TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Hồ tưới cà phê - những ''cái bẫy'' chết người In trang
18/11/2020 11:20 SA

Những năm gần đây, đuối nước đã cướp đi biết bao sinh mạng con trẻ, khiến ai cũng cảm thấy ám ảnh, xót thương đã và đang trở thành một thực tế đáng báo động. Thống kê cho thấy, phần lớn các vụ đuối nước xảy ra ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đều liên quan đến ao hồ tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp do người dân tự đào. Hiện nay, ở Lâm Đồng đang có hàng ngàn hồ tưới trở thành những “cái bẫy” chết người. Ở đó, chỉ cần một chút vui đùa quá mức của con trẻ, sự bất cẩn của người lớn khiến bao sinh mạng trẻ thơ ra đi trong sự đau đớn của gia đình và cộng đồng...

Hồ tưới cà phê người dân tự đào, nơi xảy ra vụ đuối nước khiến 3 cháu nhỏ tử vong thương tâm tại Thôn 5 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc)
Hồ tưới cà phê người dân tự đào, nơi xảy ra vụ đuối nước khiến 3 cháu nhỏ tử vong thương tâm tại Thôn 5 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc)

 

Thực tế báo động

Đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng khi nhắc đến vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong xảy ra tại Thôn 5 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) vào cuối tháng 9 vừa qua, khiến bất kể ai cũng quặn lòng, xót xa. Buổi trưa định mệnh ấy, trong lúc dắt nhau đi chơi đùa đã khiến 3 đứa trẻ rơi xuống hồ tưới cà phê trong thôn và mãi không trở về. Chiều hôm ấy, cả Thôn 5 (xã Đại Lào) bàng hoàng trong tiếng khóc xé lòng của người thân 3 cháu nhỏ không may rơi xuống hồ tưới cà phê bị đuối nước thương tâm.

Ngày định mệnh hôm đó, đúng vào thứ bảy, nên các em học sinh được nghỉ học. Trùng hợp hơn là trên địa bàn Thôn 5 lại có đám cưới, nên hầu hết người lớn trong thôn đều đi dự tiệc để lại con trẻ ở nhà. Khi tất cả người lớn trong thôn đang dự tiệc cưới, thì một nhóm trẻ nhỏ với 6 học sinh dẫn nhau đi chơi quanh thôn. Trong lúc đi qua một hồ chứa nước tưới cà phê thì không may 3 cháu nhỏ rơi xuống hồ. Thấy vậy, những đứa trẻ còn lại đã chạy đi gọi người lớn đến ứng cứu. Khi người lớn và lực lượng cứu hộ biết tin, đã nhanh chóng lặn tìm vớt các cháu nhỏ lên nhưng đã quá muộn. 

Chưa dừng lại ở đó, vào cuối tháng 2 năm nay, một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra tại một hồ tưới nước cà phê trên địa bàn huyện Di Linh. Khi đang trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, vợ chồng chị Ka Hởi và anh K’Têm (thôn K’Rọt Dờng, xã Bảo Thuận) dẫn hai con nhỏ vượt hơn 30 cây số đến xã Tân Nghĩa tưới cà phê. Tới nơi, để hai cháu cùng nhau chơi đùa, chị Ka Hởi và anh K’Têm tất bật kéo ống nước từ hồ tự đào của chủ vườn để tưới cà phê. Gần cuối buổi chiều, vợ chồng chị Ka Hởi tạm nghỉ ngơi uống nước nhưng gọi mãi không thấy hai con trả lời. Hốt hoảng tỏa đi tìm con khắp vườn và phát hiện hai con gái bé bỏng chết đuối dưới hồ nước tưới.

Nhắc lại nỗi đau quặn lòng này, ông K’Lôl - Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận (huyện Di Linh), nghẹn lời: “Sự việc quá đau lòng. Thật đau đớn, xót xa khi 2 cháu gái còn quá nhỏ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng vợ chồng chị Ka Hởi và anh K’Têm luôn bảo ban nhau tu chí làm ăn để chăm lo cho 2 con được học hành. Hai cháu nhỏ đã mất hơn nửa năm nay, nhưng nỗi đau vẫn luôn đeo bám gia đình vợ chồng nông dân nghèo khó không gì bù đắp được. Từ những vụ đuối nước thương tâm trong thời gian qua, mong rằng các ngành chúc năng, nhà trường và các bậc phụ huynh cần có sự phối hợp tốt hơn để dạy bảo giúp các cháu nhận ra sự nguy hiểm, phòng tránh có hiệu quả tai nạn đuối nước”.

