TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Sáng kiến hay trong kiểm phiếu bầu cử In trang
14/04/2021 03:24 CH

Từ công việc thực tiễn tại cơ sở, cán bộ tư pháp xã Tân Hội (Đức Trọng) đã có sáng kiến hay trong công tác kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả thử nghiệm, áp dụng sáng kiến “kiểm phiếu ngược” đã mang lại kết quả rõ rệt, đảm bảo chính xác, nhanh, tiết kiệm thời gian. 

Biểu mẫu kiểm phiếu HĐND huyện của Luật sư Hoàng
Biểu mẫu kiểm phiếu HĐND huyện của Luật sư Hoàng

Luật sư Trương Văn Hoàng - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Luật gia huyện Đức Trọng chia sẻ sáng kiến này với phóng viên: Trước đây, tôi cũng tham gia công tác kiểm phiếu các đợt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, khi thấy anh chị em trong các tổ bầu cử đến cuối ngày, kiểm tra kết quả từng loại phiếu bầu rất tốn thời gian và cộng kết quả thường nhầm và lẫn lộn…; tôi đã tìm hiểu để đưa ra nhiều phương pháp, cách tính, cách kiểm phiếu bầu đem lại hiệu quả cao nhất. Và đợt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016 - 2021) tôi đã áp dụng phương pháp “kiểm phiếu ngược và vào ô” tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Kết quả kiểm phiếu cho thấy rất nhanh, độ chính xác cao.

Luật sư Trương Văn Hoàng cũng đã tâm huyết hiến kế sáng kiến này gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tỉnh Lâm Đồng. Luật sư Hoàng hướng dẫn thực hiện phương pháp “kiểm phiếu ngược và vào ô nhưng cho kết quả thuận” như sau: về vật tư gồm 4 tấm ván ép sơn 4 màu, theo màu lá phiếu; mẫu sơ đồ và kết quả kiểm phiếu. 

Về công tác chuẩn bị gồm ván ép: Mỗi tấm ván ép sẽ được sơn kẻ đúng theo sơ đồ mẫu. Màu sơn để vẽ sơ đồ đúng với màu lá phiếu bầu. Ví dụ: Lá phiếu bầu Quốc bội màu gì thì kẻ đúng màu sơn đó vào tấm ván ép có sơ đồ các ô, dùng để kiểm phiếu bầu Quốc hội mà thôi.

Tương tự như vậy, các tấm ván ép còn lại, cũng theo màu lá phiếu bầu của HĐND cấp nào, thì vẽ màu sơn của cấp đó.

Đối với mẫu sơ đồ (bằng giấy A4): Số liệu trong dấu ngoặc đơn của mỗi ô, sẽ được để trống, sau khi kiểm phiếu xong thì mới điền số phiếu cụ thể vào. Ví dụ: ô gạch 1+2, sau khi kiểm phiếu có 110 phiếu, thì ghi vào trong dấu ngoặc đơn là 110.

Mẫu Kết quả kiểm phiếu (bằng giấy A4): khi in ra, chỉ giữ nguyên các mục ghi tiêu đề, màu mực bôi đậm các ô theo mẫu… Còn lại các ô ghi số liệu thì để trống, chỉ khi nào kiểm phiếu bầu xong, ghi rõ số ở Mẫu Sơ đồ rồi, thì mới điền số liệu vào.

Theo đó, ứng dụng sáng kiến kiểm phiếu nhanh gọn, chính xác này cần thực hiện theo 4 bước như sau:

Bước 1: Theo quy định, kết thúc ngày bầu cử (có thể là 17h ngày 23/5/2021), lúc đó, theo sự phân công của tổ trưởng tổ bầu cử, mỗi cấp bầu sẽ có từ 2 đến 3 thành viên tổ bầu cử phụ trách. Sẽ đặt tấm ván ép lên vị trí thuận tiện (trên ghế, trên bàn hoặc trên nền gạch của hội trường thôn…).

Bước 2: Sau khi lập biên bản và khui thùng phiếu chính, 1 nhân viên tổ bầu cử sẽ chọn phiếu bầu đúng màu của tấm ván ép, rồi chuyển cho người thứ hai và người thứ 3 để phân loại phiếu theo tên ứng cử viên bị gạch, bỏ đúng vào ô ghi mẫu.

