TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Đạ Lây đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng In trang
01/02/2021 11:19 SA

Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, những năm qua, xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Nhiều diện tích trồng điều hiệu quả thấp trên đất nông nghiệp đã được người dân Đạ Lây chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao như bưởi da xanh
Nhiều diện tích trồng điều hiệu quả thấp trên đất nông nghiệp đã được người dân Đạ Lây chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao như bưởi da xanh

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại cây ăn trái được người dân xã Đạ Lây tích cực thực hiện. Gia đình anh Trần Quốc Long, thôn Hương Thuận là một trong những hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. 

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rộng hơn 4 ha nay đã phủ kín bởi dâu tằm, bưởi da xanh có giá trị kinh tế cao, anh Long vừa nói những lời tâm tư với đầy vẻ tiếc nuối. “Tôi sở hữu một diện tích lớn đất vườn đã hơn chục năm, ấy vậy mà, từ đó đến nay tôi chưa khai thác hết tiềm năng của mảnh đất này, vì mãi loay hoay với các loại cây điều, cà phê nhưng cho thu nhập chẳng đáng là bao”. 

Từ năm 2017, nhờ có sự động viên, hướng dẫn của ngành nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông xã, anh Long chỉ giữ lại hơn 1 ha điều, số còn lại gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi sang 2 ha trồng dâu nuôi tằm, 1 ha trồng bưởi da xanh, xung quanh rào anh còn trồng thêm ít mít Thái. Tất cả diện tích khu vườn đều được anh thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Riêng đối với diện tích bưởi da xanh, việc chăm sóc cây trồng được anh ứng dụng nhiều kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. 

Theo anh Long, mặc dù chi phí đầu tư vườn ban đầu là rất lớn, song hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà vườn thì vô cùng tương xứng. Chỉ tính riêng tiền từ bán kén tằm, mỗi năm gia đình anh “bỏ túi” đều đặn hơn 300 triệu đồng. Đó là chưa kể, từ năm 2019, vườn bưởi da xanh của gia đình anh đã bắt đầu sai quả, cho thu nhập cao. Riêng vụ bưởi Tết Tân Sửu 2021, gia đình anh dự kiến thu về trên 6 tấn quả, nếu mức giá giữ được như hiện tại sẽ cho thu nhập không dưới 150 triệu đồng. “Nếu tôi mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng sớm hơn thì giờ này đã có một khoản kha khá rồi . Ăn tết xong, tôi sẽ chuyển đổi tiếp diện tích trồng điều còn lại để trồng thêm bưởi da xanh” - anh Long nói. 

Tại xã Đạ Lây, không chỉ riêng trường hợp của gia đình anh Long mà hiện nhiều hộ dân khác trong xã cũng bắt đầu cải tạo lại vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây dâu tằm. Một điều rất dễ nhận ra ở Đạ Lây hiện nay, ai có nhiều đất đai, cây trái nhiều thì có thu nhập cao; ai có ít đất đai nhưng đã chuyển sang trồng dâu, hay các loại cây ăn quả có giá trị cao thì cuộc sống cũng được ổn định hơn so với trước đây.

Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, Đạ Lây là xã được UBND huyện Đạ Tẻh đánh giá là đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong toàn huyện. Để có được thành quả như ngày hôm nay, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; quyết liệt chỉ đạo các thôn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa bàn.

Để thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân nhằm phát triển những mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao; những năm qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, lựa chọn cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để phát triển kinh tế, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, bảo đảm sản xuất an toàn. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất.

Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. 

 Đến nay, xã Đạ Lây đã chuyển đổi được 287,3 ha điều hiệu quả thấp trên đất nông nghiệp và trên 420 ha diện tích trồng mì sang trồng các loại cây khác có năng suất, chất lượng cao như: cây ăn quả, dâu tằm, tre tầm vông, cao su… Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần theo hướng hàng hóa, coi trọng giá trị gia tăng; hình thành nên các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. 

“Trong thời gian tới, xã Đạ Lây sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc duy trì và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, từ đó hình thành vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, nghiên cứu đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất để giúp người dân nâng cao thu nhập, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Xã Đạ Lây cũng không ngừng khuyến cáo người dân tuân thủ theo đúng quy hoạch, không chạy theo phong trào, khi đưa vào những giống cây trồng mới cần phải làm thử nghiệm nếu thấy hiệu quả kinh tế mới nhân rộng” - bà Hương cho hay.

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 787
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003237416
  •  Đang online: 75
  •  Trong tuần: 5.738
  •  Trong tháng: 77.404
  •  Trong năm: 1.225.825