“Bẫy” ở khắp nơi

Thống kê cho thấy, ngoài hệ thống sông, suối, hồ thủy lợi dày đặc thì toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 14.000 hồ tưới do người dân tự đào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có gần 2/3 số hồ tưới tự đào tập trung ở 6 huyện phía Nam là những địa phương có diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái lớn của tỉnh. Thực tế báo động, chỉ sau 2 vụ đuối nước nghiêm trọng kể trên xảy ra trong năm 2020 đã cướp đi sinh mạng oan uổng của 5 đứa trẻ khiến ai ai cũng xót thương rơi lệ.

Ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bảo Lâm, cho biết: “Toàn huyện đang có hơn 1.600 hồ tưới do người dân tự đào múc để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, phần lớn các hồ tưới này đều được đào múc sâu và hầu hết không được che chắn hay gắn biển cảnh báo nguy hiểm. Đặc biệt, hầu hết hồ tưới nằm ẩn khuất trong các vườn, rẫy sản xuất xa khu dân cư nên rất khó quản lý. Mặc dù các hồ tưới tự đào mang lại nguồn nước để người dân chống hạn cho cây trồng, song vô tình tạo thành những “cái bẫy” nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Không chỉ nguy hiểm đối với trẻ con, mà kể cả người lớn khi bất cẩn rơi xuống hồ cũng là nạn nhân. Giữa tháng 7 vừa qua, do bất cẩn nên một người đàn ông đã rơi xuống hồ tưới cà phê ở xã Lộc Đức bị đuối nước. Trước đó, vào tháng 9/2016, trên địa bàn xã Lộc An cũng xảy ra vụ đuối nước tại hồ tưới cà phê khiến 2 học sinh tử vong thương tâm”.

Trong khi đó, theo ông Vũ Hồng Long - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Di Linh, toàn huyện đang có hơn 1.700 ao hồ tưới do người dân tự đào. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ huyện đến xã, thị trấn luôn chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống các tai nạn đối với trẻ em. Trong đó, công tác phòng, chống đuối nước đặc biệt được chú trọng. “Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Huyện Đoàn, Phòng Văn hóa, Phòng Giáo dục - Đào tạo và Công an huyện cùng phối hợp tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đuối nước đến bà con nhân dân; đồng thời, mở nhiều lớp dạy bơi cho học sinh tập luyện và triển khai cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, những hồ tưới nước nằm khuất trong các vườn, rẫy vẫn là những “cái bẫy” nguy hiểm rình rập. Hiện nay, đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, nên người dân cần nâng cao cảnh giác nhằm quản lý chặt chẽ con em mình khi vào rẫy hái cà phê; đồng thời, tăng cường chỉ bảo cho em những mối nguy hiểm của tai nạn đuối nước từ các hồ tưới này để phòng tránh có hiệu quả tai nạn đuối nước” - ông Vũ Hồng Long khuyến cáo sự nguy hiểm từ những hồ tưới cà phê.

Từ những vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, phần lớn nạn nhân là các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động và cảnh báo của chính quyền và ngành chức năng các cấp còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Trong khi đó, người dân, đặc biệt là người dân nông thôn còn xem nhẹ mức độ nguy hiểm từ các ao, hồ nhỏ trong vườn, rẫy của gia đình mình. Điều đó được chứng minh, khi hầu hết các ao hồ do bà con tự đào đều không có biển cảnh báo nguy hiểm và không có rào chắn nhằm ngăn chặn trẻ em xuống tắm, chơi đùa. 

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 1.143
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003030628
  •  Đang online: 134
  •  Trong tuần: 12.148
  •  Trong tháng: 82.037
  •  Trong năm: 82.037