Ví dụ: Phiếu bầu gạch tên ứng cử viên số thứ tự 1 và gạch tên ứng cử viên số thứ tự 2, thì bỏ vào ô 1+2; phiếu bầu gạch tên ứng cử viên số thứ tự 1, gạch tên ứng cử viên số thứ tự 2 và gạch tên ứng cử viên số thứ tự 5, thì bỏ vào ô 1+2+5…

Bước 3: Sau khi phân loại màu phiếu bầu và bỏ hết vào từng ô theo mẫu, đến khi nào mà trong 2 thùng phiếu chính và thùng phiếu phụ đã không còn tấm phiếu bầu nào, thì lúc đó, anh em được phân công sẽ đếm số phiếu bầu tại từng ô. Sau đó ghi số phiếu của từng ô vào Mẫu Sơ đồ (bằng giấy A4).

Ví dụ: Ô gạch 1+2, sau khi kiểm phiếu có 110 phiếu, thì ghi vào trong dấu ngoặc đơn là 110; ô 1+2+3 có 50 phiếu thì ghi vào trong dấu ngoặc đơn ô 1+2+3 là 50…).

Bước 4: Sau khi kiểm phiếu xong và ghi số lượng vào từng ô của Mẫu Sơ đồ (bằng giấy A4) xong, thì sao đúng số liệu đó qua Mẫu Kết quả kiểm phiếu (bằng giấy A4).

Ví dụ: Hàng ngang của cột 1+2 là 110, thì trong Mẫu Kiểm phiếu sẽ có 2 ô cột dọc của 2 vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội hoặc HĐND theo số thứ tự là số 1 và số 2, đã được bôi màu, thì chúng ta không ghi gì cả. 3 ô còn lại của 3 vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội hoặc HĐND theo số thứ tự là số 3, 4 và số 5 là ô trắng, chúng ta ghi vào mỗi ô là số 110.

Tuần tự như vậy, ta điền số từ Mẫu Sơ đồ vào, và ghi số đó vào các ô trắng… Ghi đầy đủ rồi, cộng tổng số phiếu bầu của từng ứng cử viên vào cột tổng cộng.

Cuối cùng: Chúng ta cộng kết quả của từng vị ứng cử viên, số liệu này (cột Tổng cộng) chính là kết quả phiếu bầu của chính ứng cử viên đó. Kết quả số liệu của 5 ứng cử viên cộng lại là số liệu phiếu bầu hợp lệ.

Số phiếu bầu hợp lệ còn được tính như sau: Tổng phiếu bầu gạch 2 thì nhân với 3 + tổng phiếu bầu gạch 3 thì nhân với 2 + tổng phiếu bầu gạch 4 thì nhân với 1. Tổng cộng của 3 tổng này chính là tổng số phiếu bầu hợp lệ. 

Luật sư Hoàng giải thích cụ thể thêm: ở đây, phiếu bầu gạch duy nhất 1 ứng cử viên là phiếu bầu không hợp lệ; phiếu bầu gạch chéo, gạch không đúng tên ứng cử viên, gạch tùm lùm, bôi bẩn… cũng là phiếu bầu không hợp lệ. 

Cộng tổng số của tất cả ứng cử viên, so sánh với tổng số phiếu bầu hợp lệ, nếu 2 kết quả này bằng nhau, thì kết quả là chính xác.

Được biết, từ trách nhiệm trong công việc, từ cảm hứng trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử nhiều nhiệm kỳ trong hệ thống chính trị tại cơ sở, luật sư Hoàng còn có năng khiếu sáng tác âm nhạc. Bài hát “Hát mừng ngày bầu cử Việt Nam” của anh đã được ra đời. Anh mong muốn được thu âm hát chào mừng ngày bầu cử 23/5/2021 tới đây. Đây cũng chính là hình thức tuyên truyền bầu cử nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu. 

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 17.445
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003237382
  •  Đang online: 68
  •  Trong tuần: 5.704
  •  Trong tháng: 77.370
  •  Trong năm: 1.225.791