểm trường chỉ có 3 phòng lớp học. Do đó, học sinh phải học ghép lớp gồm một lớp ghép trình độ 2 - 5, một lớp ghép trình độ 3 - 4 và lớp 1. Còn với trường Mầm non Đạ Pal phân hiệu Tôn K’Long hiện có 2 giáo viên và 37 học sinh đang theo học với trên 95% là người dân tộc Châu Mạ.
Bà Phan Thị Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Tẻh cho biết: Hiện toàn huyện có 23 điểm trường, trong đó Tôn K’Long có 2 điểm trường gồm Tiểu học và Mầm non. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục, chăm sóc ngang mặt bằng chung của ngành đối với học sinh DTTS, giáo viên của cả 2 điểm trường từ 6 đến 7 giáo viên trực tiếp chủ nhiệm, không kể giáo viên dạy chuyên môn. Mặc dù đời sống của các em và giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, song hằng năm ngành Giáo dục huyện cũng luôn ưu tiên, hỗ trợ tuyệt đối chính sách dành cho thầy cô giáo dạy tại điểm trường Tôn K’Long; cùng với đó, các chương trình thiện nguyện và học bổng cũng được phòng chú tâm và tập trung nhiều cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa như Tôn K’Long.
Tạm xa Tôn K’Long trong tiếng trẻ và thầy cô giáo giảng dạy, ai nấy trong số chúng tôi cũng đều mang trong mình sự khâm phục những giáo viên đang ngày đêm bám trường, bám lớp mang tiếng cười, tri thức thắp sáng cho trẻ vùng sâu. Dẫu rằng trên con đường “gieo chữ” của các thầy cô giáo nơi vùng xa xôi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng bằng tình yêu nghề, yêu trẻ lớn lao, những người giáo viên ấy vẫn luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đem con chữ “gieo mầm tri thức”.
Nguồn: BaoLamDong.vn