TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Tẻh chuyển mình đi lên In trang
18/08/2017 12:00 SA

Trong câu chuyện của những bậc tiền bối làm Báo Lâm Đồng, để đến được vùng đất Đạ Tẻh tác nghiệp thì cách duy nhất là đi bộ. Đường sá cách trở nên cuộc sống của cư dân nơi đây cũng bị tách biệt, ít có điều kiện phát triển. Đó là câu chuyện của hơn 20 năm về trước, còn nay, Đạ Tẻh đã chuyển mình đi lên, giao thương thuận lợi không chỉ đến cấp huyện mà còn về đến cấp xã. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã đổi thay từng ngày.

Trồng dâu nuôi tằm đang được khôi phục mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đạ Tẻh
Trồng dâu nuôi tằm đang được khôi phục mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đạ Tẻh

Năm 2016, huyện Đạ Tẻh tròn 30 năm hình thành và phát triển. Đây được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự đổi thay từng ngày của vùng đất kinh tế mới còn nhiều khó khăn của những ngày đầu thành lập. Nói như ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, địa phương đang phấn đấu để thoát khỏi tốp những huyện khó khăn trong thời gian tới. Đặc biệt, từ năm 2009, khi huyện Đạ Tẻh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thì sự thay đổi càng rõ nét hơn. Cốt lõi xây dựng Nông thôn mới là làm sao để kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Đây là vấn đề mà huyện rất trăn trở nên trong những năm qua, huyện đã thực hiện rất nhiều giải pháp như: Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu… Hàng năm, trên địa bàn huyện có từ 1.200 đến 1.400 ha cây trồng được chuyển đổi cơ cấu mùa vụ với sự đồng thuận rất cao từ phía người dân. Ngoài ra, Đạ Tẻh cũng quan tâm chuyển đổi một số loại cây trồng như cao su, điều, dâu tằm… Bắt đầu từ năm nay, địa phương tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo chiều sâu theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Một trong những giải pháp để thực hiện định hướng này là xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất Nếp Quýt đã được công nhận thương hiệu. Cùng với việc phát triển sản xuất thì Đạ Tẻh cũng tăng cường thực hiện chương trình sản xuất VietGAP và đẩy mạnh xúc tiến liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Một giải pháp khác cũng được quan tâm triển khai là chú trọng hình thức tổ chức sản xuất dưới dạng tổ hợp tác và hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 20 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu với định hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả cho cả giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết, không chỉ những xã có điều kiện thuận lợi về thủy lợi, đất đai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh mà ngay cả một số xã khó khăn cũng thực hiện công tác này khá tốt. Điển hình như xã Hương Lâm. Đây là xã có diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất đồi. Những ngày đầu vào đây làm kinh tế mới, người dân chủ yếu trồng cây mía, cây sắn và trồng lúa, bắp đồi. Lâu dần, qua quá trình chuyển đổi, cây điều gần như chiếm thế độc tôn nơi đây. Đây cũng là một trở ngại lớn khi thu nhập từ cây điều bấp bênh vì giá cả và dịch bệnh hoành hành. Chính vì vậy, trong những năm trở lại đây, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi nhiều diện tích điều già cỗi sang trồng cây ăn trái. Theo ông Ngô Văn Tố, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm, trong gần 1.500 ha đất gieo trồng của xã thì cây điều chiếm hơn 900 ha với hiệu quả kinh tế rất thấp. Khoảng 3 năm trở lại đây, xã đã vận động người dân chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn trái có thu nhập cao. Đến nay, toàn xã đã có hơn 110 ha cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh, quýt và sầu riêng, hơn 50% diện tích trong số này đã cho thu hoạch. Cá biệt, có những vườn cho thu hoạch với giá trị kinh tế đạt 600 - 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, người dân trong xã còn chuyển đổi để trồng gần 80 ha tre tầm vông và 20 ha dâu lai. Đây cũng là những loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế khá cao. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì xã cũng đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất để tăng cường tính liên kết, nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế. Với những kết quả đạt được từ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng lên rõ nét. Hiện tại, xã Hương Lâm đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm nay xã sẽ về đích nông thôn mới.

Theo thống kê, toàn huyện Đạ Tẻh hiện có khoảng 1.600 ha sản xuất lúa chất lượng cao, hơn 1.000 ha sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo mô hình 2 lúa + 1 bắp vụ Đông - Xuân đạt 1.350 ha. Huyện cũng đã dần khôi phục diện tích trồng dâu nuôi tằm với gần 500 ha đạt năng suất, chất lượng cao. Đối với gần 1.300 ha vườn điều, vườn tạp kém hiệu quả, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng cao su, cây ăn quả. Ngoài ra, còn có hơn 2.000 ha điều được áp dụng các biện pháp tái canh, thâm canh, cải tạo.

Tuy nhiên, do đặc thù của huyện Đạ Tẻh là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn nên khả năng đầu tư vào sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất then chốt nhằm đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả còn đạt thấp, chỉ khoảng 25%. Trên địa bàn huyện chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy trình khép kín. Kinh tế hợp tác, sản xuất theo mô hình nông trại, gia trại chưa phát triển nên chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Trương Thái Anh Quốc, Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, đó chính là lý do mà Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2020, huyện Đạ Tẻh xây dựng được vùng chuyên canh Nếp Quýt chất lượng cao, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 97 triệu đồng/ha/năm và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp đạt trên 35%. “Đến nay, Huyện ủy đã triển khai Nghị quyết đến tất cả Đảng ủy các xã, thị trấn. Hiện, các đơn vị đang tiến hành rà soát lại diện tích sản xuất, quy hoạch bờ vùng, bờ thửa hợp lý để tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất. Đối với vùng sản xuất chuyên canh, các xã, thị trấn đang tích cực triển khai sản xuất đồng trà, đồng vụ để đảm bảo tưới tiêu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Điều đáng mừng là đến nay Thương hiệu Nếp Quýt đã được cấp giấy chứng nhận. Đây sẽ là hướng đi đột phá để huyện Đạ Tẻh quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh Nếp Quýt tại xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh với diện tích 500 - 700 ha” - ông Quốc cho biết.

ĐÔNG ANH - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.014
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003231485
  •  Đang online: 81
  •  Trong tuần: 81
  •  Trong tháng: 71.473
  •  Trong năm: 1.219.894