TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và những giá trị trường tồn In trang
31/08/2021 07:45 SA

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất tử, là một trong những thắng lợi nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Bản Tuyên ngôn Độc lập là minh chứng khẳng định thành quả của Cách mạng tháng Tám mang lại. Thành quả đó chính là quyền con người, quyền dân tộc, khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do mà cả dân tộc phải đánh đổi rất nhiều máu xương, nước mắt mới dành được. Trải qua 76 năm kể từ mùa thu lịch sử ấy, bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và mang tầm ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Ý thức về quyền con người, quyền dân tộc đã được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, là mạch nguồn của trào lưu dân chủ tư sản ở Việt Nam thời kì này. Lúc này, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, đại diện là tầng lớp trí thức nho học như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Qúy Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền…hướng đến con đường cứu nước cứu dân là giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, khát vọng một nền độc lập gắn liền với dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Do nhiều hạn chế trên con đường hiện thực hóa tư tưởng này nên phong trào dân chủ tư sản ở nước ta đầu thế kỷ XX mau chóng thất bại. Nhưng chính từ sự thất bại của con đường cách mạng dân chủ tư sản trở thành bài học kinh nghiệm để người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tìm con đường cứu nước mới tại chính đất nước đang cai trị dân tộc mình, nơi có bản tuyên ngôn về “tự do, bình đẳng, bác ái”. Con đường cách mạng đúng đắn mà Nguyễn Ái Quốc tìm ra cho cách mạng Việt Nam thực chất chính là con đường đấu tranh dành độc lập tự do cho đất nước, thực hiện nhân quyền và dân quyền. Điều đó được thể hiện rõ ràng và thành đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời (năm 1930) để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ mang lại thành quả vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam chính là quyền con người, quyền dân tộc. 

Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam được mở đầu bằng hai đoạn trích “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Bằng việc trích dẫn lời hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dụng ý hết sức sâu sắc. Bởi vì, bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ là thành quả của nước Mỹ sau cuộc đấu tranh giành độc lập thành công và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền cũng ra đời trong chiến thắng của cách mạng Pháp, cuộc cách mạng của những thị dân và nông dân chống áp bức, bất công. Thành quả về nhân quyền từ hai cuộc cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn của chúng. Như vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là thành quả, là giá trị cô cùng to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cuộc cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân vùng lên đập tan xích xiềng nô lệ hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân để giải phóng với tư cách dành lại quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, tức là quyền con người, cho mỗi người dân Việt Nam. Trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong đêm trường nô lệ, dưới sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp rồi đế phát xít Nhật nhân dân Việt Nam vô cùng cực khổ như trong bản Tuyên ngôn Bác đã nêu: “…hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói…”

Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám quyền con người của người dân Việt Nam mới được thực hiện mà không ai có thể chối cãi được. Người dân Việt Nam không còn bị áp bức, bóc lột mà được hưởng làn gió mát của tự do, được hưởng quyền làm người “có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” cũng như nhân quyền mà người dân nước Mỹ, nước Pháp thừa hưởng sau cuộc cách mạng ở đất nước họ.

Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc.“…tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”. Thực tế lịch sử đã chứng minh dân tộc có độc lập thì con người mới tự do, hạnh phúc. Không thể có quyền con người khi quyền bình đẳng, quyền độc lập dân tộc bị tước đoạt. Khi quốc gia được độc lập thì con người mới được giải phóng và được làm chủ cuộc đời mình.

“Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nan… Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Với những tuyên bố về độc lập tự do trên, Tuyên ngôn độc lập đã nâng giá trị của Cách mạng Tháng Tám lên một tầm mức cao. Từ chỗ giải phóng con người với tư cách là quyền làm người của mỗi cá nhân đến giải phóng với tư cách giành lại quyền tự quyết, quyền độc lập, tự do cho toàn dân tộc. Từ một dân tộc phải chịu thân phận nô lệ đã vùng đứng lên “…một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!...” và đã dành được độc lập.

76 năm đã trôi qua, lý luận về quyền con người, quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn nguyên vẹn giá trị, một giá trị mang tính trường tồn và trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, là khởi nguồn cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Là động lực giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 942
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003118411
  •  Đang online: 81
  •  Trong tuần: 81
  •  Trong tháng: 130.600
  •  Trong năm: 1.106.820