TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG !
Lão nông làm giàu nhờ sầu riêng In trang
04/05/2020 05:20 CH

      “Nông dân thời đại bây giờ không phải ngày lo ăn ba bữa nữa mà phải nghĩ đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, phải ở nhà đẹp, tắm máy nước nóng, phòng có máy lạnh…”, ông Nhu cười bảo thế.

Ông Nguyễn Nhu bên vườn sầu riêng trĩu quả
Ông Nguyễn Nhu bên vườn sầu riêng trĩu quả

      Chúng tôi được bà Nguyễn Thị Minh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Đạ Tẻh dẫn đến thăm khu vườn của ông Nguyễn Nhu (Tổ dân phố 5, thị trấn Đạ Tẻh) vào một buổi cuối chiều kèm theo lời giới thiệu: Ông Nguyễn Nhu là một trong những điển hình “tuổi cao gương sáng” của thị trấn. Ở tuổi ngoài 70, hai vợ chồng ông Nhu cải tạo khu vườn cằn cỗi để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh… Ông là tấm gương sáng cho con cháu cũng như hội viên Hội Người cao tuổi của địa phương, đồng thời ông vận động bà con quanh khu vực học hỏi, làm theo để có thể ổn định cuộc sống, tăng thu nhập.

      Đúng như hình dung của chúng tôi về một lão nông tóc đã bạc trắng, dáng người hao gầy, nắng gió cao nguyên dường như còn nguyên những vết hằn trên gương mặt, nước da ông. Ông Nhu gắn bó đời mình với nghề nông trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này cũng ngót nghét 40 năm, từ những ngày sau giải phóng. Ông kể: Lúc ở Quảng Ngãi, tôi là quân y của chế độ cũ, sau giải phóng tôi được trưng dụng trở lại, tạo điều kiện làm việc. Thế nhưng ở thời kỳ đất nước còn bộn bề những lo toan, đồng lương hiếm hoi khi ấy chẳng thể nào đủ cho gia đình 8 miệng ăn. Vậy nên vợ chồng bàn nhau lên cao nguyên tìm kiếm cho mình một cơ hội mới. Thấm thoắt đã gần hết cả một đời. “Giờ mới thấy lựa chọn ở lại Việt Nam khi đó là một quyết định sáng suốt bởi bây giờ con cái đều được giáo dục tốt, thành đạt. Bạn bè bây giờ đều ngưỡng mộ cuộc sống của gia đình tôi”, ông Nhu chia sẻ.

      Mảng xanh trong vườn cây của ông Nhu khác biệt, nổi bật hơn bởi ông lựa chọn một hướng đi khác biệt hơn, đó là trồng các loại cây ăn trái. “Có nhiều loại cây đem lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng phải biết loại cây gì phù hợp với vùng đất mà mình đang ở, đồng thời phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại thì phải xác định mục tiêu dài”, ông Nhu nói.

      Một cách tỉ mỉ và cẩn trọng, ông lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phun sương, đào đường dẫn thoát nước… để tiết kiệm công  chăm sóc. Ông cũng đánh số cho từng cây, ghi chép cẩn thận thời gian ra hoa, kết quả… Ông Nhu bảo, người xưa quan niệm làm nông hay làm gì cũng cần có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì ở đây đều có cả. Sầu riêng là cây đòi hỏi kỹ thuật rất nhiều, dễ sâu bệnh và đó là mấu chốt thành bại, phải “chăm cây như chăm con mọn”. Kinh nghiệm là một chuyện, việc phải tìm tòi, học hỏi kỹ thuật canh tác mới vẫn được ông cập nhật thường xuyên. Phân bón ông chọn cũng là loại phân sinh học, thử nghiệm nhiều lần trong vườn để đảm bảo an toàn cho cả người chăm sóc lẫn người tiêu dùng.

      Khu vườn có diện tích 2 ha trồng sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường, trong đó 1,2 ha trồng chuyên sầu riêng. Đây mới là năm thứ 2 bước vào giai đoạn kinh doanh và khi ổn định sẽ cho năng suất trên 10 tấn. Theo tính toán của ông, thời gian tới, giá sầu riêng trên thị trường sẽ không còn ở mức cao như hiện nay bởi diện tích sầu riêng hiện đang tăng lên. Tuy nhiên, dù giá sầu riêng chỉ còn 25.000 - 30.000 đồng thì với năng suất ổn định, người nông dân vẫn có thu bởi thời gian thu hoạch lên đến 15 - 20 năm, càng về sau lại càng ít tốn công chăm sóc. 

      Giờ đây, sau hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất này, không chỉ riêng ông mà cả 6 người con đều đã thành đạt, trong đó có 1 người cũng phát triển kinh tế trang trại ở Đạ Lây và là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương của huyện Đạ Tẻh. Ngoài ra, ông Nhu còn tận tình hướng dẫn, tư vấn cho những người có nhu cầu chuyển đổi cây trồng đến học hỏi kinh nghiệm. Ai cần, ông không chỉ hỗ trợ mà còn chở xuống vườn ươm ở Đồng Nai mua cây giống, phụ chở về nhà và bày cách chăm sóc. Theo quan sát, đã có khoảng hơn 10 ha xung quanh vườn cây của ông đã chuyển đổi sang trồng mới sầu riêng, hứa hẹn sẽ mở rộng trong thời gian tới đây. 

       Năm nay đã 75 tuổi nhưng ông vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn sải bước trong vườn nhà và chăm sóc từng gốc cây bằng tất cả sự quan tâm. Ông Nhu bảo rằng, làm nông nghiệp thời nào cũng vất vả, tuy nhiên với tư duy của một lão nông hiện đại, ông luôn chủ động học hỏi, tìm tòi cách làm mới, kỹ thuật mới để từ đó áp dụng vào khu vườn của mình. “Trời còn cho mình sức khỏe, còn sức thì mình còn làm. Mà càng làm càng thấy sức khỏe mình tốt hơn, sống không phải phụ thuộc vào con cái cũng khiến đời sống 2 vợ chồng thoải mái, luôn có niềm vui mỗi ngày bằng việc chăm sóc khu vườn”, ông chia sẻ thêm. 

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Lượt xem: 1.123
Liên kết website




Thống kê truy cập
  • 003029315
  •  Đang online: 229
  •  Trong tuần: 10.835
  •  Trong tháng: 80.724
  •  Trong năm: 80.724